Thủ tướng: "Có những Bí thư Tỉnh ủy uống cà phê để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp "

Hoàng Đan |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thảo luận tại hội nghị không báo cáo thành tích mà phải ngắn gọn, súc tích, trực diện, có số liệu minh chứng rõ ràng.

Không báo cáo thành tích

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương.

Theo Thủ tướng, năm 2016 là một năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một năm thiên tai, nhân tai trong nước diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng...

Dự kiến năm 2016, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách tăng, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD.

Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút hơn 10 triệu khách du lịch... Đạt mục tiêu thu ngân sách Trung ương, đặc biệt các địa phương đã đạt cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại để các đại biểu thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục, như ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô.

Tiếp đó, là thiên tai hạn hán, xâm ngập mặn, lũ lụt nghiêm trọng diễn ra ở mọi miền. Kế đến, sự cố môi trường ở miền Trung do Formosa gây hậu quả nghiêm trọng, kéo giảm 0,3% tăng trưởng. Các dự án nghìn tỷ thua lỗ mất vốn.

Các ngân hàng thương mại yếu kém, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng phải mua lại 0 đồng. Cùng với đó là tình trạng cháy nổ tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng. Nhiều vụ tội phạm nghiêm trọng đặc biệt xảy ra. 

Có sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Hậu Giang hiện đang bỏ trốn và bị truy nã đỏ quốc tế).

Xếp hạng quốc tế năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc trong khi môi trường kinh tế tăng 9 bậc.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thảo luận tại hội nghị phải ngắn gọn, súc tích, trực diện, có các số liệu minh chứng rõ ràng; không nêu vấn đề một cách chung chung.

"Mỗi bộ, ngành báo cáo không quá 15 phút, địa phương không quá 10 phút, không báo cáo thành tích mà tập trung đi vào làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, phương pháp làm việc, cách thức chỉ đạo.

Tập trung sâu vào phân tích, đánh giá sát bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị, các đại biểu quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước, Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều thông báo của Bí thư, Chủ tịch nhưng cấp dưới chỉ "vâng, dạ chứ có làm đâu"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, trong tinh thần tái cơ cấu, nếu không có người chỉ huy tái cơ cấu ở địa phương thì chúng ta tiếp tục chững lại, do đó, các địa phương có ý kiến thêm.

Về hỗ trợ DN, Thủ tướng cho hay, đã có nhiều tấm gương tốt tạo niềm tin cho thị trường... nên đã đạt con số hơn 110.000 doanh nghiệp. 

 Tuy nhiên, ở Na Uy, Thuỵ Điển cứ 5- 6 người dân đã có 1 doanh nghiệp, trong khi ở Việt Nam 150 người mới có 1 doanh nghiệp. 

"Muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công thì vấn đề doanh nghiệp, dịch vụ mạnh là quan trọng. Có những Bí thư Tỉnh ủy uống cà phê để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp nói chuyện nhưng phải trả tiền chứ không phải để doanh nghiệp trả. Hay có những đồng chí Chủ tịch chiều thứ 6 gặp doanh nghiệp để xem vướng mắc gì. 

Ở đây, nếu doanh nghiệp không phát triển, không sản xuất được thì không thể tái cơ cấu, kinh tế không phát triển", Thủ tướng nêu. 

Thủ tướng cũng chia sẻ, ông từng làm 5 khoá Tỉnh uỷ của địa phương nên thấy rõ, nhiều thông báo của Bí thư, Chủ tịch nhưng cấp dưới chỉ "vâng, dạ chứ có làm đâu". 

"Qua kiểm tra của Tổ công tác, trong 10.205 nhiệm vụ đã được giao thì cơ bản đã hoàn thành... quá hạn chỉ có 182 nhiệm vụ, chiếm 2,2% thì đây là điều đáng mừng, thể hiện kỷ cương phép nước. 

Tuy nhiên, nhiều việc ở trên nói nhưng chưa chắc bên dưới đã làm tốt nên tuỳ tình hình, cấp Bộ, địa phương có thể thành lập các tổ công tác để tổ chức thực hiện cho tốt. Khâu yếu vẫn là hành đông nên làm sao nói phải đi đôi với làm", Thủ tướng nêu ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại