Ôm mộng vũ khí nguyên tử
Ngày 5/9, Hoàng thân Abdullah bin Sultan bin Nasser Al-Saud của Saudi Arabia tuyên bố trên Twitter, nếu cần thiết, quân đội nước này có thể hủy diệt Iran trong vòng 8 giờ.
Theo các chuyên gia quân sự, không lực Saudi Arabia sở hữu dàn chiến đấu cơ đông đảo và chất lượng hàng đầu thế giới, vượt trội hoàn toàn so với tiêm kích lạc hậu của Iran. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng vũ khí thông thường không kích cường độ cao, Saudi Arabia không thể “xóa sổ” Iran trong thời gian ngắn như vậy.
Át chủ bài thực sự, đồng thời là phương tiện duy nhất đủ sức thực hiện tuyên bố của vị hoàng thân Saudi Arabia, theo các chuyên gia, chính là tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-3A mua từ Trung Quốc, ước tính khoảng 30 - 120 quả, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với sức mạnh hủy diệt rất lớn, cùng khoảng 9-12 bệ phóng.
The Washington Free Beacon cũng nhận định, rất có thể loại vũ khí hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ Saudi Arabia đang sở hữu chính là những đầu đạn được cung cấp bởi Pakistan trang bị cho tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3A.
DF-3A là phiên bản nâng cấp được phát triển vào cuối thập niên 1980 từ tên lửa DF-3 (ra đời từ thập niên 1960) - là tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng một giai đoạn, được trang bị động cơ YF-2 do Trung Quốc tự thiết kế, có chiều dài 20,65m, đường kính 2,25m, tầm bắn khoảng 2.650km. Đặc biệt, ngoài đầu đạn thông thường, DF-3A còn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 3Mt.
Dàn tên lửa DF-3A Saudi Arabia trong một cuộc duyệt binh; Nguồn: rmswatch.com
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ nỗ lực biến Saudi Arabia trở thành quốc gia mạnh nhất khu vực, chủ yếu thông qua việc bán máy bay chiến đấu cho Riyadh. Việc này còn nhằm mục đích ngăn Saudi Arabia không tìm cách nâng cấp chương trình tên lửa.
Tuy nhiên, liệu ưu thế đó có còn tồn tại, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến Tehrran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, và Saudi Arabia phải đối mặt với mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Yemen?
Là một trong những nước mua vũ khí của Mỹ nhiều nhất, nhưng Saudi Arabia không được phép mua tên lửa đạn đạo từ Mỹ do quy định của Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa 1987 - một hiệp ước đa quốc gia không chính thức, nhằm ngăn chặn việc phổ biến tên lửa có khả năng mang đầu đạn hủy diệt hàng loạt.
Để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Iran, Saudi Arabia liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia không ký kết hiệp ước và đã nâng cấp đáng kể chương trình tên lửa đạn đạo nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc - động thái đe dọa nỗ lực hạn chế phổ biến tên lửa ở Trung Đông của Mỹ - có thể là dấu hiệu cho thấy, chính quyền Trump ngầm chấp thuận động thái chống lại Iran của Riyadh.
Washington gần đây quyết định bán vũ khí hàng tỷ USD cho Saudi Arabia, bất chấp sự phản đối của Quốc hội.
Năm 2003, một tài liệu chiến lược bị rò rỉ đã đưa ra ba lựa chọn khả thi cho chính giới Saudi Arabia: mua răn đe hạt nhân, liên minh và được bảo vệ bởi một quốc gia hạt nhân hiện có, hoặc cố gắng đạt được thỏa thuận về việc một Trung Đông không có hạt nhân.
Trong những năm qua, có nhiều thông tin về ý định mua vũ khí hạt nhân của nước này từ “ngoài luồng” - động thái mà theo các quan chức và chuyên gia vũ khí của Liên Hợp Quốc - được thúc đẩy bởi sự xa lánh trong quan hệ với Mỹ, lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran và thiếu áp lực quốc tế đủ mạnh buộc Israel từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thâm tình Saudi Arabia - Pakistan
Trong lịch sử, Pakistan và Saudi Arabia có mối quan hệ rất mật thiết. Giới hoạch định chính sách Pakistan đã lưu ý đến công nghệ hạt nhân từ những năm 1970 sau khi Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto triệu tập một cuộc họp của các nhà vật lý lý thuyết hàng đầu Pakistan với hoàng gia Saudi Arabia năm 1974.
