Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai "ông lớn", nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước

Đại sứ Phạm Quang Vinh (PV ghi) |

Cách của ông Trump là loại bỏ hoặc hạn chế môi trường có lợi để Trung Quốc không thể soán ngôi của Mỹ. Còn Trung Quốc dường như đang áp dụng chủ trương ‘kiên nhẫn chiến lược’.

Chỉ chưa đầy tuần, Tổng thống Trump đã làm chao đảo tình hình, cả chính trị và kinh tế thế giới, nhất là trong quan hệ Mỹ - Trung, khi mà cuộc chiến thương mại hai nước lại bị đẩy căng hơn nữa, ăn miếng trả miếng, ngay trước thềm một G7 vốn đã và đang bất đồng nhiều chiều, khó có thể giải quyết được các vấn đề của thế giới như trông đợi, mà trong đó cũng lại luôn ẩn chứa nhân tố Trump.

Dư luận không chỉ phản ứng trái chiều về cách ứng xử của Trump, mà còn luôn thấy rất bị động, bất ngờ trước những quyết sách, phản ứng của Trump, như chính trong tuần vừa qua khi ông đáp trả ngay và hết sức quyết liệt, với một loạt các biện pháp trả đũa tức thì, sau khi Trung Quốc công bố sẽ áp thêm thuế đối với 75 tỉ USD hàng hoá từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã sang tháng thứ 18, mà dường như người ta vẫn chưa thể hiểu và lường trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, cuộc chiến này rồi sẽ đi đến đâu, hay Trump sẽ còn làm gì thêm nữa, còn rất nhiều ẩn số. Chỉ duy nhất thấy rõ, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã và đang ngày càng căng thẳng và mở rộng.

Báo chí đã có nhiều đánh giá các tác động qua lại và chiều hướng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và đương nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau. Khi báo điện tử Trí Thức Trẻ đặt vấn đề với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, người từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào thời điểm Trump nhậm chức Tổng thống và chứng kiến một năm rưỡi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này, ông rất ngần ngại vì cho rằng vấn đề quá rộng. Cuối cùng ông cũng nhận lời, nhưng nhấn mạnh rằng cũng chỉ muốn góp thêm một góc nhìn từ chính trị đối ngoại. Cuộc trao đổi kéo dài, xin được tóm tắt những nội đúng chính như sau.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 2.

Nếu phải đánh giá ngay tức thời, thì ông sẽ nói gì về những diễn biến nóng nêu trên?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đây là vấn đề lớn và rộng, tôi chỉ dám mạo muội góp thêm một góc nhìn từ chính trị đối ngoại với tư cách cá nhân và xin được đáp ngay một cách cô đọng thế này: Một là, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng căng thẳng, phức tạp và khó lường; Hai là, nó không chỉ là thương mại, mà là cuộc đấu chiến lược, chính trị - kinh tế nhiều chiều; Ba là, nó luôn chịu tác động rất sâu sắc bởi cách làm, cách tiếp cận của ông Trump. Tất cả những điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng chi phối các diễn biến trong thời gian tới.

Vậy ông thấy gì đặc biệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mấy ngày qua và cách phản ứng của ông Trump lần này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng là tuần vừa qua, từ ngày 23.8, thực sự rất kịch tính, có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, ngày 23.8, Trung Quốc công bố sẽ áp thêm thuế lên 75 tỉ USD hàng hoá của Mỹ để trả đũa; Tiếp đó, ngay trong ngày, Trump lập tức đăng một loạt tweet đáp trả rất cương quyết và bằng một loạt biện pháp mạnh, bao gồm tăng thuế lên toàn bộ 550 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ và yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc; Thứ ba, nhưng chỉ hai ngày sau, 25.8, Trump lại có thể quyết định sẵn sàng nối lại đàm phán với Trung Quốc, vì theo Trump nói, phía Trung Quốc đã gọi điện và mong muốn đàm phán. Tổng thống Mỹ còn ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo hiểu biết và sáng suốt.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 5.

Các dòng tweet liên tục của ông Trump về việc đánh thuế hàng hóa Trung Quốc

Chỉ với những động thái như vậy, Trump đã làm cho các giới từ kinh tế, đến chính trị, ngoại giao… căng mắt theo dõi và thị trường chứng khoán các nơi đều chao đảo, lúc lên lúc xuống theo các dòng tweet của ông.

