Quân đội Thụy Điển bắt đầu tuyển quân sau 1 thập kỷ cắt giảm. Ảnh: AFP
Bên trong một tàu đổ bộ, tiếng cười đùa của 8 lính hải quân Thụy Điển nhạt dần, thay vào đó là sự im lặng và căng thẳng khi họ tiến đến gần đảo Korsö trên Biển Baltic.
Sau những tiếng súng nổ, những người lính trên tàu tiến hành đổ bộ lên đảo với những tiếng hô "xung phong".
Đó là một phần của cuộc tập trận đánh chiếm đảo, đánh dấu sự kết thúc của cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất được tổ chức tại Thụy Điển kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với sự tham gia của các lực lượng Thụy Điển và 14 đồng minh diễn ra trên khắp khu vực đồi núi, đồng bằng và quần đảo của quốc gia Bắc Âu này.
Với cuộc diễn tập lớn trên, Thụy Điển muốn báo hiệu cho cả đồng minh và đối thủ: quân đội nước này đã trở lại.
Sau nhiều thập kỷ cắt giảm lực lượng, quân đội Thụy Điển đang tuyển thêm quân, mở căn cứ và tìm nguồn cung ứng khí tài hiện đại khi mối quan hệ của khu vực với Nga bị đóng băng giữa cuộc xung đột ở Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào tháng 7 này, Thụy Điển hy vọng sẽ hoàn tất đơn xin gia nhập kéo dài một năm với tư cách là thành viên thứ 32 sau khi nước láng giềng Phần Lan gia nhập Liên minh vào tháng 4 vừa qua.
Thủ tướng Ulf Kristersson đã đến Korsö để quan sát cuộc tập trận và cho biết: “Chúng tôi không tìm cách gia nhập NATO chỉ để bảo vệ chính mình, chúng tôi còn có nhiều thứ đóng góp. Thụy Điển có thể giúp đảm bảo an ninh cho những nước khác, đó là một tín hiệu quan trọng mà chúng tôi đang gửi đi hôm nay”.
Trên một bãi biển ở Korsö, các chỉ huy quân sự hàng đầu của Thụy Điển cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư cho lực lượng vũ trang.
Người đứng đầu Hải quân Ewa Skoog Haslum đã trích dẫn việc nâng cấp các phương tiện hải quân, như tàu ngầm và tàu lớp hộ tống, trong khi người đứng đầu lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden lưu ý rằng một số đơn vị quân đội mới đã được thành lập gần đây trên khắp cả nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cho biết việc cắt giảm quy mô lực lượng vũ trang Thụy Điển sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã “đi quá xa” và nước này hiện đang "đi đúng quỹ đạo".
“Luật quốc phòng mà chúng tôi thông qua vào năm 2020 đã đề xuất tăng ngân sách đáng kể cho tất cả các quân binh chủng: lục quân, hải quân và không quân. Và sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, chúng tôi đã đẩy mạnh đầu tư”, ông Jonson nói.
Thụy Điển tìm cách trấn an các đồng minh rằng họ có thể đóng góp cho NATO cũng như hưởng lợi từ tư cách thành viên này. Ảnh: AFP
Bất chấp lời tuyên bố trên, chi tiêu quân sự của Thụy Điển vẫn không đạt được mục tiêu mà NATO đề ra là chi tiêu quốc phòng của một quốc gia thành viên ít nhất phải xấp xỉ 2% GDP.
Vào năm 2022, Stockholm đã phân bổ 1,3% GDP cho quân đội, mức thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào quanh Biển Baltic, theo tổ chức tư vấn an ninh SIPRI có trụ sở tại Stockholm. Chính phủ Thụy Điển cho biết họ không kỳ vọng đạt được mục tiêu 2% trên cho đến năm 2026.
Trung lập trong Thế chiến thứ hai, quân đội Thụy Điển nổi lên như một lực lượng vũ trang mạnh trong khu vực trong những năm sau đó. Vào cuối những năm 1950, lực lượng không quân của nước này lớn thứ tư trên thế giới trong khi lực lượng hải quân đã phát triển công nghệ tàu ngầm tiên tiến.
Nhưng sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, các nhà lập pháp Thụy Điển quyết định rằng mối đe dọa từ Nga đã chấm dứt. Các chính phủ kế nhiệm ở Stockholm đã cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng và thay vào đó đầu tư vào bệnh viện, trường học và các dịch vụ khác.
Ngân sách quốc phòng của Thụy Điển đã giảm xuống dưới 2% GDP trong những năm 2000. Tuy nhiên, một tuyên bố của một vị tướng hàng đầu Thụy Điển đã tạo ra bước ngoặt.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Thụy Điển Svenska Dagbladet vào cuối năm 2012, chỉ huy quân sự hàng đầu lúc bấy giờ của Thụy Điển Sverker Göranson cho rằng nếu nước này bị tấn công thì họ có thể tự vệ “trong khoảng một tuần”.
Tuyên bố đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc tăng cường tiềm lực quân sự Thụy Điển. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, quân đội Thụy Điển bắt đầu thay đổi, với kế hoạch chi tiêu mới vào năm 2015 để bảo đảm việc mở và mở lại các căn cứ quân sự.
Năm 2019, Thụy Điển tái thiết lập căn cứ hải quân khổng lồ ở phía Nam Stockholm tại Muskö. Để giới thiệu các cơ sở quân sự mới được tân trang lại, Thụy Điển đã tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở căn cứ trên vào giữa tháng 4 vừa qua.
Trong một bài phát biểu, ông Austin cho rằng Thụy Điển là một phần của NATO sẽ giúp “ngăn chặn xung đột bao gồm cả ở khu vực Biển Baltic”.
Các chiến lược gia Mỹ và những quan chức quân sự tại trụ sở NATO ở Brussels, cũng như ở Moskva từ lâu đã biết rằng việc kiểm soát bờ biển Thụy Điển và đảo Gotland của nước này sẽ đóng vai trò chiến lược trong bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa phương Tây và Nga ở phía Đông Bắc châu Âu.
Bờ biển phía Nam của Thụy Điển đối diện với vùng Kaliningrad của Nga, nơi đóng quân của Hạm đội Baltic, trong khi đảo Gotland nằm gần các tuyến đường biển thương mại và quân sự quan trọng của thành phố St. Petersburg của Nga.
Về phần mình, Nga đã tăng cường cảnh báo Thụy Điển trong những năm gần đây và cho biết sẽ đáp trả việc Thụy Điển gia nhập NATO bằng các biện pháp "quân sự-kỹ thuật".