Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc

Minh Hằng |

Ngọc quý lại thường không dễ dàng có thể nhận ra. Câu chuyện về thứ mà hoàng đế Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc chính là minh chứng.

Người xưa có câu "Ngọc bất trác bất thành khí". Câu này dùng để mô tả viên ngọc thô nếu không được mài giũa thì chẳng thành món đồ trân quý, tinh xảo được. Hơn nữa, ngọc quý lại thường không dễ dàng lộ ra, nên người thợ cần phải dày công đẽo gọt.

Trên thực tế, theo các chuyên gia, ngọc thạch có độ cứng cao, khoảng 6 – 7 độ Mohs, cứng hơn cả sắt thép bình thường. Trong khi đó, công cụ chạm khắc ngọc ngày nay đều là từ bột kim cương có độ cứng 10 Mohs. Những người thợ sẽ sử dụng chuyển động vòng tròn tần suất cao để tạo hình khối ngọc.

Tuy nhiên, ở thời cổ đại lại không có dụng cụ chạy bằng điện. Vậy, người xưa làm thế nào để cắt được khối ngọc? Làm sao họ có thể mài giũa và chạm thành các đồ vật tinh xảo?

Bí mật này được tiết lộ trong một bức họa. Cụ thể, trong bảo tàng Cố cung có một bức họa vẽ lại quá trình chế tác ngọc thủ công. Trong bức họa này, hai người thợ dùng dây thép giống như lưỡi cưa để cưa đôi khối ngọc. Tuy nhiên, rõ ràng ngọc cứng hơn sắt thép. Vậy, cách làm này có cắt được ngọc không?

Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc - Ảnh 1.

Tranh vẽ minh họa người xưa dùng cát để cắt ngọc.

Hóa ra bí quyết nằm ở một vật liệu đơn giản. Đó là cát. Những người thợ trước khi cắt ngọc phải xay "cát giải ngọc". Loại cát này được lấy ở bờ sông thông qua giã mịn và sàng sẩy để chọn ra cát thạch anh và cát silic carbide (độ cứng chỉ đứng sau kim cương).

Sau đó, "cát giải ngọc" được hòa với nước để trong ấm trà nhỏ giọt xuống dây cưa để tăng độ sắc bén. Điều này giúp những người thợ cắt được ngọc. Thế nhưng, cách làm này rất mất thời gian. Bởi một ngày cũng không cắt được quá 2,2 cm.

Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc - Ảnh 3.

Máy cắt ngọc được người xưa phát minh.

Chính vì vậy, để để nhanh quá trình cắt ngọc, người Trung Quốc thời xưa đã phát minh ra Thủy Đẳng. Đây là một loại máy có bàn đạp bằng gỗ, nối với lưỡi mài ở trục chính bằng dây thừng. Như vậy, khi người thợ đạp bàn đạp, lưỡi mài sẽ chuyển động, cho thêm "cát giải ngọc" và sau đó tiến hành cắt.

Thời xưa, để chế tác một khối ngọc nhanh thì mất vài năm, nhưng lâu thì phải qua vài thế hệ. Do đó, cổ nhân mài ngọc có lẽ chính xác là một cách để rèn giũa tính cách. Bởi chính sự nhẫn nại vượt qua nỗi cô đơn, nhàm chán mới có thể tạo tác được những vật tinh xảo và đẹp đẽ.

Bí ẩn ngọc quý Hòa thị bích

Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc - Ảnh 5.

Sau hai lần dâng ngọc thất bại, Biện Hòa ôm ngọc khóc ba ngày ba đêm ở chân núi Sở. Ảnh: Pinterest

Quá trình chế tác một viên ngọc quả thực không dễ dàng. Thậm chí, ngay cả việc nhận biết nó cũng là một thử thách phải đánh đổi bằng cả máu và danh dự. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Một trong những viên ngọc quý được nhiều vị vua trong lịch sử Trung Quốc mong muốn sở hữu nhất chính là Hòa thị bích (hay còn gọi là ngọc bích họ Hòa). Viên ngọc hoàn hảo này được ghi chép lần đầu tiên ở trong sách "Hàn Phi Tử".

