Ông Netanyahu nói trong video đăng tải trên Twitter của Văn phòng thủ tướng Israel: "Chính quyền đó (Iran) đã ra sức kích động thù hận giữa chúng ta (người dân Israel-Iran). Nhưng họ sẽ không thành công. Và đến cuối cùng khi chế độ đó sụp đổ - ngày đó chắc chắn sẽ đến, người dân Iran và Israel sẽ một lần nữa trở thành những người bạn lớn của nhau. Tôi chúc người dân Iran thành công trong nhiệm vụ theo đuổi tự do vĩ đại của họ."
Đồng thời, thủ tướng Israel gọi những cáo buộc của chính phủ tổng thống Iran Hassan Rouhani về việc Israel có vai trò đằng sau các vụ bạo động - hiện đã kéo dài đến ngày thứ sáu - là "nực cười".
"Tôi nghe tổng thống Iran Rouhani cáo buộc Israel đứng sau các vụ biểu tình ở Iran. Khẳng định này không chỉ sai lầm mà còn nực cười... Những người Iran dũng cảm đã tràn xuống đường phố. Họ tìm kiếm tự do. Họ tìm kiếm công lý. Họ tìm kiếm sự độc lập căn bản đã bị khước từ trong hàng thập kỷ," ông Benjamin Netanyahu chỉ trích.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói Israel-Iran sẽ lại làm bạn khi chính quyền Tehran hiện nay sụp đổ (Ảnh: Reuters)
Trước đó cùng ngày, tổng thống Rouhani tuyên bố "những kẻ thù" của Iran "giận dữ trước vinh quang, thành công, và sự phát triển của đất nước Iran, và họ thề sẽ đẩy các rắc rối khu vực vào Iran".
Làn sóng biểu tình nổ ra ở một số thành phố lớn của Iran từ hôm 28/12/2017, bao gồm thủ đô Tehran, Mashhad, Isfahan, và Rasht. Cho đến nay, bạo lực đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng, 450 người đã bị nhà chức trách bắt giữ.
Tờ Jerusalem Post (Israel) bình luận, các diễn biến ở Iran sẽ khiến nước này "xao nhãng" sự tập trung khỏi việc chống lại Mỹ và Israel trong vấn đề Jerusalem, vốn đang là chủ đề nóng tại Trung Đông từ đầu tháng 12, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận thành phố này là thủ đô chính thức của Israel.
Biểu tình chống chính phủ lan rộng ở Iran những ngày cuối năm 2017, đầu 2018
Tổng thống Trump nói "đã đến lúc thay đổi" ở Iran
Cùng ngày 1/1 (giờ địa phương), tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "đã đến lúc thay đổi" ở Iran, đồng thời khẳng định người dân nước này đang "khát" tự do.
"Iran đang lụn bại ở mọi cấp độ, bất chấp thỏa thuận tệ hại mà chính quyền Obama đã ký với họ," ông Trump viết trên Twitter, đề cập thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1, ký kết năm 2015.
"Người dân Iran vĩ đại đã bị kìm hãm trong nhiều năm. Họ khát lương thực và tự do. Bên cạnh quyền con người, sự giàu có của Iran cũng đang bị cướp đi. Đã đến lúc phải thay đổi!" - tổng thống Mỹ gửi thông điệp gay gắt.
Ông Trump bắt đầu lên tiếng trên Twitter từ hồi tuần trước, khi các vụ biểu tình mới nổ ra. Ông nói "cả thế giới đang quan sát [Iran]" và đăng kèm video phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2017.
"Các chế độ áp bức không thể tồn tại mãi mãi, rồi sẽ đến ngày người dân Iran phải đối diện với sự lựa chọn," ông Trump trích dẫn phát ngôn trong bài nói trước LHQ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauer, thì cho biết nước Mỹ "thúc giục các nước cùng công khai ủng hộ" người biểu tình ở Iran.
Chuẩn tướng Iran Massoud Jazayeri (Ảnh: Mehr Agency News)
Iran cảnh cáo Mỹ
Đáp trả ông Trump, tổng thống Iran Rouhani tuyên bố nhà lãnh đạo Mỹ - một người "hoàn toàn chống lại đất nước Iran" - "không có quyền" tỏ ra đồng cảm với làn sóng biểu tình bạo lực.
Chuẩn tướng Massoud Jazayeri, Phó tham mưu trưởng kiêm Phát ngôn viên Các lực lượng vũ trang Iran, nói sự ủng hộ "từ quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ (tức ông Trump) cùng một số chính phủ và truyền thông các thế lực ngạo mạn" đối với những người biểu tình bạo động "cho thấy Mỹ đang âm mưu kích động một cuộc bạo loạn mới ở Iran, nhưng điều này sẽ chẳng mang lại gì ngoài sự mất mặt và thất bại cho những kẻ thù của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)".
Ông Jazayeri cảnh báo quân đội Iran sẽ sử dụng quyền trả đũa các động thái thù địch và khiến các đối thủ phải hối hận.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran, ông Bahram Qassemi thì lên tiếng "người dân Iran không thấy giá trị gì trong các tuyên bố mang tính cơ hội của các quan chức Mỹ và cá nhân ông Trump".
Theo ông Qassemi, "Iran đã theo sát diễn biến về quan hệ đối tác của ông Trump trong việc vi phạm quyền con người của người dân ở Palestine, Yemen và Bahrain" và ghi nhớ cách tiếp cận thù địch của chính quyền ông Trump đối với công dân Iran nhập cảnh vào Mỹ.
Người biểu tình buộc một chiếc khăn màu xanh lá cây - màu biểu tượng của phe đối lập Iran - lên đầu một sĩ quan cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Tehran (Ảnh: AP)
Đồ đạc và phương tiện giao thông bị đốt trên đường phố Iran, khi người biểu tình chống lại lực lượng an ninh (Ảnh: Mehr News Agency)
Ngoài cảnh cáo Mỹ, Tehran cũng chỉ trích các đồng minh của Washington là Anh và Saudi Arabia về việc "kích động" bạo lực leo thang trong các vụ biểu tình tại Iran.
Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani ngày 2/1 cáo buộc một số quốc gia đang khơi mào "chiến tranh đại diện" chống lại nước cộng hòa Hồi giáo thông qua truyền thông xã hội và mạng Internet.
Theo ông, các hasgtag và chiến dịch trên mạng xã hội bày tỏ quan ngại về tình hình ở Iran đã được "dẫn dắt" bởi Mỹ và đồng minh. Ông cho biết, "theo phân tích của chúng tôi, khoảng 27% các hashtag mới chống lại Iran được tạo ra bởi chính phủ Saudi Arabia".
Tuy nhiên, ông Shamkhani khẳng định tình trạng bạo lực ở Iran "sẽ kết thúc trong vài ngày, và không có gì phải lo lắng cả".
Chính phủ Iran nhận được sự ủng hộ từ Nga. Thông cáo của Bộ ngoại giao Nga ngày 2/1 nói rằng "những can thiệp từ bên ngoài [vào nội bộ Iran] có thể gây bất ổn tình hình là điều không thể chấp nhận".