Khảo sát địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Việt Nam lọt vào "tầm ngắm"

Tất Đạt |

Quá trình tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu dù cả hai bên chưa đưa ra thông báo chính thức.

Những bức thư từ ông Kim Jong Un

Theo CNN, Nhà Trắng đang bắt đầu khảo sát các địa điểm phù hợp để tổ chức cuộc gặp lần hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy nhiên, các nguồn tin nội bộ ban tổ chức kì thượng đỉnh cho biết, những buổi đàm phán giữa Mỹ - Triều vẫn đang bế tắc.

Ngày 2/1, ông Trump lại gây sự chú ý khi khoe "lá thư tuyệt vời" từ ông Kim Jong Un trước phóng viên tại Phòng Bầu Dục. Ông Trump không tiết lộ nội dung bức thư nhưng một số quan chức thân cận tiết lộ ông Kim muốn khuyên tổng thống Mỹ tiếp tục giữ vững "nhiệt huyết" trong quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa hai quốc gia.

Khảo sát địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2: Việt Nam lọt vào tầm ngắm - Ảnh 1.

Lá thư thứ 2 ông Trump nhận được từ ông Kim Jong Un. Ảnh: Washington Post

Trước đây, ông Trump đã từng hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên vào tháng 9/2018, cho rằng quá trình giải trừ hạt nhân "đang thiếu hụt những quy trình quan trọng".

Tuy nhiên, sau khi nhận được thư từ ông Kim Jong Un, ông Trump đã thay đổi thái độ và cho phép ông Mike Pompeo hoàn thành chuyến đi tới Bình Nhưỡng vào tháng 10/2018. Từ đó tới nay, vẫn chưa có thêm thông tin gì đáng kể về quy trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên.

CNN dẫn một nguồn tin cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên thường gửi thư tới ông Trump khi ông Kim cảm thấy rằng mọi chuyện "đã rơi vào quên lãng" hoặc khi ông Kim muốn nhắc nhở ông Trump về những cam kết đã đề ra tại Singapore. Một nguồn tin khác cho rằng ông Kim Jong Un đã "giãi bày tâm sự" trong lá thư mới nhất gửi tới ông Trump.

Hé lộ địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần 2

Được biết, chính quyền Mỹ đã gửi đội ngũ hậu cần tới khảo sát các khu vực khác nhau trong những tuần cuối của năm 2018. Thông tin về các địa điểm này chưa được chia sẻ với phía Triều Tiên, và danh sách các địa điểm có thể sẽ còn mở rộng thêm.

Các chuyến khảo sát đã bắt đầu trước khi ông Trump nói với các phóng viên rằng Nhà Trắng sẽ tổ chức một cuộc gặp với ông Kim "trong tương lai gần". Các chuyên gia nhận định công đoạn lên kế hoạch và thực hiện sẽ tốn ít nhất vài tháng.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim lần thứ nhất đã diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018. Do đó, Singapore đã bị loại khỏi danh sách các đề cử cho lần gặp kế tiếp. Trong khi đó, các địa điểm được khảo sát đều "có những điểm mạnh và điểm yếu riêng".

Những hình ảnh nổi bật trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tiết lộ với CNN, một nhà ngoại giao cho hay, Nhà Trắng chưa có ý định hợp tác cùng Hàn Quốc trong việc lên kế hoạch, mặc dù các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia đồng minh này trước thềm kì thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất.

Nhiều quan chức Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn trợ giúp tổ chức cuộc gặp thứ hai giữa ông Trump và ông Kim Jong Un. Tuy Seoul vẫn chưa nhận được yêu cầu tư vấn địa điểm từ Mỹ, nhưng nguồn tin của CNN tiết lộ có khả năng cao thượng đỉnh sẽ diễn ra tại một quốc gia Châu Á. Trong khi đó, phía Triều Tiên khẳng định muốn tổ chức cuộc gặp lần tới tại Bình Nhưỡng.

Việt Nam, Indonesia, Hawaii, Mông Cổ và khu phi quân sự tại biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc đều được các nhà ngoại giao và chuyên gia Triều Tiên đề cử làm những địa điểm tiềm năng cho kì thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2.

Khó khăn cho đội ngũ tổ chức thượng đỉnh

Theo các quan chức Nhà Trắng, các vấn đề hậu cần đã khiến ít nhất 1 kế hoạch thượng đỉnh thất bại. Cụ thể, trong quá trình tổ chức cuộc gặp đầu tiên, khi đại diện Mỹ bày tỏ nguyện vọng đưa ông Kim Jong Un tới Thụy Sỹ, phía Triều Tiên đã không đồng ý vì lo ngại vấn đề phương tiện đi lại.

Ban đầu, Nhà Trắng nghĩ rằng Thụy Sỹ sẽ là một địa điểm phù hợp bởi ông Kim đã từng du học tại đây trong những năm 1990. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ cho rằng ông Kim đã tỏ ra khá "nhạy cảm" trước các chỉ trích khi sử dụng máy bay Trung Quốc để tới Singapore.

Một số rắc rối khác cũng phát sinh trong quá trình khảo sát địa điểm. Steve Biegun - đặc phái viên đặc biệt của Mỹ trong ngoại giao với Triều Tiên - đã thường xuyên bị đối tác "cho leo cây". Theo dự định, ông Biegun có kế hoạch gặp người đồng cấp Triều Tiên tại Vienna, Áo vào mùa thu năm ngoái.

Sau khi chờ đợi hơn một tuần mà đại diện Bình Nhưỡng vẫn không xuất hiện, ông Biegun đành phải trở về Mỹ. Một cuộc gặp được lên kế hoạch khác tại New York sau đó cũng đổ bể.

Trong khi đó, Nhà Trắng lại có một thời gian "đau đầu" khi ông Andrew Kim - giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên của CIA - nghỉ hưu.

Với vốn hiểu biết của mình, ông Andrew Kim là một trong những nhân sự then chốt trong quá trình đàm phán ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Bản thân là một người Hàn Quốc, ông Andrew Kim đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá thông tin tình báo và các thông tin liên quan khác có thể tác động đến suy nghĩ và hướng giải quyết của ông Kim Jong Un trong quá trình đàm phán, bao gồm ảnh hưởng từ việc phát triển nền kinh tế do Mỹ hậu thuẫn và nỗ lực trong việc đảm bảo sự trung thành của các tướng lĩnh cấp cao.

Ông Andrew Kim đã được truyền thông chú ý hồi năm ngoái khi nhiều lần tới Triều Tiên cùng ngoại trưởng Pompeo và làm người phiên dịch trong các cuộc gặp giữa đại diện Mỹ và ông Kim Jong Un.

Thông tin về người thay thế ông Andrew Kim vẫn được giữ kín. Trả lời trên CNN, các nguồn tin cho biết nhân vật mới này là người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Triều Tiên và đã đóng góp không nhỏ trong các cuộc đàm phán trước đây.

Tuy nhiên, cũng theo CNN, "hậu bối" của ông Andrew Kim không biết tiếng Triều Tiên. Đây là một thách thức lớn bởi ông Andrew Kim có thể vừa làm người đàm phán cấp cao và là người phiên dịch trong các buổi gặp.

"Tôi không nghĩ rằng có nhiều người có năng lực tuyệt vời như Andrew Kim. Ông ấy đã thành lập Trung tâm Sứ mệnh Triều Tiên. Theo những gì tôi biết, trung tâm này hoạt động rất tốt," David Maxwell - một thành viên cao cấp của cơ quan nghiên cứu FDD, cựu binh trong Quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc - cho biết.

Phần cuối trong thước phim tư liệu của Triều Tiên về chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nguồn :SBS News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại