Nhưng trong ngày 27-4, thế giới chứng kiến một hình ảnh rất khác. Hai nhà lãnh đạo như đã quen biết từ lâu, họ thoải mái bắt tay (thậm chí ôm nhau thân ái khi ra được tuyên bố chung "Bàn Môn Điếm"), cười sảng khoái, cùng nhau đi dạo, không ngại nói đùa bất chấp nơi họ đang đứng là khu vực phi quân sự (DMZ) giữa biên giới liên Triều - nơi được vũ trang nặng nề nhất thế giới.
"Khi nào tôi có thể sang Triều Tiên?" - ông Moon hỏi khi lần đầu gặp ông Kim gần Đường Ranh giới quân sự (MDL), một cái vạch chỉ rộng 50 cm nằm trong DMZ và chia cắt bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1953. Xung quanh hai người là một rừng phóng viên lăm lăm máy quay, máy ảnh chực chờ ghi lại khoảnh khắc lịch sử trước Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều này. Ông Kim đáp lại bằng cách bất ngờ mời ông chủ Nhà Xanh bước ngược qua biên giới về phía Triều Tiên và thậm chí chủ động nắm tay ông Moon còn do dự kéo đi.
Băng tiếp tục tan khi hai nhà lãnh đạo ngồi vào chiếc bàn dài 2.018 mm (tượng trưng cho năm 2018) trong phòng họp trang trọng của Nhà Hòa bình, theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc).
Dù cuộc nói chuyện xoay quanh những vấn đề hết sức nhạy cảm như phi hạt nhân hóa Triều Tiên song vẫn không cản được những lời bông đùa nhẹ nhàng. "Tôi nghe nói ông phải dậy sớm để dự các cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia. Từ giờ, ông sẽ không phải thức giấc sớm nữa" - nhà lãnh đạo trẻ đến từ Bình Nhưỡng nửa đùa nửa thật, ám chỉ một loạt cuộc họp an ninh cấp cao Hàn Quốc mà ông Moon phải triệu tập sau các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân vào ban đêm của Triều Tiên hồi năm ngoái.
Ông Kim cảm thán: "Tôi tự hỏi mình từ biên giới tới đây chỉ khoảng 200 m mà sao trông xa xôi tới vậy, sao khó đến như thế?". Đáp lại, Tổng thống Moon đề nghị tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn ở thủ đô cả hai nước - Seoul và Bình Nhưỡng - cũng như những địa điểm đẹp đẽ khác như hòn đảo du lịch Jeju của Hàn Quốc.
Khi ông Moon nhắc đến ước muốn du lịch tới Baekdu - ngọn núi biểu tượng của Triều Tiên, ông Kim tỏ ra quan tâm khi nói ông lo rằng tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp phải trở ngại về giao thông. Như một lời thừa nhận hiếm hoi về cơ sở hạ tầng hạn chế của nước mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói: "Tàu cao tốc của miền Nam có vẻ tốt. Khi ông tới miền Bắc, tôi có thể thấy ái ngại (vì những bất tiện)".
Trong khi có thể lý giải sự mềm mỏng của ông Kim là thái độ thiện chí nhằm tiến tới hòa bình, phát triển kinh tế thì phong thái nhã nhặn của ông Moon ít nhiều mang phong vị cá nhân. Ngày 27-4 không phải là lần đầu tiên người đứng đầu nước này đặt chân lên lãnh thổ láng giềng. Ông từng đến Triều Tiên và thậm chí có gốc gác từ Triều Tiên.
Theo báo chí Hàn Quốc, cha mẹ ông Moon di tản sang Hàn Quốc trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) nhưng họ vẫn còn họ hàng bên kia biên giới. Năm 2004, ông Moon cùng mẹ trở lại Triều Tiên để thăm họ hàng theo chương trình đoàn tụ gia đình.
Chính ông Moon từng phụ trách công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 2 (năm 2007) khi còn là chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun. Trong cuốn sách phát hành năm ngoái, tổng thống Hàn Quốc chia sẻ: "Tôi nghĩ tôi muốn dành những ngày cuối đời ở Hungnam (quê cha mẹ ông ở Triều Tiên). Nếu được thống nhất hòa bình, điều đầu tiên tôi muốn làm là đưa người mẹ 90 tuổi của mình trở về quê nhà".