Vậy nên thấy gì từ diễn biến tuần qua?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, Trump vẫn luôn là người giữ thế chủ động, có thể nói là người điều chỉnh nhịp chơi: Việc Trung Quốc dự định áp thêm thuế lên 75 tỉ USD hàng hoá Mỹ ngày 23.8 thực tế là để đáp trả việc Mỹ đầu tháng 8 quyết định áp thuế (10%) lên số 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc còn lại. So sánh sẽ thấy "đòn đánh" của Trung Quốc là nhỏ và họ cũng không khơi mào, nhưng Trump đã mượn cớ này để trả đũa và gia tăng áp lực lớn hơn rất nhiều (tăng thêm 5% thuế lên toàn bộ 550 tỉ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc, bao gồm: lên 30% kể từ 1.10 với 250 tỉ USD hiện đang chịu thuế 25%; từ 10% lên 15% với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỉ USD theo hai thời điểm 1.9 và 15.12); rồi chính Trump lại xả áp lực sẵn sàng đàm phán khi có cớ là Trung Quốc đề nghị.

Thứ hai, cuộc chiến này sẽ còn dai dẳng, phức tạp, bởi lý do trước hết: Nó đã được mở rộng và đẩy lên cao, nay hai bên đồng ý nối lại đàm phán trong khi cả hai chưa ngỏ ý có bất cứ nhân nhượng nào - như vậy, nếu đàm phán diễn ra vào tháng 9, hai bên không chỉ phải bàn về những khác biệt dẫn đến đổ vỡ đàm phán kể từ tháng 5.2019, khi phía Mỹ đổ tội cho Trung Quốc đã thoái lui hầu hết các cam kết trong một thỏa thuận trước đó được cho là đã đạt tới trên 90%, cộng thêm với những diễn biến mới từ đó, bao gồm cả việc Mỹ có thể áp thêm 15% thuế vào thời hạn 1.9 này.

Điều này khá giống với cuộc gặp Trump - Tập dịp G20 (29.6) là nối lại đàm phán, không áp thêm thuế mới, nhưng thuế đã đánh thì vẫn giữ. Và, chúng ta đều thấy, dù đã có thỏa thuận cấp cao dịp G20, cuộc đấu vẫn hết sức phức tạp trong hai tháng vừa qua.

Trở lại thỏa thuận đình chiến tại G20 và từ đó đến nay, theo ông, liệu có điều gì để dự đoán về vòng đàm phán sắp tới?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Như trên đã nói, đến nay, hai bên vẫn chưa tỏ ra nhân nhượng gì, nên khi nối lại đàm phán, họ sẽ phải bàn chính về những bất đồng đã nảy sinh.

Nhìn lại từ G20, cũng như phản ứng qua lại của hai bên trong tuần qua, Trump đã phản ứng tức thì, quyết liệt và đẩy cao thêm các biện pháp trả đũa, ngay sau khi Trung Quốc nói áp thêm thuế; thậm chí còn nói, với Mỹ "tốt hơn là không cần TQ" và yêu cầu các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Còn Bắc Kinh, một mặt dù là có trả đũa ở mức vừa phải, tỏ ra vẫn muốn đàm phán, nhưng mặt khác, cũng cho biết sẵn sàng "đấu đến cùng".

Trung Quốc dường như chỉ muốn nhân nhượng tượng trưng, như mua thêm hàng của Mỹ, chưa hoặc không chịu những yêu cầu khác (như về cải cách cấu trúc kinh tế, về công nghệ, tiền tệ…). Trung Quốc dù không muốn,cũng đang phải chuẩn bị cho một cuộc chiến quyết liệt hơn và lâu dài. Nước này đã để đồng Nhân dân tệ (NDT) lần đầu tiên rớt giá xuống dưới ngưỡng 7 NDT/1 USD hay tạm dừng mua các nông sản của Mỹ. Phía Mỹ sẽ vẫn phải gia tăng áp lực, vì chưa đạt được mục tiêu và những nhượng bộ cần thiết từ Trung Quốc.

Sau G20, hai bên nối lại đàm phán, nhưng không hề có tiến triển gì kể từ lúc đổ bể vào tháng 5.2019, khi Trung Quốc được coi là đã rút lại hầu hết các nhượng bộ của mình. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ phải bắt đầu lại trước hết từ những bế tắc đó.

Nếu nhìn dài hơn, chỉ trong hơn một năm, cuộc chiến thương mại đã thực sự bị cuốn vào vòng xoáy leo thang đến chóng mặt. Như vậy, các vòng đàm phán sắp tới cần phải giải quyết không chỉ với những gì bị đổ vỡ từ tháng 5, mà còn cả những gì đã được đẩy lên trong vòng xoáy chiến tranh thương mại vừa qua. Điều này báo hiệu các cuộc thương lượng tới không hề dễ dàng, nếu không nói là khó có kết quả ngay.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 8.

Như vậy, sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Không hẳn như vậy. Cần đặt cuộc chiến thương mại trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Đó là cuộc cạnh tranh chiến lược về ngôi vị giữa hai cường quốc số 1 và số 2 thế giới, vượt qua giới hạn cuộc chiến thương mại thuần tuý.

Từ cuối 2017 đầu 2018, Mỹ chính thức coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược (với Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia), thậm chí gần đây, còn coi Trung Quốc là người thách thức Mỹ vì những toan tính địa chiến lược toàn cầu. Quan hệ Mỹ-Trung chuyển trọng tâm sang cạnh tranh chiến lược, cả về địa chính trị và địa kinh tế, chứ không chỉ về thương mại.

Theo đó, ở góc độ địa-chính trị, Mỹ cũng đã có một loạt các động thái: hủy bỏ Hiệp ước kiểm soát vũ khí tầm trung (INF), trong đó có yêu cầu phải đưa kho vũ khí của Trung Quốc vào tầm kiểm soát; tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan; chủ động nắm tiến trình giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên; hạ bệ sáng kiến thế kỷ của Trung Quốc về Vành đai con đường (là can thiệp, bẫy nợ, làm phụ thuộc); đưa sáng kiến Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở; đẩy mạnh an ninh tự do hàng hải ở Biển Đông; tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latinh, Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng…

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 10.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Thực chất đó là cuộc cạnh tranh chiến lược về ngôi vị giữa hai cường quốc số 1 và số 2 thế giới. Nó đã bắt đầu từ lâu trước đó, nhưng đến Trump, nó đã được đặt trong trung tâm quan hệ, trực diện hơn, với chủ thuyết "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", "Nước Mỹ trên hết", "Hoà bình thông qua sức mạnh".

Trong sự cạnh tranh đó, Trump sử dụng kinh tế - thương mại - công nghệ, là cái Mỹ có thế mạnh, làm đòn chủ yếu và tiên phong. Tuy nhiên, hai bên, kể cả Mỹ, leo thang không phải để triệt tiêu nhau, mà chủ yếu để giành lợi thế, về một thỏa thuận thương mại cũng như về địa chiến lược.

Do đó, từng lúc, Mỹ - Trung vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận về thương mại - nó cũng chỉ giải quyết được một phần lợi ích chiến lược rất khác nhau của hai bên. Và cuộc chiến thương mại, gắn với cuộc đấu ngôi vị, cũng sẽ còn dai dẳng, lúc lên lúc xuống, với chiều hướng phức tạp tiếp tục gia tăng.

Vậy mục tiêu, thế mạnh hay hạn chế của mỗi bên sẽ như thế nào, vì điều này sẽ quyết định mức độ, chiều hướng và cả tương lai trong cuộc đấu ngôi vị này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cá nhân tôi chỉ xin nếu một vài ý kiến trong phạm vi giới hạn của mình để tham khảo mà thôi. Đương nhiên, cái Mỹ muốn là duy trì ngôi vị số 1. Còn Trung Quốc thì muốn vươn lên, nhưng về công khai chưa thách thức ngay ngôi vị số 1 của Mỹ (còn âm thầm có thể khác), mà chỉ dừng ở mức công nhận vị thế mới phù hợp của mình.

Vì thế, Trung Quốc vừa vươn ra, vừa muốn duy trì môi trường hiện tại cơ bản có lợi cho sự vươn lên của mình, mà mấy chục năm cải cách, phát triển vừa qua Trung Quốc đã dựa vào và hết sức tranh thủ. Trong khi Mỹ lại coi Trung Quốc là đối thủ, nguy cơ tranh ngôi vị số 1 của mình. Cách của ông Trump là loại bỏ hoặc hạn chế môi trường có lợi để Trung Quốc không thể soán ngôi được.

Do vậy, ông Trump mới dùng cuộc chiến thương mại làm chính. Nó đánh vào mấy thứ chính gắn với phát triển của Trung Quốc, vừa qua cũng như sắp tới. Nó đánh cả vào đầu vào của Trung Quốc (như vốn, kỹ thuật, knowhow… đi cùng với các dòng đầu tư và dây chuyền sản xuất chất lượng cao từ Mỹ, phương Tây), cũng như đầu ra (thị trường), theo đó có thể làm mất các lợi thế của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu (bằng áp đặt thuế, hạn chế về công nghệ, đòi thay đổi qui chế tại WTO, thậm chí đưa cả một điều khoản không chơi với nước không có quy chế thị trường vào Hiệp định NAFTA sửa đổi…).

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 12.

Nhưng mỗi bên không phải cứ muốn là được, vì nó còn phụ thuộc vào thế mạnh so sánh và sức lì chịu đòn (bao gồm cả chính trị nội bộ) của mỗi bên. Ví dụ Trump muốn đẩy căng với Trung Quốc, thì các công ty, người dân và nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt. Hay Trung Quốc muốn giảm giá đồng NDT cũng phải cân nhắc kỹ, vì sẽ càng làm tăng tính bất ổn, có thể dẫn đến các nguồn tiền chạy ra khỏi Trung Quốc tìm nơi ‘trú ẩn’ an toàn hơn.

Trump tin vào thế mạnh của Mỹ, chủ động đẩy cao áp lực và dẫn dắt cuộc chiến thương mại, hy vọng Trung Quốc vượt quá sức chịu đựng, phải sớm chấp nhận giải pháp có lợi cho mình. Còn Trung Quốc dường như đang áp dụng chủ trương ‘kiên nhẫn chiến lược’, để tránh đòn trước mắt, trong khi giữ được cơ hội vươn lên về lâu dài, có biện pháp trả đũa cũng là để giữ nguyên tắc và nhằm cản trở Trump leo thang thêm nữa do chính áp lực từ nội bộ nước Mỹ.

Hiện tại, các áp lực đã và đang gây thiệt hại cho cả hai bên, Trung Quốc vừa qua có vẻ chịu thiệt nhiều hơn. Nếu có một thỏa thuận sắp tới, Trung Quốc chắc sẽ phải chấp nhận một phần các yêu cầu của Trump (cả về thị trường và cải cách cơ cấu), nhưng Trung Quốc cũng sẽ đủ lực để không chịu chấp nhận thỏa thuận áp đặt một chiều, ảnh hưởng đến sự vươn lên lâu dài của mình. Thực tế, Trung Quốc cũng hiểu áp lực từ Mỹ còn gia tăng, nên đã xúc tiến những bước đi về lâu dài như phát triển và kích cầu nội địa, tăng tính tự chủ và mở rộng quan hệ với các nước để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Như vậy, với cuộc chiến thương mại kéo dài, liệu có dẫn đến các nguy cơ, như một cuộc ‘ly hôn’ Mỹ-Trung và sự phân cực thế giới về thương mại, công nghệ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Xin nhìn từ góc độ địa - chiến lược. Khác với Chiến tranh lạnh, hay hai cuộc Chiến tranh thế giới, khi thế giới phân tuyến hệ thống, hai bên cắt đứt và tách hẳn nhau, cuộc đấu lần này vẫn nằm trong thế phụ thuộc lẫn nhau, cả giữa hai đối thủ Mỹ - Trung và giữa mỗi nước với các nước còn lại trên thế giới. Các mối quan hệ, bao gồm cả kinh tế, thương mại, công nghệ vẫn tiếp tục đan xen như đã được tạo nên trong nhiều thập kỷ toàn cầu hoá vừa qua. Do đó, khó có cuộc ‘ly hôn’ hay phân tách 100%. Các bên, cả Mỹ cũng không muốn như vậy.

