Thuế bảo vệ môi trường của xăng cao gấp trăm lần than đá?

Hoàng Linh |

Mặc dù có tác động ô nhiễm môi trường ít hơn nhiều loại nguyên liệu, song xăng dầu đang chịu mức đánh thuế bảo vệ môi trường rất cao, thậm chí gấp cả trăm lần so với than đá.

Thuế xăng dầu cao gấp trăm lần than đá

So sánh tương quan giữa tác động môi trường của xăng dầu và than đá với khung mức thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh với các nhiên liệu này, có thể thấy sự chênh lệch lớn.

Cụ thể, với đề xuất mới, nâng thuế xăng lên 4.000 đồng/lít, mức này hiện cao gấp hơn 100 lần thuế với than đá. Quy đổi đơn giản, mỗi lít xăng, theo bảng quy chuẩn xăng nặng 700 – 760kg/m3 đã phải chịu thuế 4.000 đồng. Trong khi đó, 1 kg than đá, chỉ chịu thuế cao nhất là 30 đồng (1 tấn than chịu thuế 30.000 đồng)

Tương tự, mặt hàng dầu diesel nếu tính tương quan sẽ có mức thuế cao gấp 40 - 50 lần mức khung thuế đối với than đá.

Thuế bảo vệ môi trường của xăng cao gấp trăm lần than đá? - Ảnh 1.

Xăng dầu có mức thuế bảo vệ môi trường cao gấp nhiều lần so với than đá.

Mặc dù, với tác động đến môi trường, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, than là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng. Xét về thành phần hóa học và mức độ tác động đến môi trường, mức độ ô nhiễm môi trường của than đá cao hơn so với xăng dầu.

Tuy nhiên, trái ngược là mức thuế đề xuất cho than đá luôn thấp, thậm chí chưa bao giờ kịch trần như xăng. Cụ thể, trong đề xuất mới đây, thuế môi trường đối với than antraxit, tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, trong khi kịch trần thuế là 50.000 đồng/tấn.

Than nâu, than mỡ, than đá khác tăng lên 15.000 đồng/tấn nhưng vẫn chỉ bằng ½ mức thuế cao nhất trong khung là 30.000 đồng/tấn.

Cũng trong diện tăng thuế bảo vệ môi trường lần này, nhưng ở mức giới hạn trong khung, Bộ Tài chính đưa ra mức thuế áp dụng cho mặt hàng túi nilon thêm 10.000 đồng/kg. Dù lên mức thuế bảo vệ môi trường tối đa trong khung thuế là 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250-500 đồng/túi.

So sánh trong tương quan áp thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này tại nhiều quốc gia như Anh (khoảng 4.500 đồng/túi), Hồng Kông (1.050 đồng/túi), thì mức thuế của Việt Nam với mặt hàng này vẫn ở mức thấp.

Trong 5 năm, 2 lần đề xuất tăng thuế môi trường với xăng

Mặc dù đã có khung thuế môi trường cao, song mặt hàng xăng dầu vẫn tiếp tục được đề xuất nâng mức thuế lên kịch trần, bất chấp những ý kiến cảnh báo và quan ngại của nhiều bộ ngành và chuyên gia.

Năm 2015, mặt hàng này được đề xuất tăng thuế từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng và tiếp tục được cân nhắc nâng khung từ 3.000 – 8.000 đồng/lít vào năm 2017.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy số thu từ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng ổn định sau nhiều năm. Đặc biệt, mức tăng thu vọt mạnh trong 5 năm, gấp 4 lần từ 11.160 tỷ đồng (năm 2012) lên 42.393 tỷ đồng (năm 2016) được cho là nhờ lần điều chỉnh thuế xăng lên gấp 3 lần vào giữa năm 2015.

Năm 2017, Bộ Tài Chính tiếp tục có đề xuất nâng khung lên 8.000 đồng thuế môi trường của xăng (tăng gấp 4 lần so với mức ban đầu). Tuy nhiên, mức nâng này đã vấp phải sự phản đối của dư luận và không được đồng thuận. Mặc dù vậy, với thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít, tổng thu thuế bảo vệ môi trường trong năm này vẫn đạt mức thu lớn, khoảng 44.825 tỷ đồng. 

Mặt hàng dầu nhờn, cũng có mức thuế tăng từ khung 900 – 4.000 đồng (năm 2017) và tiếp tục tăng vào đề xuất mới đây, lên kịch trần 2.000 đồng/lít (năm 2018). Thuế môi trường của dầu Diesel cũng không nằm ngoài quy luật tăng thuế lên mức trần 2.000 đồng/lít năm 2018.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách khiến cho mặt hàng xăng dầu thường được chọn để đánh thuế với mức cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại