Trong bản thông điệp đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có những đánh giá tích cực về Mỹ. Cụ thể, ông Kim nhấn mạnh cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào tháng 6/2018 là cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi những ý kiến tích cực và hữu ích.
Tuy nhiên, ông Kim cũng khẳng định nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những yêu cầu hoặc áp lực đơn phương để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, "chúng tôi (người dân Triều Tiên) có thể tìm hướng đi mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích đất nước cũng như kiến tạo nền hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Theo nhà nghiên cứu Daniel DePetris của trang Defense Priorities, tuyên bố của ông Kim khiến Mỹ cần phải xem xét lại. Nói cách khác, Triều Tiên có nhiều phương án và họ có cả phương án B trong trường hợp các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ thất bại. Theo đó, nếu đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều sụp đổ, Bình Nhưỡng sẽ nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân hiện thời.
Còn theo ông Robert Litwak, Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, trên lý thuyết, Triều Tiên có thể sở hữu tới 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020.
Tuy nhiên, dựa theo quy mô kho hạt nhân hiện thời của Bình Nhưỡng, cơ quan tình báo Mỹ dự báo Triều Tiên chỉ sở hữu dưới 20 đầu đạn hạt nhân hoặc nhiều nhất là 60 đầu đạn hạt nhân.
Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoàn toàn có thể tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên gấp 3 lần trong giai đoạn ông Trump chú tâm vào chiến dịch tái tranh cử. Một khi kho vũ khí hạt nhân được mở rộng, năng lực phòng thủ của Triều Tiên cũng được tăng cường thêm.
Về phần mình, ông Trump dường như xem tình bạn qua những lá thư với ông Kim Jong-un là một cơ hội mang tính lịch sử trong quan hệ ngoại giao hai nước. Bên cạnh đó, ông Trump coi những lá thư viết tay được ông Kim gửi là hành động xác nhận xu hướng ngoại giao cá nhân của nhà lãnh đạo Mỹ đang phát huy hiệu quả.
Điển hình, ngay trong một cuộc họp nội các diễn ra trong tuần này, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích báo chí chỉ đưa "tin giả" khi cho rằng, nội dung bức thứ mới nhất được ông Kim gửi tới Nhà Trắng là bằng chứng cho thấy hoạt động đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng đang rất nhàm chán.
"Chúng tôi thực sự đang xây dựng một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp", ông Trump nhấn mạnh.
Theo suy nghĩ của ông Trump, mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ giúp hai nước tiến tới một thỏa thuận nhằm giải quyết không chỉ riêng vấn đề của Triều Tiên mà cả hai bên cũng như trao cho Tổng thống Mỹ giải thưởng hòa bình danh giá nhất thế giới.
Còn theo ông DePetris, trong thời gian tới, các quan chức Mỹ - Triều vẫn sẽ tiến hành đối thoại, trao đổi thư từ và quan điểm thông qua các kênh liên lạc mỗi bên.
Nhưng kể từ sau cuộc họp lịch sử ở Singapore vào tháng Sáu năm ngoái, cả Mỹ - Triều vẫn khăng khăng giữ nguyên quan điểm đối với những yêu cầu đưa ra ban đầu và chờ đợi bên còn lại có động thái trước.
Trên thực tế, tiến trình đối thoại ngoại giao vẫn được duy trì và chính quyền của Tổng thống Trump cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn đàm phán.
Song không có gì đảm bảo hai nước sẽ không quay trở lại con đường cũ là "không đối thoại, tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa, các máy bay ném bom của Mỹ tăng cường hoạt động ở bán đảo Triều Tiên và giới chức hai nước lại trở lại với những tuyên bố hăm dọa, tấn công quân sự lẫn nhau".
Vào tháng 5/2018, ông Jeffrey Lewis tại Viện Middlebury dự báo về thực tế, Mỹ sẽ có thể quay trở lại ý định công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Israel, Pakistan và Ấn Độ.
Và chừng nào ông Kim không công khai cho tiến hành các vụ thử vũ khí hoặc đe dọa phóng vũ khí hạt nhân về phía đảo Guam hoặc đất liền của Mỹ, Washington có thể xem vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được giải quyết và hai bên đều có thể hài lòng với cách giải quyết này.