Trong một toà nhà văn phòng 4 tầng màu xám ở Istanbul, một công ty đã được thành lập bởi "ông trùm" lĩnh vực sản xuất tất và đồ nội y Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã trở thành một trong những công ty quản lý đội tàu lớn nhất thế giới vận chuyển dầu Nga. Đó là Beks Ship Management.
Beks Ship Management, được thành lập từ hơn 1 thập kỷ trước, đã hoạt động trong nhiều năm với một đội tàu nhỏ chỉ có 6 tàu tính đến năm 2021. Công ty này ban đầu là một liên doanh nhỏ của "ông trùm" ngành dệt may Thổ Nhĩ Kỳ, Ali Bekmezci, sở hữu nhà máy sản xuất tất và đồ nội y cho các thương hiệu như H&M.
Văn phòng của Beks Ship Management ở Istanbul.
Trong hơn 2 năm qua, công ty này đã mở rộng với tốc độ nhanh chóng, chi tiêu tăng vọt kể từ sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra. Họ mua 17 tàu kể từ năm 2022, hiện sở hữu 41 tàu trị giá 782,61 triệu USD, theo Veson Nautical, công ty dữ liệu vận chuyển.
Cemil Ersoz, thành viên hội đồng quản trị và đối tác sáng lập của công ty, cho biết Beks không chỉ hợp tác với Nga mà hoạt động ở khắp mọi nơi.
Có thể thấy, các công ty như Beks là một nhân tố cực kỳ quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm tiếp tục vận chuyển dầu đi khắp thế giới.
Đội tàu "ma" hiện gồm hàng trăm tàu trên khắp thế giới, nhiều tàu thuộc sở hữu của các công ty ở Hy Lạp, Ấn Độ, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều công ty né các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách lách luật trong ngành, thường không sử dụng hệ thống bảo hiểm toàn cầu. Một số thì sử dụng hệ thống bảo hiểm song song của Nga, được thiết lập kể từ khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra.
Các tàu này thường đã cũ, đã hoạt động khoảng 20 năm trở lên và đổi chủ nhiều lần. Các nhà phân tích ngành vận chuyển cho biết ngày càng có nhiều câu hỏi về việc liệu các tàu này có được đảm bảo chất lượng hay không và liệu Moscow có chi trả nếu xảy ra sự cố hay không. Nga cho biết họ đang thúc đẩy hệ thống bảo hiểm của mình để được quốc tế công nhận.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Beks, là mối quan tâm đặc biệt. Họ đã mua ít nhất 36 tàu không thuộc Hội P&I. Tính đến tháng 2 năm nay, Beks là chủ tàu lớn thứ 4 trong hoạt động vận chuyển dầu Nga, theo dữ liệu được phân tích bởi Global Witness.
Craig Kennedy, nhà phân tích năng lượng và cựu cố vấn tài chính, hiện nghiên cứu đội tàu "ma" chở dầu Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu của Harvard, cho biết những lo ngại về vấn đề an toàn là "quả bom hẹn giờ".
Beks đã mua các tàu như Beks Loyal với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây.
Ông cho biết, đây là những con tàu cũ, chúng không thể hoạt động mãi vì sau đó những vấn đề về cấu trúc mang đến rất nhiều rủi ro.
Trong khi đó, Beks đã gặp một loạt những sự cố về an toàn trong những năm gần đây. Hồi tháng 6, các nhân viên cứu hộ Nga đã phải dập lửa trong phòng máy trên tàu sân bay của Beks ở ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nga. Một con tàu khác cũng mắc cạn ngoài khơi Tunisia hồi tháng 7.
Tuy nhiên, đội tàu này vẫn đang hoạt động và giúp Nga tiếp tục vận chuyển dầu đi khắp nơi.
Vào tháng 7, dầu thô Ural bắt đầu giao dịch ở mức hơn 60 USD/thùng, cao hơn mức trần mà nhóm G7 đặt ra. Các nhà phân tích cho rằng, một phần lớn hàng xuất khẩu của Nga đang được vận chuyển và bán với giá cao hơn.
Tàu của Beks đang nhận các lô hàng dầu Nga ở cảng Kozmino.
Hãng cung cấp dữ liệu hàng Kpler cho biết, các tàu thuộc sở hữu của Beks gần đây đã nhận các lô hàng dầu tại cảng Kozmino trên bờ biển Thái Bình Dương của Nga, nơi dầu liên tục được bán với giá cao hơn mức trần.
Công ty này tiếp tục vận chuyển dầu từ cảng trên ngay cả sau khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo hồi tháng 4 với việc vận chuyển dầu từ Kozmino và các cảng khác ở vùng viễn đông của Nga do vi phạm giá trần. Sau đó, một số công ty vận tài đã ngừng xuất khẩu dầu từ cảng này.
Một trong những con tàu lớn nhất của Beks, tàu chở dầu thô Beks Sun, đã đến cảng tại nhà ga có đường ống Transneft thuộc sở hữu nhà nước của Nga ở Kozmino vào tháng 7 và sau đó lên đường đến Ấn Độ, dữ liệu vận chuyển cho thấy. Hầu hết hoạt động kinh doanh vận chuyển của Beks đều đến và đi từ Nga, thường vận chuyển dầu đến Trung Quốc, Ấn Độ và những bên mua khác.
Nhìn chung, giá dầu Nga vẫn ở mức hấp dẫn nên quốc gia này vẫn có thể mở rộng thị phần ở một số thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới, làm thay đổi cách vận hành của nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Nga đã nhanh chóng vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc vào tháng 4. Hiện tại, thị phần của 2 nước gần như ngang bằng nhau và các nhà phân tích dự đoán Nga sẽ vượt lên vị trí số 1 trong những tháng tới.
Sự thay đổi thậm chí còn ấn tượng hơn ở Ấn Độ. Theo Kpler, Moscow hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu của nước này, tăng từ 3% trước khi mâu thuẫn xảy ra.
Tham khảo WSJ