Bhutto đã đề cập đến những tiến bộ trong các chương trình hạt nhân của Israel và Ấn Độ như một thành tố đe dọa thế giới Hồi giáo. Có thông tin Saudi Arabia là nhà tài trợ chính cho dự án bom nguyên tử của Pakistan từ năm 1974, được khai sinh bởi cựu Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto.
Riyadh được cho là có thể sở hữu vũ khí hạt nhân “ngoài luồng” từ Pakistan; Nguồn: alarabiya.net
Vào những năm 1980, Tổng thống Pakistan Zia-ul-Haq trong một chuyến thăm, đã nói với nhà vua Saudi Arabia rằng, "thành tựu của chúng tôi là của các bạn".
Năm 1998, Thủ tướng bảo thủ Nawaz Sharif đã ra lệnh thử hạt nhân trong Phòng thí nghiệm thử vũ khí-III (WTL) ở Chagai thuộc tỉnh Balochistan của Pakistan, sau đó, trong chuyến thăm từ biệt vua Fahd đã công khai cảm ơn chính phủ Saudi hỗ trợ, thăm Phòng thí nghiệm nghiên cứu Kahuta (KRL) - nơi nhà khoa học nguyên tử hàng đầu Abdul Qadeer Khan đã thông báo về các vấn đề vật lý hạt nhân và nhạy cảm, kể cả thiết bị nổ hạt nhân.
Từ năm 1998, các nhà ngoại giao và tình báo phương Tây đã tin rằng có một thỏa thuận, theo đó, Pakistan sẽ bán cho Saudi Arabia đầu đạn và công nghệ hạt nhân; năm 2003, globalalsecurity.org đưa tin, Pakistan và Saudi Arabia đã tham gia một thỏa thuận bí mật, Pakistan cung cấp cho Saudi Arabia công nghệ vũ khí hạt nhân để đổi lấy quyền tiếp cận dầu giá rẻ.
Tháng 3/2006, tạp chí Cicero của Đức tiết lộ, từ năm 2003, Saudi Arabia đã nhận hỗ trợ từ Pakistan để có được tên lửa và đầu đạn hạt nhân. Hình ảnh vệ tinh được cho là tiết lộ một thành phố dưới lòng đất với các silo hạt nhân chứa tên lửa Ghauri ở Al-Sulaiyil, phía nam thủ đô Riyadh.
Kênh Arabi21 từng đưa tin, các cơ quan an ninh phương Tây tin rằng Israel đang bán thông tin hạt nhân cho Saudi Arabia, để đảm bảo Iran không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực sở hữu loại vũ khí như vậy đe dọa đến an ninh và an toàn của Saudi Arabia và rằng Saudi Arabia cuối cùng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân mà không phải cậy nhờ các nước khác trong khu vực như Pakistan để có được bí quyết.
Có thông tin chưa kiểm chứng rằng, năm 1994, Mohammed al Khilewi - người thứ hai của phái bộ Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc, tị nạn tại Mỹ, đã cung cấp 10.000 tài liệu được cho là liên quan đến sự ủng hộ lâu dài của Saudi Arabia đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Iraq.
Theo các tài liệu này, Saudis đã hỗ trợ chương trình hạt nhân của chế độ Saddam Hussein ở Iraq 5 tỷ USD, với điều kiện công nghệ hạt nhân khả thi và thậm chí có thể là vũ khí hạt nhân sẽ được chuyển giao cho Saudi Arabia.
Năm 2011, Hoàng tử Turki al-Faisal từng giữ chức giám đốc tình báo và là Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ đã đề nghị xem xét sản xuất vũ khí hạt nhân nếu tìm thấy kho vũ khí nguyên tử của Iran và Israel.
Năm 2012, người ta đã xác nhận rằng Saudi Arabia sẵn sàng khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình ngay lập tức nếu Iran phát triển thành công vũ khí hạt nhân, bằng cách phát triển tên lửa đạn đạo mới, mua đầu đạn hạt nhân từ nước ngoài và tìm nguồn uranium để tách chiết nhiên liệu hạt nhân cho vũ khí.
Các quan chức Mỹ tin Saudi Arabia và Pakistan có sự thống nhất, theo đó, Islamabad sẽ cung cấp cho vương quốc này đầu đạn nếu an ninh ở Vịnh Ba Tư bị đe dọa. Một quan chức Mỹ nói với The Times rằng Riyadh có thể có đầu đạn hạt nhân sau vài ngày yêu cầu Islamabad.
Đại sứ Pakistan tại Saudi Arabia, Mohammed Naeem Khan, được trích dẫn khi nói rằng "Pakistan coi an ninh của Saudi Arabia không chỉ là vấn đề ngoại giao hay nội bộ mà là vấn đề rất riêng".
Naeem cũng nói rằng giới lãnh đạo Saudi Arabia coi Pakistan và Saudi Arabia là một quốc gia, bất kỳ mối đe dọa nào đối với Saudi Arabia cũng là mối đe dọa đối với Pakistan. Tuy nhiên, cả Saudi Arabia và Pakistan đều phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Từ năm 2009, khi Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia cảnh báo Dennis Ross - đặc phái viên Mỹ đến thăm Trung Đông rằng, nếu Iran vượt lằn ranh, “chúng tôi sẽ nhận được vũ khí hạt nhân ", Saudi Arabia đã gửi cho người Mỹ nhiều tín hiệu về ý định của mình. Gary Samore - người cho đến tháng 3/2013 là cố vấn chống chạy đua vũ trang của Tổng thống Obama nói với BBC Newsnight:" Tôi nghĩ rằng Saudi Arabia tin rằng họ có sự thống nhất với Pakistan rằng, trong trường hợp khẩn cấp, họ sẽ có yêu cầu để có khí hạt nhân từ Pakistan”.
Tháng 10/2013, Amos Yadlin - cựu lãnh đạo tình báo quân đội Israel, đã nói tại một hội nghị ở Thụy Điển rằng nếu Iran có bom, "Saudi Arabia sẽ không đợi một tháng. Họ đã trả tiền cho quả bom, họ sẽ tới Pakistan và nhận những gì họ cần nhận”.
Đầu năm đó, một quan chức cấp cao của NATO đã nói với Mark Urban - một biên tập viên ngoại giao và quốc phòng cấp cao rằng, ông đã thấy báo cáo tình báo rằng vũ khí hạt nhân được sản xuất tại Pakistan cho Saudi Arabia hiện đang sẵn sàng để giao hàng.
Tháng 11/2013, một loạt các nguồn tin tiết lộ với BBC Newsnight rằng, Saudi Arabia đã đầu tư vào các dự án vũ khí hạt nhân của Pakistan và tin rằng họ có thể có được bom hạt nhân theo ý muốn.
Các nguồn tin tình báo phương Tây đã tiết lộ với The Guardian rằng chế độ quân chủ Saudi Arabia đã trả tới 60% các dự án bom nguyên tử của Pakistan và đổi lại có tùy chọn mua 5 - 6 đầu đạn hạt nhân giá ưu đãi.
Chuyên gia về vũ trang và phổ biến hạt nhân Landau thuộc Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel cho rằng, Saudi Arabia chính là quốc gia tiếp theo trong khu vực sở hữu vũ khí hạt nhân vì có mối quan hệ với Pakistan.
Trong quá khứ, Saudi Arabia đã cung cấp tài chính cho chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan và hai nước đã ký kết một thỏa thuận bí mật, theo đó, Pakistan sẽ chia sẻ đầu đạn hạt nhân của nước này cho các tên lửa DF-3A trên trong trường hợp xảy ra mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Điều này càng có cơ sở khi Hoàng thân Saudi Arabia là Turki al-Faisal tiết lộ họ đang cân nhắc khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân để tạo sự cân bằng với các đối thủ trong khu vực là Israel và Iran, nhất là khi Tehran tái khởi động chương trình hạt nhân.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2018, Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman nói rõ nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, Saudi cũng sẽ làm tương tự.
Chính điều này dấy lên lo ngại rằng một khi xung đột giữa Iran và Saudi Arabia nổ ra, rất có thể vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng.
Mỹ bày tỏ “vô cùng lo ngại” trước khả năng có thể bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện giữa Saudi Arabia và Iran và cảnh báo nếu quan hệ Saudi Arabia và Iran không được cải thiện, sẽ dẫn đến sự gia tăng của vũ khí hạt nhân, kéo theo cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nếu Pakistan chuyển đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Saudi Arabia mà cả hai quốc gia đều tuân theo các hướng dẫn chia sẻ hạt nhân nghiêm ngặt tương tự như của NATO, rất khó có khả năng một quốc gia nào sẽ phải đối mặt với bất kỳ hậu quả quốc tế nào.
Một nghiên cứu được xuất bản bởi Ủy ban Lựa chọn Quốc phòng của Hạ viện Anh cho rằng, chừng nào các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân hiện tại của NATO còn tồn tại, các quốc gia NATO sẽ có ít căn cứ để khiếu nại nếu việc chuyển nhượng đó xảy ra./.