Minh họa về tên lửa siêu thanh. Ảnh: EurAsian Times
Đây cũng là lý do trang này nhận định, Bắc Kinh có khả năng dẫn trước Washington trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh.
Điều khiến Mỹ lo lắng
Thời gian gần đây, một số nguồn tin phương Tây cho rằng, Trung Quốc có thể đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh , bao gồm việc phóng thử tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào không gian.
Theo Financial Times, tên lửa này được phát triển từ Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS), sử dụng phương tiện lướt siêu thanh với động năng rất lớn, có thể bay nhiều vòng quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa.
Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã bác bỏ thông tin này với tuyên bố: “Đó không phải là một tên lửa mà chỉ là một phương tiện vũ trụ”, nhưng hiển nhiên, Mỹ vẫn thấp thỏm lo âu về năng lực quân sự ngày càng gia tăng của đối thủ châu Á.
Tướng John Hyten, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cảnh báo, Bắc Kinh đã sẵn sàng tăng tốc cũng như rút kinh nghiệm từ những thất bại.
Ngoài mối đe dọa trực tiếp mà những vũ khí siêu thanh do Trung Quốc phát triển có thể gây ra đối với Mỹ, các loại vũ khí mới có thể ảnh hưởng đến thế cân bằng sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương vào thời điểm căng thẳng đang âm ỉ trong khu vực.
Giới phân tích nhận định, nỗi lo sợ lớn nhất đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden chính là việc Bắc Kinh đạt được khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền Mỹ.
Yếu tố thay đổi cuộc chơi
Có thể thấy, vũ khí siêu thanh đang trở thành tâm điểm trong chương trình phát triển vũ khí của nhiều quốc gia có tiềm lực quân sự dồi dào. Mỹ, Nga, Trung Quốc, thậm chí là Triều Tiên thời gian gần đây đều công bố rằng, họ đang trong quá trình nghiên cứu các loại vũ khí siêu thanh.
Vậy lý do gì khiến loại vũ khí này được quan tâm tới vậy?
Theo EurAsian Times, ưu thế vượt trội của vũ khí siêu thanh nằm ở tốc độ và đường bay khó đoán định. Chẳng hạn như các tên lửa siêu thanh, chúng giống như những tên lửa đạn đạo truyền thống có thể mang vũ khí hạt nhân, nhưng lại có khả năng bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh.
Trong khi các tên lửa đạn đạo bay cao trong không gian theo đường vòng cung thì tên lửa siêu thanh bay ở tầm thấp trong bầu khí quyển nên có khả năng nhắm đến mục tiêu nhanh hơn.
Quan trọng hơn, khả năng linh động của tên lửa siêu thanh khiến nó khó bị phát hiện và khó bị đánh chặn. Trong khi các quốc gia như Mỹ đã phát triển được những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thì khả năng phát hiện cũng như bắn hạ tên lửa siêu thanh vẫn là một câu hỏi.
Đây là lý do các chuyên gia quân sự nhận định, tên lửa siêu thanh sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, cũng như sẽ đưa thế giới rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang, tạo ra một kỷ nguyên mới của những quả tên lửa nhanh hơn, thông minh hơn và linh hoạt hơn.
Ai nhanh hơn
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg tổ chức hồi cuối tháng 10 vừa qua, Gregory Hayes, Giám đốc điều hành Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ Raytheon Technologies cho biết, Mỹ đã đi sau Trung Quốc nhiều năm trong việc phát triển vũ khí siêu thanh có tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Ông Gregory Hayes nhấn mạnh, mặc dù Lầu Năm Góc đang phát triển một số chương trình vũ khí siêu thanh và Mỹ hiểu rõ công nghệ này, nhưng Trung Quốc đã thực sự triển khai vũ khí siêu thanh. “Chúng ta đi sau hơn ít nhất vài năm”, ông Hayes nói.
Trong khi đó, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ mô tả vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc là rất gần với "thời khắc Sputnik”.
Ý chỉ sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957 trong cuộc chạy đua không gian giữa Moscow và Washington. Một sự kiện khiến Mỹ hoàn toàn bất ngờ.
Dẫu vậy, đến giờ, câu hỏi ai nhanh hơn trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi, bởi thực hư sức mạnh vũ khí siêu thanh của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục là một ẩn số.
Theo The Diplomat, các nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của những cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ, Nga và Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ còn được đẩy mạnh trong tương lai. Điều này hứa hẹn cuộc đua vũ khí siêu thanh sẽ ngày càng gay cấn và quyết liệt hơn nữa.