Binh sĩ Nga nhảy dù trong một cuộc tập trận.
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển gần đây phân tích cuộc chiến mô phỏng nhằm xác định cán cân sức mạnh quân sự ở Trung Âu và Bắc Âu.
Kịch bản “ác mộng” bắt đầu khi Nga tấn công Lithuania thông qua đồng minh Belarus. Xung đột bùng nổ khiến Mỹ trực tiếp dẫn đầu liên minh NATO tham chiến, điều chưa từng xảy ra ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2.
Theo kịch bản trên, các lực lượng quân sự giao tranh ác liệt, nhưng không sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Trên lý thuyết, sức mạnh quân sự vượt trội giúp Nga dễ dàng chiếm ưu thế”, báo cáo viết. “Nga nhắm đến một cuộc xung đột ngắn và có thể dễ dàng tuyên bố chiến thắng”.
Đòn tấn công bất ngờ giúp Nga giành quyền kiểm soát vùng Bắc Âu, trước khi liên quân Mỹ, Anh và Pháp có thể xây dựng phương án đáp trả.
Theo các nhà nghiên cứu, cơ hội lớn nhất của NATO là cố gắng hạn chế đà tiến công của Nga cho đến khi Mỹ can thiệp. Nhưng “vấn đề là NATO chỉ có lực lượng lục quân hạng nhẹ, pháo binh rất yếu và phụ thuộc vào năng lực hỗ trợ từ trên không”.
Nếu Nga dễ dàng thống trị bầu trời nhờ lực lượng không quân uy lực, cục diện chiến tranh sẽ sớm ngã ngũ.
“Các yếu tố chính dẫn đến những thành công của Nga là lợi thế về tính chủ động và tính bất ngờ, số lượng vũ khí, năng lực cơ giới hóa, và đặc biệt là về hỏa lực vượt trội của pháo binh và tên lửa”, báo cáo viết.
Nga và Thụy Điển là hai quốc gia có mối quan hệ phức tạp. Năm 1700, Sa hoàng Nga Pyotr Đại đế từng phát động chiến tranh Bắc Âu lần thứ ba.
Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của người Nga, khiến Thụy Điển phải chấp nhận nhượng một loạt các vùng lãnh thổ quan trọng và không còn giữ được vị thế là đế quốc hùng mạnh ở châu Âu.
Tuần trước, tướng về hưu Ba Lan, Waldemar Skrzypczak cảnh báo Nga có thể phát động chiến dịch quân sự bất ngờ từ vùng Kaliningrad, cô lập lực lượng NATO ở Latvia, Lithuania và Estonia chỉ trong 2 ngày.
Anton Alikhanov, thống đốc vùng Kaliningrad của Nga, bác bỏ tuyên bố trên của tướng Ba Lan. Ông Alikhanov cho rằng Nga “không hề có ý định đe dọa các quốc gia láng giềng”.
“Hãy ngừng vẽ ra những kịch bản tưởng tượng, rằng xe tăng Nga sẽ tràn qua khu vực này, khu vực kia. Nga còn đang bận giải quyết các vấn đề khác”, ông Alikhanov nói. “Người Ba Lan lại nói về chiến tranh với Nga, có lẽ tướng Ba Lan muốn đưa mọi thứ trở về thời đồ đá”.