Trước những vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM, nhất là sau khi xảy ra vụ việc 2 hiệp sĩ bị đâm tử vong, chiều 29-5, bên lề Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã trao đổi với báo chí về giải pháp cho vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh không được để "hiệp sĩ" hoạt động đơn độc - Ảnh: Nguyễn Nam
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, TP HCM nên áp dụng lực lượng cảnh sát 141 bởi mô hình này đã được đúc kết tại Hà Nội.
Cụ thể, trước khi thành lập lực lượng 141 , tại Hà Nội, xảy ra những vấn đề phức tạp khi lực lượng cảnh sát giao thông gặp các đối tượng chống đối. Sau đó, TP đã thí điểm thành lập lực lượng 141 (theo Quyết định 141 của Giám đốc Công an TP), bao gồm: cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và kết hợp với đặc nhiệm để giải quyết các vấn đề nóng có thể xảy ra.
"Hiệu quả của mô hình 141 rất tốt. Bộ Công an và TP Hà Nội cũng đã tổng kết về việc này. Từ hoạt động của lực lượng 141 đã giải quyết rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ, đồng thời cũng phát hiện ra rất nhiều tội phạm"- tướng Vương nhận xét.
Ông cũng cho biết ngoài lực lượng 141, trên địa bàn còn có sự hoạt động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô. Lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm soát vào ban đêm (từ 21 giờ đêm đến 4 giờ sáng) tại các tuyến đường lớn, các khu dân cư.
"Lực lượng này bắt giữ được rất nhiều tội phạm trong quá trình chuẩn bị gây án hoặc đang đi gây án"- Thứ trưởng Bộ Công an thông tin.
Còn tại TP HCM, vào năm 2013, trước tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động cùng phối hợp xử lý các vấn đề liên quan.
Lực lượng này hoạt động cũng rất hiệu quả tại TP HCM. Tuy nhiên, mô hình 141 tại đây "chưa được tổ chức rành rọt, chưa tập trung".
"Bộ Công an đang chỉ đạo Giám đốc Công an TP HCM đánh giá lại toàn diện tình hình tội phạm tại đây. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu triển khai lực lượng cảnh sát cơ động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP HCM tuần tra, kiểm soát cùng các lực lượng.
Đồng thời, TP HCM phải đánh giá lại các mô hình, các đội săn bắt cướp, đội đặc nhiệm hướng Nam, từ đó tổ chức lại các lực lượng này. Cùng đó, là việc báo cáo, đề xuất cấp ủy, chính quyền TP HCM về việc tổ chức lại lực lượng quần chúng tham gia phong trào quần chúng tự quản"- Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh lại quan điểm: "Theo tôi, TP HCM nên nghiên cứu mô hình 141 để ứng dụng. Tất nhiên, thành lập thế nào cho phù hợp với địa bàn. Bởi đây là mô hình rất hay, cách làm cần đa dạng".
Liên quan đến việc 2 "hiệp sĩ" bị đâm tử vong tại TP HCM, ông Vương cho rằng vấn đề quan trọng là phải tổ chức lại lực lượng này thế nào để họ hoạt động có tổ chức, "không nên để họ phát triển một cách tự phát mà không có định hướng, không có sự hỗ trợ".
"Mô hình "hiệp sĩ" là kết quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo TP HCM, các mô hình tổ chức như "hiệp sĩ" cần phải gắn kết với lực lượng cảnh sát hình sự, gắn kết với lực lượng cảnh sát giao thông, gắn kết với công an phường.
Để khi có phức tạp về tình hình tội phạm hoặc nhận được tin báo tố giác tội phạm thì các "hiệp sĩ" phải gọi điện ngay cho lực lượng công an cùng hỗ trợ. Phải kết hợp như vậy giữa các lực lượng, chứ không nên để "hiệp sĩ" hoạt động đơn độc"- ông Vương cho biết.