Ba thế hệ là ‘fan ruột’ của thư viện Dương Liễu
Nhắc đến thư viện Dương Liễu ở thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu hẳn nhiều người đã không còn xa lạ. Đây là một thư viện tư nhân đầu tiên ở khu vực Hoài Đức, Hà Nội, được lập nên bởi nhóm các bạn trẻ luôn hướng về cộng đồng, quê hương mà tiên phong là hai sáng lập viên Nguyễn Bá Lượng và Phùng Bá Hưng.
Hiện tại, anh Lượng không còn gắn bó với hoạt động thư viện, còn anh Hưng đang du học tại Mỹ, nên chủ yếu điều phối và tương tác từ xa. Do đó, hoạt động thư viện được giao cho anh Nguyễn Huy Tỉnh và các tình nguyện viên ở đây duy trì.
Ở vùng này, bà con nhân dân và các bạn nhỏ gần như thuộc làu làu thời gian biểu của thư viện, do đó, mỗi khi có lịch mở cửa thư viện thì họ đều tập trung về đây như một thói quen.
Thư viện Dương Liễu đã trở thành người "bạn thân" đối với bạn đọc mọi nhóm tuổi...
Cả 3 thế hệ của gia đình anh Nguyễn Kiến Hưởng (SN 1977) ở đội 5, thôn Thống Nhất đều là ‘fan ruột’ của thư viện Dương Liễu. Không những vậy, từ cuối năm 2020, khi thư viện phải trả lại mặt bằng thì gia đình anh đã tự nguyện cho mượn một căn phòng riêng, làm nơi phục vụ bạn đọc.
"Khoảng tháng 10/2020, người ta lấy lại mặt bằng đang đặt thư viện, để xây dựng nhà ở. Biết các bạn chưa có mặt bằng để sinh hoạt thì tôi cũng có nói, các bạn cứ chuyển qua, gia đình nhường bớt một khoảng không gian cho các bạn về sinh hoạt tại đây. Đối với các hoạt động thư viện Dương Liễu, gia đình chúng tôi tạo điều kiện hỗ trợ các cháu hết mình", anh Hưởng chia sẻ.
3 năm nay, anh Nguyễn Kiến Hưởng (SN 1977) và gia đình đã cho thư viện Dương Liễu mượn nhà riêng của mình để làm nơi trưng bày sách, nơi bạn đọc tìm đến mỗi ngày.
Mẹ của anh Hưởng đã lớn tuổi nhưng mỗi khi có bạn đọc đến đây thì bà cụ cũng trở thành một tình nguyện viên trông xe đạp cho các bạn nhỏ. Con trai lớn của anh Hưởng là Nguyễn Kiến An, vừa tốt nghiệp đại học cũng là bạn đọc trung thành, đồng thời từng là tình nguyện viên từ những ngày đầu.
Đối với Kiến An, thư viện này vừa là tình yêu, vừa là nguồn cảm hứng trên con đường thực hiện ước mơ của mình. An nói: "may mắn của cháu là được tiếp xúc với thư viện từ bé, đặc biệt là tiếp xúc với các anh chị đi trước nên bản thân phần nào ảnh hưởng được những điều tích cực từ sách và từ các anh chị ấy."
Thư viện Dương Liễu ở đội 5, thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội.
Lí do chính mà thư viện tồn tại, phát triển
Nhìn lại ngày mới thành lập thư viện, những con số khiêm tốn về lượng sách, về số tình nguyện viên và ít ỏi độc giả, không mấy ai có thể hình dung được thành quả ở thời điểm hiện tại: 10 năm phục vụ, quy mô nhân sự lên đến 100; tổ chức hơn 200 sự kiện; phát hành 3.500 thẻ bạn đọc; có 9.000 lượt mượn sách/năm; sở hữu hơn 10.000 tài liệu...
Đặc biệt, thư viện Dương Liễu là thư viện tư nhân tiên phong trên cả nước, được Vụ Thư viện - Bộ VHTT&DL đánh giá có hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Hơn thế nữa, những giá trị quan trọng khác rất khó đong đếm được như giá trị về mặt tinh thần, nguồn cảm hứng mà các hoạt động từ các bạn trẻ của thư viện Dương Liễu mang lại...
Sự thân thiện, chu đáo, tận tình của các tình nguyện viên tạo tâm lý thoải mái, cho các bạn đọc nhí. Các bạn tìm đến thư viện vừa để đọc, vừa để thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Khi được hỏi, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là gì khi nhắc về hành trình 10 năm của thư viện Dương Liễu, anh Nguyễn Huy Tỉnh – Quản lý thư viện đã nhấn mạnh về hai chữ cộng đồng. Đối với anh, dự án này vì cộng đồng mà sinh ra, tồn tại, phát triển đến nay, và sau nữa cũng là nhờ có cộng đồng và để phụng sự cộng đồng.
Với những đóng góp bền bỉ, thư viện Dương Liễu đã nhận nhiều giải thưởng và bằng khen, sự công nhận từ trung ương tới địa phương. Nhưng đối với các bạn trẻ ở đây, sự công nhận quan trọng nhất là sự cộng nhận và bà con nhân dân. Cũng chính vì lí dó đó mà dự án ra đời, tồn tại, phát triển đến nay.
Anh Nguyễn Huy Tỉnh – Quản lý thư viện, giao lưu, trò chuyện và chia sẻ những hoạt động trải nghiệm cùng các bạn nhỏ tại thư viện Dương Liễu. Anh Tỉnh hiện anh đã có vợ và con nhỏ, bên ngoài anh đang là một lập trình viên.
Trong hơn 10.000 đầu sách ở thư viện thì có tới 80% là đến từ nguồn đóng góp của cộng đồng. Những đầu sách này được nhiều cá nhân, gia đình chủ động mang tới và lấp đầy các giá sách. Chính vì vậy, thư viện rất chú trọng khâu kiểm duyệt. Tất cả sách mà mọi người ủng hộ đểu phải thông qua Ban sách và bạn đọc tiếp nhận, kiểm duyệt, phân loại, dán nhãn thư viện sau đó sắp xếp vào kệ sách phù hợp, đồng thời nhập vào cơ sở dữ liệu.
Được biết, bên cạnh hoạt động đọc sách, thư viện Dương Liễu còn có nhiều chương trình vì cộng đồng hết sức ý nghĩa. Trung bình mỗi năm có hơn 60 hoạt động, có định hướng rõ cho từng nhóm dự án, sau đó các nhóm phụ trách sẽ tự vạch ra kế hoạch và triển khai.
"Từ những năm đầu thành lập tới nay, chúng em tổ chức mỗi năm 2 lần làm bánh để tặng. Tết thì làm bánh chưng, Trung thu thì làm bánh nướng, bánh dẻo để gửi tặng những người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn xã. Quà thì giá trị cũng ít thôi nhưng tập hợp nhau đến nói chuyện với các cụ cao tuổi neo đơn thì các cụ cũng vui lắm", Huy Tỉnh cho biết.
Bên cạnh việc duy trì hoạt động thư viện thì các bạn cũng thường truyền lửa cho nhau thông qua các chương trình dã ngoại, team building, trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng quản lý dự án, các lớp tin học văn phòng...
Tình nguyện viên Nguyễn Khắc Vinh đã 3 năm đóng vai trò thủ thư của thư viện Dương Liễu. Vinh cũng chính là người trưởng thành từ các hoạt động thực tế từ thư viện này. Hiện tại công việc chính bên ngoài của anh là một lập trình viên.
Nhiều tình nguyện viên đến thư viện khi còn rất nhỏ, rồi trưởng thành từ thư viện, đạt được thành tích học tập cao, được ghi nhận ở các trường ĐH, một số bạn được học bổng đi du học nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Mỹ…
Thư viện 10 năm tuổi cũng không ít những câu chuyện đặc biệt, nhưng điều khiến Tỉnh nhớ mãi đó là, có cụ già đạp xe từ mạn Cầu Diễn lên dúi cho anh 100 nghìn đồng để đóng góp cho hoạt động thư viện.
"Đối với chúng em, đó là sự ghi nhận, động viên rất ấm áp để có thêm động lực cống hiến nhiều hơn. Mỗi thành viên chúng em đều có công việc riêng, như em có vợ và con nhỏ, còn các bạn tình nguyện viên khác thì đang đi học nên mỗi người đều phải cố gắng gấp đôi, gấp ba... Chúng em luôn mong đón nhận được sự quan tâm, đồng hành từ cộng đồng", Nguyễn Huy Tỉnh bộc bạch.
Mong muốn của những người thực hiện dự án này, không chỉ dừng lại ở phạm vi thư viện trên địa bàn xã Dương Liễu mà còn lan tỏa ra các xã, huyện khác và trên phạm vi cả nước.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 11/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org