Vừa qua, cũng đã chứng kiến Trump không cho các công ty công nghệ Mỹ "chơi" với Huawei, hay áp mạnh thuế, yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Đó là việc người ta vẫn muốn giữ quan hệ nhưng với những điều kiện khác, hơn là cắt đứt. Trên thực tế, hai bên cũng khó có thể cắt đứt hoàn toàn. Điều này sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán, giải pháp sắp tới. Mặc dù sẽ có lúc họ "ngúng nguẩy" nhau. Và như trên đã nói, cuộc đấu lần này là để giành lợi thế, không phải để triệt tiêu nhau.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 14.

Vậy theo ông, các nước khác, nhất là những nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu tác động thế nào và cần ứng xử ra sao?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Sẽ có cả thuận và khó, ngắn hạn và dài hạn. Nó sẽ còn phụ thuộc vào mức độ, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp tới.

Cạnh tranh địa chiến lược nước lớn, thường dẫn đến hai hướng, họ muốn tranh thủ hoặc buộc các nước khác chọn bên. Nhưng cái chính là nó sẽ điều chỉnh, hình thành trật tự, luật chơi được cập nhật, điều chỉnh mới. Cuộc chiến thương mại cũng vậy. Thách thức các mặt sẽ nhiều và báo chí đã đăng.

Ở đây, xin được nêu một điểm về thời cơ - thời cơ định vị và bứt phá, khi thế giới, khu vực đang có sự vận động chuyển mình sâu sắc như lúc này.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc đấu khốc liệt giữa hai ông lớn, nhìn từ góc độ chính trị đối ngoại và vận hội đất nước - Ảnh 16.

Như trên đã nêu, cuộc cạnh tranh hiện tại phức tạp, nhưng không theo kiểu đối đầu hai hệ thống. Nên các nước và ta cũng vậy, vẫn có điều kiện vừa chơi với cả hai, vừa đa dạng hoá quan hệ, vừa tìm cách lựa chọn những gì phù hợp nhất với lợi ích quốc gia. Chúng ta không nên chọn cân bằng nước lớn kiểu cơ học, hay nhìn anh này, tính quan hệ với anh kia. Lợi ích quốc gia là cái gốc: Vừa coi trọng và chơi với các nước, vừa đa dạng hoá quan hệ, mặt nào có lợi cho lợi ích quốc gia thì hết sức tranh thủ, qua đó, tạo môi trường tổng thể, hạn chế mặt không thuận.

Về kinh tế cũng vậy, khi có cái phải lựa chọn, thì chọn sao ta ngày càng có vị trí lợi thế, ở chuỗi giá trị cao và chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho phát triển lâu dài, bèn vững của đất nước. Hơn ba mươi năm đổi mới, phát triển, chúng ta có đủ vị thế, năng lực để làm được điều đó.

Chúng ta vừa qua đã rất thành công, như khi vừa có thể tham gia AIIB/BRI hay RCEP, những vẫn tham gia TPP (nay là CPTPP), EVFTA có tính chiến lược, chất lượng cao. Nay về Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng vậy. Không nên xem đó chỉ một chiều là đối đầu Mỹ-Trung. Nên coi đó là không gian địa chiến lược mới, cả về kinh tế và an ninh, với sáng kiến của nhiều nước, có của Mỹ, của TQ, rồi của Nhật, Ấn, Úc...

Với chủ trương tăng cường hội nhập và đối ngoại, tham gia định hướng, dẫn dắt, thì ta càng cần chủ động khai thác mặt thuận, mở rộng thêm quan hệ với các nước lớn, đối tác quan trọng, trong chủ trương đa dạng hoá, bao gồm cả về kinh tế để tránh phụ thuộc vào 1-2 thị trường; đồng thời, tích cực cùng Asean và các nước thúc đẩy các cấu trúc hợp tác khu vực dựa trên luật lệ, không áp đặt, và cùng có lợi.

Xin ông cho thêm một vài nhận xét ngắn về tương lai sắp tới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong cái phức tạp, hiện cũng đang xuất hiện những tình thế thời cơ mới. Thời cơ đến nhưng sẽ không chờ ai. Đó là điều chúng ta cần hết sức quan tâm, chuẩn bị và tranh thủ tối đa cho đất nước.

Làm được như vậy sẽ phục vụ đắc lực và hiệu quả cho công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển và đa dạng hoá qua hệ, hay nói chung là thúc đẩy môi trường an ninh-phát triển thuận lợi cho ta, bao gồm cả câu chuyện chủ quyền biển đảo.

Xin cảm ơn ông vì những phân tích thấu đáo!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại