Tần Thủy Hoàng Doanh Chính sinh năm 259 TCN và lên ngôi ở tuổi 13. Thủy Hoàng đế năm thứ 8 (239 TCN), Doanh Chính lên nắm quyền ở tuổi 21, đã ngay lập tức loại bỏ các kẻ thù chính trị trong nước là Lã Bất Vi và Thành Kiểu, cũng như người tình Hoàng hậu Triệu Cơ (mẹ ruột của Tần Thủy Hoàng) là Lao Ái.
Thủy Hoàng đế năm thứ 28 (219 TCN), Doanh Chính đã liên tiếp tiêu diệt sáu nước, thống nhất thiên hạ.
Xung quanh những câu chuyện về Tần Thủy Hoàng, hậu thế không thể không nhắc đến hành trình tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử.
Mặc dù theo đuổi sự bất tử nhưng vận mệnh lại đi ngược với khát vọng của ông. Thủy Hoàng đế năm thứ 37 (210 TCN), Tần Thủy Hoàng, đang du hành về phía Đông, qua đời vì bệnh tật tại Sa Khâu cung (theo nhiều sử liệu ghi lại).
Tinh tượng kỳ lạ, “thiên giáng trời phạt”
Dân gian Trung Quốc xưa gọi sao Hỏa là “huỳnh hoặc”, lấp lánh như lửa, hành tung bất định, là một hành tinh đầy bí ẩn. Cũng chính vì giống với quả cầu lửa đang rực cháy nên sao Hỏa thường bị xem là điềm xấu, tượng trưng cho thảm họa sắp xảy ra.
Các nhà chiêm tinh Trung Quốc xưa cho rằng chuyển động và sự thay đổi độ sáng của sao Hỏa có thể dự đoán các sự kiện trong tương lai. Hiện tượng thiên văn nổi tiếng nhất xảy ra vào Thủy Hoàng đế năm thứ 36 (211 TCN), một năm trước ngày Tần Thủy Hoàng băng hà - “Huỳnh hoặc thủ tâm”.
Trên thực tế, hiện tượng này là khi sao Hỏa đến gần Trái đất. "Thủ tâm" là tên gọi của chòm sao Thiên Yết.
Trong văn hóa Trung Quốc xưa, chòm sao Thiên Yết còn được gọi là Thần Nông hoặc Viêm Đế, tượng trưng cho bậc Thiên tử. Do đó, khi sao Hỏa di chuyển đến gần chòm sao Thiên Yết được coi như đại hung, nhẹ thì Thiên tử bị soán ngôi, nặng thì Hoàng đế băng hà.
Hiện tượng này được coi là đại diện cho chiến tranh và cái chết ở cả Trung Quốc và phương Tây.
Theo lịch sử ghi lại, cùng lúc với hiện tượng “Huỳnh hoặc thủ tâm”, trên trời giáng xuống một thiên thạch tại Đông quận ở nước Tần thời bấy giờ. Sau khi rơi xuống đất, nó biến thành đá, nhưng có người khắc trên thiên thạch “Vùng đất sẽ bị chia cắt sau cái chết của Thủy Hoàng đế”.
Người thời bấy giờ chỉ cho rằng đây là ám chỉ của trời đất nên lòng dân bắt đầu loạn, tin đồn về cái chết của Hoàng đế lan truyền khắp nơi. Tần Thủy Hoàng biết được, cho rằng có kẻ gây nhiễu lòng dân, làm thiên hạ đại loạn, nên đã nổi giận giết chết tất cả người phát hiện ra thiên thạch, đồng thời phá hủy luôn khối đá thiên thạch đó, khiến nó chìm vào quên lãng.
Lời tiên tri và mảnh ngọc
Một ngày nọ, một ngày dần vào đông của Thủy Hoàng đế năm thứ 36 (211 TCN), Tần Thủy Hoàng đang đi tuần du ngoạn thì đột nhiên có một người lạ xuất hiện trên đường, một mực chặn đứng đoàn xe đang di chuyển. Ông ta còn cầm một miếng ngọc trên tay, đưa cho thị vệ của Tần Thủy Hoàng và nói: Năm nay Tổ long sẽ chết.
Tổ long dùng để chỉ Tần Thủy Hoàng, Tổ có nghĩa là thủy tổ và rồng dùng để chỉ Hoàng đế. Ý là năm nay Tần Thủy Hoàng sắp chết, thị vệ sợ đến mức sững người chưa dám tin vì trên đời lại có người dám nói Hoàng đế như vậy. Đến khi thị vệ định thần lại thì người lạ đã đi mất.
Điều kỳ lạ hơn cả là mảnh ngọc mà người đàn ông lạ mặt đưa cho thị vệ chính là mảnh ngọc mà Tần Thủy Hoàng đã ném xuống sống khi cúng tế Hà thần (thần Sông).
Và rồi, Tần Thủy Hoàng qua đời vào Thủy Hoàng đế năm thứ 37 (210 TCN).
Những điều kỳ lạ này ít nhiều đã báo trước sự kết thúc sắp xảy ra của nhà Tần, điều cuối cùng còn kỳ quái hơn nhưng không ai biết nguồn gốc là đúng hay sai, chỉ là truyền miệng trong dân gian. Có tương đối ít tài liệu lịch sử về nhà Tần, có lẽ với việc nghiên cứu này sẽ khả quan hơn nếu Trung Quốc tìm thấy nhiều hơn các thẻ tre ghi lại bút tích của thời đại đó.
Nguồn: Sohu