Vào thời Xuân Thu, có một người đàn ông nước Sở tên là Biện Hòa đã tìm được một viên ngọc ở trong núi nên đem dâng cho Sở Lệ Vương (trị vì từ 757 TCN – 741 TCN), vị vua thứ 19 của nước Sở. Vị vua này cho chuyên gia về ngọc tới xem. Tuy nhiên, người này lại kết luận đó là đá, không phải là ngọc. Sở Lệ Vương nghe xong liền cho rằng Biện Hòa nói dối nên sai người chặt chân trái của anh ta.

Đến khi Sở Vũ Vương nối ngôi, Biện Hòa lại đem ngọc quý đến dâng. Sở Vũ Vương lại cho thợ ngọc tới xem. Người này cũng cho rằng thứ đó là đá, không phải là ngọc. Vị vua này cho rằng người đàn ông họ Hòa nói dối nên sai người chặt nốt chân phải của anh ta.

Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc - Ảnh 7.

Ngọc bích họ Hòa trở thành quốc bảo của nước Sở trong nhiều năm.

Đến khi Sở Văn Vương (trị vì từ năm 689 TCN – 677 TCN), bấy giờ Biện Hòa đã già yếu mà còn bị tàn phế do mất hai chân. Người đàn ông này ôm hòn ngọc quý khóc ở chân núi Sở suốt ba ngày ba đêm đến nỗi chảy cả máu mắt ra. Sự việc kỳ lạ này đến tai Sở Văn Vương. Ông cho người đến hỏi nguyên nhân, bấy giờ Biện Hòa thưa rằng: "Tôi khóc không phải là do thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc quý mà cho là đá và lời nói chân thật bị xem là nói dối".

Sở Văn Vương liền cho người kiểm tra thật kỹ, quả nhiên là ngọc thật với độ tinh khiết hoàn hảo. Cảm động trước câu chuyện của Biện Hòa nên Sở Văn Vương đặt tên cho viên ngọc này là Hòa thị bích (hay ngọc bích họ Hòa). Từ đó, viên ngọc quý này được coi là quốc bảo của nước Sở.

Ngọc bất trác bất thành khí: Số phận chìm nổi của thứ mà Tần Thủy Hoàng dùng làm báu vật truyền quốc - Ảnh 8.

Hòa thị Bích được đẽo gọt trở thành ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng.

Hòa thị bích trở thành quốc bảo của nước Sở trong hơn 300 năm và sau đó lưu lạc không rõ tung tích. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, đến thời Triệu Huệ Văn vương, Hòa thị bích trở thành quốc bảo của nước Triệu từ năm 283 TCN.

Sức hấp dẫn của viên ngọc này lớn đến nỗi Tần Chiêu Tương Vương (vị vua thứ 33 của nước Tần, chư hầu thời Chiến Quốc, đồng thời là ông nội của hoàng đế Tần Thủy Hoàng) viết thư cho Triệu vương và đề nghị dùng 15 tòa thành để đổi lấy. Tuy nhiên, sau cùng giao ước này không thành. Đến năm 228 TCN, sau khi Tần vương Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng) đánh bại nước Triệu thì mới có được Hòa thị bích.

Theo ghi chép trong Sử ký, sau khi thống nhất Trung Hoa vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã cho người đẽo Hòa thị bích trở thành ngọc tỷ truyền quốc. Trên ngọc tỷ có khắc 8 chữ Triện là "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" (đại ý là nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi).

Sau khi nhà Tần diệt vong, viên ngọc này lại lưu lạc và sau cùng trở thành ngọc tỷ truyền quốc của triều đại nhà Hán. Ngọc tỷ này được lưu truyền cho nhiều vị đế vương qua các triều đại, nhưng sau cùng lại biến mất bí ẩn vào thời Ngũ Đại (khoảng năm 907 – 960). Cho đến nay, số phận của viên ngọc quý mang nỗi oan của Biện Hòa vẫn còn là một bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc.

Bài viết tham khảo nguồn: Zhihu, Sogou, Baidu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại