Phục dựng thành công chân dung loài người tuyệt chủng 146.000 năm trước

Minh Hằng |

Các nhà khoa học mới đây thành công phục dựng gương mặt của Người Rồng, họ hàng gần nhất của con người hiện đại.

Theo các nhà khoa học, cách đây khoảng 150.000 năm trước, có một loài người to lớn được gọi là Homo longi (hay người Rồng) lang thang sống trong những khu rừng đầy băng giá tại miền Bắc của Trung Quốc. Mặc dù có kích thước lớn và thô kệch nhưng loài người cổ đại này gần đây được xác định là họ hàng của người Homo sapiens.

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ortog Online công bố hình ảnh phục dựng thành công gương mặt của người Rồng đã tuyệt chủng với mức độ chân thực đáng kinh ngạc.

Được đặt theo tên Hắc Long Giang, một tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc, loài người Homo longi lần đầu xuất hiện trong ghi chép về khảo cổ học khi một công nhân xây dựng phát hiện ra hộp sọ còn nguyên vẹn trong lúc xây cầu vào năm 1933. Thế nhưng, phải đến năm 2021, các nhà nghiên cứu mới nhận ra hộp sọ bí ẩn thuộc về một loài chưa từng được biết đến trước đây.

Sau khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học xác định, hộp sọ có niên đại ít nhất 146.000 năm trước. Đặc biệt, chủ nhân của hộp sọ từng sinh sống ở khu vực Đông Á, tại thời điểm con người hiện đại tiếp xúc với một số loài họ hàng tiến hóa gần gũi khác như người Neanderthal và người Denisovan.

Phục dựng thành công chân dung loài người tuyệt chủng 146.000 năm trước - Ảnh 1.

Hình bán thân kỹ thuật số của Homo longi , trước khi bổ sung tóc và màu da một cách "nghệ thuật". Ảnh: Cícero Moraes

Người Homo longi có kích thước đồ sộ, sở hữu một số đặc điểm riêng biệt trên gương mặt như có hốc mắt vuông vắn, xương gò má dẹt và thấp, hàm răng "khổng lồ". Do đó, thoạt nhìn người Homo longi trông giống với họ hàng xa của ba loài người cùng thời.

Dù có một số đặc điểm khác biệt, nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng người Rồng có quan hệ gần gũi với con người hiện đại còn hơn cả họ hàng nổi tiếng là người Neanderthal.

Để phục dựng lại diện mạo của người Rồng cổ đại, ông Cícero Moraes, chuyên gia đồ họa người Brazil đã tạo ra một mô hình kỹ thuật số của hộp sọ, bằng cách sử dụng dữ liệu và những hình ảnh chụp cung cấp bởi các tác giả của nghiên cứu vào năm 2021. Đồng thời, vị chuyên gia này còn sử dụng hộp sọ hoàn chính khác của Homo erectus, một loài người nguyên thủy khác, sau đó tiến hành tích hợp vào nhằm lấp đầy những khoảng trống trong hàm răng của người Rồng và một số răng.

Phục dựng thành công chân dung loài người tuyệt chủng 146.000 năm trước - Ảnh 3.

Người Rồng có hộp sọ lớn hơn so với các loài người từng được biết đến. Ảnh: Cícero Moraes

Kế tiếp, chuyên gia đồ họa Cícero Moraes bổ sung thêm các điểm để đánh dấu mô mềm bằng cách dùng hình ảnh chụp cắt lớp của người hiện đại và tinh tinh, sau đó điều chỉnh sao cho phù hợp với đường nét hộp sọ của người Rồng (Homo longi). Điều này đã giúp tạo ra một hình ảnh bán thân kỹ thuật số màu xám, dựa trên dữ liệu khách quan và kỹ thuật lập mô hình đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, vì hình ảnh thu được nhằm mục đích giới thiệu cho công chúng nên ông Moraes đã bổ sung tóc và màu da vào mô hình nhằm giúp diện mạo của người Rồng trở nên sống động hơn.

Trên thực tế, dựa trên mô hình cuối cùng, ông Moraes tính toán rằng Homo longi có chu vi vòng đầu là 65,1 cm. Con số này khiến người Rồng trở nên khác biệt khi có cái đầu lớn nhất trong các loài người được biết đến, thậm chí có thể sánh ngang với khỉ đột và sư tử.

Trước đó, vào năm 2021, các chuyên gia đã phân tích hộp sọ và chỉ ra rằng kích thước to lớn của người Rồng có thể là một cách để thích nghi với nhiệt độ cực lạnh ở Cáp Nhĩ Tân. Đây là nơi hiện nay có thể hạ xuống tới -16 độ C vào mùa đông.

Hộp sọ được chôn giấu suốt 85 năm

Phục dựng thành công chân dung loài người tuyệt chủng 146.000 năm trước - Ảnh 5.

Hình ảnh minh họa của người Rồng cách đây khoảng 146.000 năm trước. Ảnh: Chuang Zhao

Hộp sọ của người Rồng vốn được một người đàn ông tìm thấy vào năm 1933 ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Tuy nhiên, sau đó, người này lại quyết định chôn hộp sọ vào trong một cái giếng bỏ hoang. Đây giống như một phương pháp cất giấu tài sản quý giá của người xưa.

Hộp sọ bí ẩn này gần như bị lãng quên. Trước khi qua đời, người đàn ông đã nói với người thân trong gia đình về việc tìm thấy hộp sọ. Mãi đến năm 2018, tức là 85 năm sau, người nhà của ông sau đó đã tìm thấy hộp sọ này và tặng nó cho Bảo tàng Khoa học Địa chất, thuộc ĐH Hà Bắc.

Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu chưa bao giờ nhìn thấy một hộp sọ lớn như thế trước đây. Chuyên gia Chris Stringer tại Trung tâm Nghiên cứu tiến hóa con người thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh, nhận định rằng hộp sọ rất lớn nên có thể chứa một bộ não lớn. Mũi, hàm và đôi mắt của hộp sọ cũng to.

Ngoài ra, các chuyên gia còn tìm thấy một vết lõm nhẹ trên đỉnh đầu của hộp sọ người Rồng. Đây có thể là vết thương đã được chữa lành. Sau khi tiến hành phân tích sâu hơn, các chuyên gia xác định hộp sọ có khả năng thuộc về một người đàn ông đã chết ở tuổi 50, cách đây ít nhất khoảng 146.000 năm.

Bài viết tham khảo nguồn: Iflscience, Newscientist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại