Thực hư "thảo dược bất tử" được Tần Thủy Hoàng đau đầu tìm kiếm - Có ở thời hiện đại?

Trang Ly |

Loài cây này có thật trong tự nhiên không?

Trong thế giới thực vật có rất nhiều loài cây kỳ lạ, một số có hình dáng đặc biệt, số khác có chức năng chưa từng thấy. Những loài cây này thường có xu hướng hấp dẫn con người hơn, mỗi khi nhìn thấy những loài cây kỳ lạ này, chúng ta đều muốn biết thêm về chúng.

Thực tế, không chỉ bây giờ, những loài cây lạ này đã được người xưa coi trọng từ rất lâu. Lịch sử kể rằng, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất, để giữ vững ngôi vị, ông đã sớm theo đuổi sự bất tử, nhanh chóng sai cận thần tìm kiếm thảo dược thần tiên.

Thực hư thảo dược bất tử được Tần Thủy Hoàng đau đầu tìm kiếm - Có ở thời hiện đại? - Ảnh 1.

Tần Thủy Hoàng khao khát có trong tay loại thuốc trường sinh bất tử. Ảnh minh họa

Truyền thuyết kể rằng, có một loài cây dại ở phương Nam, có khả năng đem lại sự trường sinh bất tử. Vậy loại cây này có thật sự thần kỳ như vậy không?

Loài cây được cho là có khả năng "trường sinh" là Ashitaba. Cây này đã được ghi lại trong một số cổ thư từ xa xưa, và là một loại cây thuốc cổ truyền, được đánh giá rất cao.

Có truyền thuyết kể rằng đó là loại thảo dược trường sinh mà Tần Thủy Hoàng đã tìm kiếm bấy lâu nay. Tuy nhiên nó không hề có tác dụng "trường thọ" như những lời đồn thổi. Các nhà khoa học hiện đại nói gì?

Đặc điểm thực vật của Ashitaba

Ashitaba là một loại thực vật thân thảo sống lâu năm, họ hàng với họ cà rốt. Kích thước cây thường cao khoảng 1 mét, nhựa màu vàng rỉ ra từ thân cây. Hình dáng bên ngoài của nó khá giống cần tây. Cây này thường mọc thẳng đứng, có nhiều nhánh khác nhau ở mặt trên, mép lá có răng cưa nhọn, nhẵn, không có lông; Hoa ra hoa nhỏ màu vàng kem.

Thực hư thảo dược bất tử được Tần Thủy Hoàng đau đầu tìm kiếm - Có ở thời hiện đại? - Ảnh 2.

Cây này được dùng làm thực phẩm và được quảng cáo là thuốc cổ truyền giúp kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh. Ảnh: Wikimedia Commons

Thời kỳ ra hoa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, thời kỳ đậu quả từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Quả của Ashitaba có hình thuôn dài, hơi dẹt. Ashitaba là loại cây bán chịu lạnh, sợ nhiệt độ cao và độ ẩm cao.

Loại cây này phân bố rộng rãi ở Trung Quốc, chủ yếu ở các khu vực phía Nam như Quảng Tây, Vân Nam. Nó cũng được tìm thấy nhiều ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giá trị của Ashitaba trong nghiên cứu y học

Điều nhiều người thắc mắc là tác dụng trường sinh của cây Ashitaba có thật hay không. Trước khi tìm câu trả lời, cùng theo chân các chuyên gia y học hiện đại phân tích giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu của nó.

Theo WebMD, giá trị dinh dưỡng thể hiện ở chỗ lá tươi và bột khô của Ashitaba được dùng làm thực phẩm và đồ uống. Cây này có mùi thơm độc đáo, chứa nhiều vitamin, rất có lợi cho cơ thể con người. Nó còn có thể làm giảm nhờn và loại bỏ mùi tanh. Sau khi đun sôi với nước sẽ trở nên mềm và thơm ngon.

Thực hư thảo dược bất tử được Tần Thủy Hoàng đau đầu tìm kiếm - Có ở thời hiện đại? - Ảnh 3.

Angelica keiskei koidzumi có tên gọi khác là Ashitaba. Ảnh: Wikimedia Commons

Ngoài giá trị ăn được, nó còn là một loại cây quý có giá trị dược liệu cao. Rễ, lá và thân của nó được sử dụng để làm thuốc. Sử dụng Ashitaba thường xuyên có thể làm giảm nhiều triệu chứng bất lợi của cơ thể, làm sạch máu và điều hòa cơ thể.

Ashitaba được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng dai dẳng, loét dạ dày, huyết áp cao, táo bón và nhiều tình trạng khác. Một số hóa chất trong Ashitaba hoạt động như chất chống oxy hóa. Các hóa chất khác có thể ngăn chặn sự tiết axit dạ dày. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm chứ không phải trên người, WebMD cho hay.

Theo đánh giá của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH), Ashitaba (hay Angelica keiskei Koidzumi) là một loại thuốc thực vật phổ biến ở Nhật Bản, có chứa các thành phần hoạt tính sinh học đa dạng. Ashitaba được cho là có thể trị đái tháo đường, chống oxy hóa, chống viêm, hạ huyết áp và kháng khuẩn.

Một bài báo đăng tải năm 2019 trên Financial Review cho biết, cây Ashitaba được các samurai đánh giá cao và thường được tìm thấy trong các vườn thảo mộc vì nó có thể chứa đựng bí quyết chống lão hóa, bảo vệ tế bào.

Nghiên cứu về 4,4'-dimethoxychalcone (DMC) - 1 hợp chất tự nhiên có đặc tính chống lão hóa có trong lá và thân Ashitaba - cho thấy nó giúp bảo vệ tế bào và trì hoãn sự lão hóa ở nấm men, chuột, ruồi và tế bào người trong nuôi cấy.

Theo bài báo đăng trên Nature Communications, các nhà khoa học cần nghiên cứu nhiều hơn nữa để tìm hiểu xem liệu Ashitaba có tác dụng ngăn ngừa sự suy giảm liên quan đến tuổi tác ở người hay không.

Nguồn: WebMD, Sohu, Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, Financial Review

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại