"Thùng thuốc súng" đã được tháo ngòi: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác ở Syria

Huyền Chi |

Mối quan hệ Nga-Thổ đã vượt qua được một phép thử quan trọng, sau khi tình trạng căng thẳng gia tăng đột biến ở tỉnh Idlib, Syria và gần như sắp chuyển biến thành một cuộc chiến tổng lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đe dọa tiến trình hòa bình ở nước này.

Cuối cùng thì viễn cảnh đó đã không xảy ra. Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Moscow (kéo dài gần 6 giờ đồng hồ) đã mang quan hệ hai nước trở lại đúng hướng.

Và dường như định dạng Astana - một cơ chế đặc biệt giúp hợp tác các nước có có chương trình nghị sự hoàn toàn khác nhau - đã được cứu vãn.

Từ lâu, Idlib đã trở thành điểm mấu chốt trong cuộc chiến ở Syria. Số lượng lớn phiến quân, chủ yếu là những kẻ cực đoan, đã đổ dồn tới khu vực này. Nhìn chung thì Idlib không khác gì một "thùng thuốc súng" đã được di dời một cách cẩn thận từ các khu vực khác của Syria, trong lúc lực lượng chính phủ tiến quân.

Năm 2018, Ông Putin và Erdogan đã đạt được một thỏa thuận mà theo đó Ankara sẽ đảm bảo bình ổn tình trạng bạo lực ở Idlib, trong khi Damacus và Moscow cam kết không giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự. Thỏa thuận này không có tác dụng.

Ngay từ thời điểm cuộc nội chiến ở Syria bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, Tổng thống Erdogan đã lựa chọn can dự nhằm tăng cường và mở rộng tầm ảnh hưởng địa-chính trị của đất nước ông trong khu vực và hơn thế nữa. Vị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động cùng lúc nhiều ván cờ quy mô, đầy nguy hiểm.

Một trong số đó chính là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Ông Erdogan, người từng có mối quan hệ khá thân thiện với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong bối cảnh phong trào "Mùa xuân Arab" diễn ra đã kết luận rằng chính quyền Damascus bị "nguyền rủa" và chuyển phe thành kẻ địch của ông.

Ông Erdogan muốn can dự vào chiến trường Syria để được quyền tham gia vào quá trình tái thiết đất nước này sau khi chính quyền sụp đổ.

Thùng thuốc súng đã được tháo ngòi: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác ở Syria - Ảnh 1.

Idlib được xem là nút thắt trong quan hệ hợp tác Nga-Thổ taioj Syria (Ảnh: RT)

Nhưng mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch. Thay vì một cuộc chiến chóp nhoáng và đạt mục đích, ông Erdogan bị sa vào một bãi lầy mà trong đó quy tụ nhiều thế lực khác trong khu vực - do sự trỗi dậy của phiến quân IS - và cả Mỹ và Nga.

Một ván bài rủi ro khác mà ông Erdogan tham gia chính là mối quan hệ với phương Tây. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ tức giận với Mỹ và châu Âu, và không hề tin tưởng họ. Trong vài năm vừa qua, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây là nhằm khẳng định một thực tế rằng: Mọi chuyện không phải lúc nào cũng xoay quanh Mỹ và EU, và rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một người chơi độc lập vì lợi ích của họ.

Chính sách này phần nào lý giải cho việc ông Erdogan bất ngờ hướng về phía Nga (đặc biệt là sau năm 2015), trong đó hợp tác với Moscow triển khai nhiều dự án năng lượng, tham gia tiến trình hòa bình ở Syria và đáng chú ý nhất là thương vụ mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga bất chấp phản ứng của các đối tác trong NATO.

Nhưng tất cả điều đó vẫn chưa tạo ra nhiều sự thay đổi. Mỗi khi tình hình trở nên cấp bách, Ankara vẫn ngả về phía các đối tác phương Tây: Nhờ vả NATO khi cần sự ủng hộ về quân sự và chính trị, ngả về EU khi muốn gây sức ép với Nga. Thế nhưng EU và NATO đều đưa ra những phản ứng mờ nhạt, chủ yếu là bằng các tuyên bố chứ không phải bằng hành động.

Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chính là quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - một hiện tượng phức tạp và gây nhiều tranh cãi, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Liên quan tới sứ mệnh Syria, cả hai nước xích lại gần nhau nhờ vào các mục tiêu chung, lợi ích chồng chéo hoặc mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng. Nền tảng của mối quan hệ này là: Không có bên nào đạt được thứ gì nếu không chịu hợp tác với bên còn lại.

Mối quan hệ hợp tác không mong muốn với Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Nga đạt được hiện trạng Syria như hiện nay, trong đó phần lớn vùng lãnh thổ từng bị phiến quân chiếm đóng giờ nằm dưới tầm kiểm soát của chính quyền Assad.

Thùng thuốc súng đã được tháo ngòi: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hợp tác ở Syria - Ảnh 2.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng ngoại ô tỉnh Idlib (Ảnh: RT)

Những cứ mỗi bước tiến lên, Moscow lại càng cảm thấy khả năng hành động linh hoạt của họ thu hẹp dần, và sự linh hoạt đó gần như biến mất khi xét về vấn đề Idlib. Lựa chọn khó khăn của họ là: Hoặc phục hồi toàn bộ lãnh thổ Syria như trước kia hoặc để lại một số vùng lãnh thổ dưới tầm kiểm soát của một nước ngoài.

Mọi lĩnh vực hợp tác giữa Nga và Thổ - bao gồm kinh tế, năng lượng, kỹ thuật quân sự... - đều phụ thuộc vào việc giải quyết nút thắt địa chính này và tìm kiếm một giải pháp mà mọi bên đều giữ được thể diện, duy trì được tầm kiểm soát nhất định.

Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng lao vào một cuộc xung đột với Nga sẽ là viễn cảnh thảm họa. Mặc dù không muốn mọi chuyện đi theo hướng đó, nhưng ông Erdogan cũng nhận ra rằng ông đang ở một vị trí rất bất lợi.

Nga là siêu cường duy nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được sự thấu hiểu nhất định, trong việc đạt được các mục tiêu của họ. Trên thực tế ông Erdogan không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Nga.

Ngược lại, nếu thiếu Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể cũng bị sa vào một vũng lầy khác ở Syria, và từ đó sẽ hứng thêm nhiều rủi ro. Trong số này phải kể tới rủi ro bắt nguồn từ những người "có thiện chí" ở bên ngoài, những kẻ chỉ muốn đẩy Moscow và Ankara vào chỗ đối đầu với nhau, với mục đích là làm suy yếu cả hai.

Nhưng cuối cùng, căng thẳng ở Idlib đã biến thành một cơ hội để Moscow và Ankara khởi đầu một mối quan hệ hợp tác mới đầy ý nghĩa, sau các vòng đàm phán được tổ chức ở Moscow vừa qua.

Dù quan hệ hợp tác này có bền vững hay không, chính sách của Nga về vấn đề Syria vừa qua thêm được một phép thử, tránh được một cuộc đối đầu trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ.

Có một điều rõ ràng là đây không phải cuộc khủng hoảng cuối cùng. Tình trạng căng thẳng như ở Idlib vừa qua có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng ít nhất những cuộc va chạm như vậy có thể được giải quyết với biện pháp tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại