Thương vụ Ấn Độ mua S-400 của Nga: Liều tăng cường đi kèm phản ứng phụ

Hoài Thanh |

Vì lợi ích của chính mình, Mỹ nhiều khả năng sẽ không trừng phạt Ấn Độ hoàn tất nhận chuyển giao các tổ hợp S-400 từ Nga, xét trong bối cảnh cả Washington và New Delhi đều có chung mục tiêu kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hệ thống phòng không S-400 Nga. Ảnh: Sputnik

Hệ thống phòng không S-400 Nga. Ảnh: Sputnik

Tháng 10/2018, Tư lệnh Không quân Ấn Độ (IAF) lúc đó là Tướng Marshal BS Dhanoa, đã gọi thương vụ mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga là một “liều tăng cường cho IAF”.

Ngày nay, thuật ngữ “liều tăng cường” gắn liền với mũi vaccine ngừa COVID-19. Nhưng tư lệnh Dhanoa nhắc đến khái niệm này với một bối cảnh khác.

Hệ thống S-400 mà ông đề cập được coi là công cụ giúp nhân lên sức mạnh cho quân đội Ấn Độ, sau khi đã được chứng minh là một trong những nền tảng vũ khí tiên tiến nhất.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa này lại được khơi lên, do Mỹ đang tìm cách lôi kéo Ấn Độ từ bỏ hợp đồng với Nga, kèm theo đó là đe dọa áp đặt trừng phạt đơn phương nhằm vào Ấn Độ nếu New Delhi vẫn kiên quyết theo đuổi hợp đồng.

Chính quyền Washington đưa ra cảnh báo này bất chấp việc giới nghị sĩ và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lên tiếng phản đối.

S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm xa do tổ hợp nhà nước Almaz-Antey của Nga nghiên cứu, phát triển.

Vũ khí phòng không này có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không khác nhau, từ máy bay tiêm kích, máy bay ném bom cho tới tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thậm chí là cả thiết bị bay không người lái (UAV).

S-400 sở hữu bốn loại đạn tên lửa khác nhau, có thể bám và diệt mục tiêu ở gần cho tới mục tiêu cách xa 400 km.

Việc mua sắm S-400 là để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ấn Độ đặt trong bối cảnh ổn định khu vực.

Sau vụ đụng độ chết người xảy ra giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở Ladakh dọc đường ranh giới chính thức (LAC) hồi tháng 5/2020, Bắc Kinh đã ra lệnh tăng cường điều động vũ khí tới khu vực biên giới giáp Ấn Độ, đẩy mạnh cải tạo, xây dựng hạ tầng quân sự tại đây.

Đáng chú ý là việc Trung Quốc bố trí cả tiểu đoàn tên lửa S-400 dọc theo LAC. Điều này đe dọa trực tiếp đến khả năng tác chiến của IAF trong trường hợp nổ ra xung đột, tạo ra chênh lệch cán cân chiến thuật.

Ấn Độ cũng luôn lưu tâm đến nước láng giềng Pakistan khi theo đuổi hợp đồng mua S-400 của Nga.

Pakistan thiếu “chiều sâu chiến lược” khi xét đến khoảng cách đường không, do Ấn Độ chỉ cách hai tỉnh Peshawar ở miền tây và Lahore ở miền đông Pakistan dưới 385 km – nằm gọn trong tầm quan sát của radar gắn trên S-400, nằm trong tầm hỏa lực áp chế của tổ hợp này.

Việc IAF sở hữu và triển khai các tổ hợp tên lửa S-400 vì thế cùng lúc sẽ giúp định vị, can thiệp tác chiến đường không trên cả hai hướng nhằm vào Trung Quốc và Afghanistan.

Nắm trong tay các tổ hợp tên lửa S-400 sẽ giúp Ấn Độ có điều kiện tích hợp hài hòa vũ khí này với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) nội địa. Kết hợp với các trạm do thám, thám không đặt trên không gian và mặt đất, quân đội Ấn Độ sẽ tạo được tiềm lực quân sự vượt trội, giúp duy trì thế ổn định chiến lược tại khu vực.

Vậy điều gì khiến Mỹ tức giận? Nhìn một cách tổng thể, S-400 hiện là tổ hợp phòng không hiện đại nhất thế giới, nhưng giá thành chỉ bằng 50% so với các phiên bản của phương Tây, ví dụ như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Lockheed Martin.

Hơn thế, S-400 còn có khả năng “bắt chết” và tiêu diệt các mẫu tiêm kích tàng hình hiện đại của NATO như F-22 hay F-35. Có thể vì lý do này mà Mỹ phản đối mạnh mẹ, bởi S-400 hiện nằm trong tay cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO, và Trung Quốc – nước Mỹ coi là đối thủ.

Sự ra đời của Đạo luật trừng phạt kẻ thù thông qua cấm vận (CAATSA) tại Mỹ cũng làm vấn đề nghiêm trọng hơn.

CAATSA là một đạo luật liên bang, quy định phạm vi, lĩnh vực và biện pháp trừng phạt nhằm vào riêng Nga, Iran, Triều Tiên và những nước có can dự song phương với ba nước này về tình báo và quân sự.

Ngay từ thời điểm Nga, Ấn Độ mở các cuộc đàm phán về thương vụ S-400, Mỹ đã bộc lộ ý định sẵn sàng áp cấm vận với Ấn Độ dựa trên CAATSA.

Nhưng điều khiến Washington còn lưỡng lự chính là việc Thủ tướng Narendra Modi khởi động tiến trình thương thảo hợp đồng mua S-400 với Tổng thống Vladimir Putin hồi năm 2016, trước thời điểm CAATSA được thông qua (7/2017).

Vì thế, kiểu trừng phạt hồi tố nếu được đưa ra áp dụng sẽ chỉ làm phương hại tới quan hệ Mỹ-Ấn vốn đang trong giai đoạn phát triển tích cực.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chịu nhiều sức ép từ trong nước. Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ và Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn Độ đã lên tiếng hối thúc Nhà Trắng áp dụng quy tắc “miễn trừ vì lợi ích quốc gia”, bỏ qua trừng phạt Ấn Độ theo diện CAATSA với lý do điều này mang lại lợi ích an ninh quốc gia đối với Mỹ.

Nhóm nghị sĩ Mỹ-Ấn Độ tại Thượng viện cho rằng việc áp dụng cấm vận CAATSA chỉ có tác dụng hủy hoại quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời không đạt được mục tiêu dự định về ngăn chặn hoạt động bán vũ khí của Nga.

Ấn Độ cần hướng hiện thực hóa mục tiêu cân bằng quyền lực tại tiểu lục địa. Sở hữu và đưa vào phiên chế tổ hợp S-400 giúp New Delhi chuyển thông điệp tới Bắc Kinh về sức mạnh của quân đội Ấn Độ dọc LAC.

Đó cũng là công cụ quan trọng để bảo đảm một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình. Rất tình cờ, bước đi này cũng mở ra một lối thoát cho Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại