Vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn
Theo SCMP, việc lưu trữ tro cốt người đã khuất trong những nhà để tro cốt hỏa táng từ lâu luôn là ưu tiên hàng đầu được người dân Trung Quốc lựa chọn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cái giá phải trả để có được một nơi lưu giữ tro cốt cho người thân lại không hề nhỏ.
Ở một số thành phố lớn, mức tăng này thậm chí còn cao hơn so với mức tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản.
Tại các thành phố phát triển như Thượng Hải, chi phí trung bình cho một chỗ đặt tro cốt đã tăng khoảng 40% kể từ nửa đầu năm 2015 lên đến hơn 100.000 NDT (gần 340 triệu đồng) ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, giá nhà ở 70 thành phố tại Trung Quốc chỉ tăng 23% trong cùng thời điểm.
Tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, trung bình mỗi một chỗ trong nhà để tro cốt có giá khoảng 30.000 NDT (khoảng 100 triệu đồng). Trong khi đó, chi phí này ở Bắc Kinh lại đắt gấp đôi, tức hơn 200 triệu đồng.
Để sở hữu một chỗ đặt tro cốt cho người thân như thế này, hiện các gia đình ở các thành phố lớn của Trung Quốc phải tiêu tốn đến vài trăm triệu đồng.
Khoảng 80% các nghĩa trang ở Bắc Kinh đã hết chỗ vào năm 2015 và ở thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 10% trong số còn lại còn chỗ trống để mua. Theo ước tính, khoảng 100 hecta đất nghĩa trang hiện có ở Trung Quốc sẽ được sử dụng hết trong 20 năm tới.
Bên trong mỗi vị trí đặt tro cốt, ngoài tro cốt, người thân trong gia đình còn đặt thêm một vài bức ảnh của người đã khuất cùng với hoa, vật lưu niệm để lưu giữ kỉ niệm.
Giáo sư Qiao Kuanyuan thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải với nhiều năm nghiên cứu trong ngành tang lễ nói rằng các nhà chức trách cần phải ban hành những quy định mới để sử dụng nguồn đất giới hạn của nghĩa trang và các nhà để tro cốt một cách hiệu quả hơn.
"Đây là một vấn đề lớn của xã hội – chính phủ cần phải lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo rằng tất cả người chết đều sẽ có một nơi an nghỉ. Chìa khóa để giải quyết bài toán này nằm ở cách sử dụng đất dành cho người đã khuất sao cho thật tiết kiệm", giáo sư nói.
Giải pháp của chính phủ
Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã đệ trình bản thảo các quy định sửa đổi về dịch vụ tang lễ. Theo đó, điểm thay đổi quan trọng trong những quy định mới này là giới hạn kích thước không gian nơi lưu trữ tro cốt của người đã khuất.
Hiện tại, một chỗ đựng tro cốt kích thước trung bình vào khoảng từ 0,5 đến 1 mét vuông. Khi luật sửa đổi được thông qua, kích thước của một vị trí đặt tro cốt được giảm xuống còn 0,5 mét vuông.
Một vài ngôi mộ của tầng lớp thượng lưu chứa tro cốt của các thành viên trong gia đình có thể rộng hơn đến vài mét vuông và tất nhiên chi phí kèm theo đó cũng là một con số không nhỏ, khoảng 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỉ đồng).
Bằng cách hạn chế kích thước, chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu có thể kiềm chế sự tăng giá ở các nghĩa trang hay nhà đựng tro cốt.
Cùng với việc ban hành những quy định mới, Bộ Nội vụ cũng nhân cơ hội củng cố lại những quy định hiện có nhằm cảnh báo những nhà kinh doanh trong lĩnh vực tang lễ.
Bộ sẽ tăng cường giám sát việc xây dựng và quản lí nghĩa trang đồng thời khai trừ những nhà kinh doanh bất hợp pháp.
Chính phủ Trung Quốc đang đề xuất phương án giảm kích thước nơi đặt tro cốt để giải quyết cơn sốt tăng giá đất chôn cất.
Theo luật, ở Trung Quốc việc mua bán các vị trí đặt tro cốt được quy định rất chặt chẽ và những thành viên trong gia đình chỉ có thể mua mỗi lần một vị trí từ một nhà kinh doanh được cấp phép.
Việc bán trước nơi đặt tro cốt cho những người vẫn đang còn sống là vi phạm pháp luật. Đồng thời, việc mua đi bán lại nơi đặt tro cốt cũng bị cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, những quy định hiện có vẫn không đủ sức ngăn cản những nhà kinh doanh thiếu đạo đức xây dựng những nhà để tro cốt khi chưa có sự phê chuẩn của chính phủ sau đó bán lại cho những người dân hoàn toàn không biết gì để kiếm lời.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về hiệu quả của những quy định mới. Một vài nhà phân tích nói rằng việc giới hạn kích thước nơi đặt tro cốt chỉ là biện pháp ngắn hạn, về lâu về dài, biện pháp này không đủ để giải quyết vấn đề thiếu đất chôn cất.
Ông Jiao Bing – giám đốc của Công ty Quản lí đầu tư Focus, người ủng hộ mạnh mẽ những cải cách của chính phủ nói: "Hiện tại, nhà để tro cốt vẫn được nhiều người Trung Quốc xem là nơi an nghỉ tốt nhất dành cho người đã khuất.
Tuy nhiên, trong tương lai các nhà chức trách cần phải giáo dục những thế hệ sau để họ hiểu rằng không phải chỉ có chôn cất mới là biện pháp duy nhất để tưởng nhớ về những người thân đã khuất trong gia đình."
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích người dân áp dụng hình thức hải táng cho người thân để giảm bớt sức ép từ cuộc khủng hoảng đất chôn cất.
Ông Jiao còn cho biết hầu hết những người cao tuổi ở Trung Quốc vẫn thích làm theo truyền thống là được lưu giữ tro cốt sau khi chết.
"Mong ước của họ cần phải được đáp ứng. Nhưng đối với những thế hệ sau, được ăn học nhiều hơn, họ sẽ hiểu rằng việc lưu giữ tro cốt sau khi chết không còn cần thiết nữa", ông Jiao nói.
Được biết, ở Trung Quốc, thiên táng (đưa thi thể lên núi làm mồi cho kền kền) và địa táng (chôn xuống đất) chỉ được phép thực hiện ở một vài khu vực nhất định như vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh không có cơ sở hỏa táng.
Nhưng hiện tại chính phủ nước này đang ra sức vận động người dân áp dụng hình thức hải táng (rải tro cốt xuống biển) và cho xây dựng nhiều nhà để tro cốt với rất nhiều tầng để giảm bớt sức ép từ cuộc khủng hoảng đất chôn cất.
Tuy nhiên, những hình thức thay thế này vẫn chưa phổ biến.
Wang Jisheng – chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Fu Shou Yuan, tập đoàn kinh doanh các dịch vụ tang lễ lớn nhất Trung Quốc nói rằng những quy định mới sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh của ông mặc dù cổ phần của công ty ở thị trường Hồng Kông đã giảm 23,8%.
"Tăng cường quy định sẽ giúp loại bỏ những công ty không tuân thủ pháp luật ra khỏi thị trường. Tính thống nhất đồng bộ sẽ tạo cơ hội vàng cho Fu Shou Yuan phát triển nhanh hơn và dẫn đầu cuộc đua", ông Wang cho biết.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc có 241 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 17,3% tổng dân số cả nước. Năm ngoái có 9,86 triệu người chết, tăng 0,9% so với năm 2016.