Ukraine tìm cách đối phó với “vũ khí thần kỳ” của Nga
Lực lượng không quân Nga đã triển khai khoảng 3.000 quả bom lượn ở Ukraine mỗi tháng. Những quả bom lượn có vệ tinh dẫn đường với tầm hoạt động hơn 60km, đồng nghĩa với việc các máy bay ném bom chiến đấu Su-30, Su-34 và Su-35 của Nga có thể thả những quả bom này nằm ngoài tầm bắn của gần như tất cả hệ thống phòng không Ukraine , ngoại trừ những hệ thống tốt nhất và hiếm nhất của nước này.
Những quả bom lượn KAB là những "vũ khí thần kỳ" của Nga, nhóm phân tích Deep State của Ukraine nhận định, đồng thời cho biết Kiev "trên thực tế không có biện pháp đối phó".
Có lẽ các lực lượng của Ukraine không thể chống lại những quả bom lượn của Nga nhưng họ có thể đáp trả bằng những quả bom lượn của mình. Để đạt được mục tiêu đó, lực lượng không quân Ukraine đang chuyển 40 - 50 tiêm kích MiG-29 hiện có và có thể là vài chục chiến đấu cơ Su-27 thành máy bay ném bom lượn bằng cách trang bị cho chúng những quả Bom đường kính nhỏ (SDB) do Mỹ sản xuất.
Đây là một sự phát triển quan trọng bởi lực lượng không quân Ukraine với quy mô nhỏ - gần như chỉ có 100 chiến đấu cơ thời Liên Xô cho các lữ đoàn - đang chật vật đối phó với chiến dịch bom lượn quy mô lớn của lực lượng không quân Nga lớn hơn nhiều - sở hữu hàng trăm tiêm kích Su-30, Su-34 và Su-35 có thể mang 4 hoặc thậm chí 6 quả bom lượn KAB trong mỗi lần thực hiện nhiệm vụ.
"Đây là một tin tuyệt vời", nhà phân tích người Phần Lan Joni Askola nhận định. Tuy nhiên, tin xấu là Ukraine có lẽ không có đủ số lượng SDB hoặc đạn dược để trang bị cho các tiêm kích MiG và Sukhoi trong chiến dịch ném bom Nga.
Không có ai ngoài Lầu Năm Góc và lực lượng không quân Ukraine biết Kiev đã có những quả bom đường kính nhỏ với tầm bắn 111 km và trang bị vệ tinh dẫn đường cho đến khi những bức ảnh xuất hiện trên mạng vào cuối tháng trước, cho thấy một chiếc MiG-29 với 6 quả bom nhỏ bên dưới cánh.
Các tiêm kích MiG của Ukraine có thể triển khai bom lượn. Tháng trước, các kỹ sư Mỹ, Pháp và Ukraine đã hợp tác với nhau để trang bị cho các tiêm kích MiG-29 và Su-27 của Ukraine Bom Tấn công Trực diện Phối hợp Mở rộng (JDAM-ER) và bom lượn AASM do Pháp sản xuất. JDAM-ER và AASM đều nặng 225kg.
SDB có lợi thế là nhỏ hơn và có tầm hoạt động lớn hơn so với JDAM-ER và AASM, cả hai đều có tầm hoạt động khoảng 64km trong điều kiện tốt nhất. Một tiêm kích MiG hoặc Sukhoi được trang bị SDS có thể tấn công 6 mục tiêu trong một lần xuất kích và thực hiện từ xa để giảm rủi ro từ các hệ thống phòng không Nga.
Một điều nữa quan trọng không kém là SDB có chi phí chỉ khoảng 40.000 USD/quả. Nó có giá tương đương JDAM-ER nhưng chỉ bằng 1/5 AASM.
"Bất kỳ nguồn cung bổ sung nào đều được đánh giá cao", nhà phân tích Askola nói.
Tình trạng thừa máy bay nhưng thiếu bom của Ukraine
Rõ ràng, dựa trên nhịp độ tấn công của Nga, ngành công nghiệp nước này có thể sản xuất khoảng 3.000 quả bom lượn mỗi tháng. Số lượng này cần vài chục chiếc Sukhoi với mỗi chiếc có thể thả 2 - 4 quả bom lượn mỗi ngày trong 1 tháng.
Vì thế, giới quan sát cho rằng lực lượng không quân Ukraine nên có đủ chiến đấu cơ để theo kịp tốc độ chiến dịch ném bom của Nga. Khi Ukraine nhận được 85 tiêm kích F-16 vào mùa hè này, họ sẽ có nhiều hơn con số cần thiết đó.
Điều rõ ràng là Ukraine không có đủ bom. Pháp cam kết hỗ trợ 50 quả bom AASM mỗi tháng. Cả Washington và Kiev đều không tiết lộ Mỹ đã gửi cho Ukraine bao nhiêu quả bom JDAM và SDB nhưng hợp đồng đầu tiên Lầu Năm Góc ký với Boeing để cung cấp JDAM cho Ukraine vào đầu năm 2023 trị giá 41 triệu USD, đủ để sản xuất 1.000 quả bom.
Hợp đồng lớn tiếp theo nhằm cung cấp JDAM với những đầu dò được cải thiện đã diễn ra hơn 1 năm sau đó.
Khó có khả năng các lực lượng của Ukraine được hỗ trợ vài trăm quả bom lượn mỗi tháng - có lẽ chỉ bằng 1/10 so với số lượng bom Ukraine cần để theo kịp hỏa lực trên không của Nga.
Nga đang áp đảo Ukraine trong chiến dịch ném bom không phải vì nước này có nhiều chiến đấu cơ hơn mà là vì Moscow có thể sản xuất nhiều đạn dược hơn.