Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản "bóp nghẹt" Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn?

Hải Võ |

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất trong 26 năm cầm quyền của ông.

Thủ lĩnh đối lập Belarus gặp Thứ trưởng Mỹ

Phe đối lập Belarus cáo buộc Lukashenko gian lận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8 trước nữ đối thủ Svetlana Tikhanovskaya. Ông Lukashenko đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp với 80.23% phiếu bầu giành được.

Phe đối lập đã tẩy chay kết quả, và biểu tình chống chính phủ nổ ra ngay sau ngày bầu cử. Các cuộc biểu tình kéo dài liên tục đến nay, với quy mô được cho là có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 24/8 đã có cuộc gặp với bà Tikhanovskaya tại Lithuania. Thông cáo của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, ông Biegun khẳng định cam kết của Mỹ "đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus, cũng như quyền chủ quyền của người dân nước này để chọn ra các lãnh đạo cho chính mình và tự xác định tương lai của mình".

Ông Biegun cũng gặp gỡ Ngoại trưởng Linas Linkevicius, Bộ trưởng quốc phòng Raimundas Karoblis, cùng các quan chức khác của Lithuania để "thảo luận tình hình ở Belarus, chống lại các mối đe dọa do Nga và Trung Quốc gây ra".

Theo lịch trình, ông Biegun công du Nga, Lithuania và Ukraine trong thời gian 24-27/8.

Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản bóp nghẹt Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn? - Ảnh 1.

Thủ lĩnh phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya, người đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 trước ông Lukashenko (Ảnh: AP)

Kịch bản "Ukraine 2.0" để chèn ép không gian chiến lược của Nga?

Một số video lan truyền mạnh mẽ mới đây ghi lại cảnh Tổng thống Lukashenko ngày 23/8 ngồi trên máy bay trực thăng bay qua đám đông biểu tình để tới phủ tổng thống ở Minsk. Ông mặc áo giáp chống đạn và mang theo một khẩu súng trường. Những hình ảnh mới này làm gia tăng ấn tượng về căng thẳng diễn ra tại Belarus.

Một kịch bản tương tự, khi phe đối lập từ chối thừa nhận bị đánh bại trong bầu cử, từng xảy ra ở nước láng giềng Ukraine và diễn biến thành "cách mạng màu" vào tháng 2/2014, khiến Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ và phải lưu vong tới Nga.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nói rằng các nước phương Tây mong muốn phe đối lập Belarus có thể "lật đổ" ông Lukashenko - đồng minh thân cận của Nga. Mỹ đã áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Belarus, và đối phương Tây thì việc hạ bệ ông Lukashenko đồng nghĩa với một đòn đả kích mạnh nhằm vào Nga.

Belarus được coi là "tấm lá chắn" cuối cùng của Nga. 80% dân số Belarus theo Chính thống giáo của Nga. Khác với Ukraine - nơi phần lớn người dân theo Công giáo, tầm ảnh hưởng của Nga có thể được duy trì tốt hơn tại Belarus nhằm chống lại nỗ lực "đổi màu" của phương Tây.

Tình trạng hỗn loạn ở Belarus bắt nguồn từ những nhân tố cả trong và ngoài nước, nhưng dường như mang đặc trưng của cuộc chơi giữa các nước lớn - một "mẫu số chung" trong các sự vụ nhạy cảm ở Trung và Đông Âu.

Theo Hoàn Cầu, lịch sử châu Âu cho thấy khi một nước nhỏ trở thành trọng tâm trong đấu tranh quyền lực giữa các nước lớn, và quan điểm trong nước bị chia rẽ, thì quốc gia đó thường rơi vào bi kịch. Những kịch bản như thế đã xảy ra điển hình ở Ukraine, Bosnia & Herzegovina.

Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản bóp nghẹt Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn? - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động Belarus phong tỏa khu vực Quảng trường Độc lập ở Minsk, nơi người biểu tình tập trung ngày 23/8/2020. Hơn 100.000 người được cho là đã tham gia cuộc tuần hành yêu cầu ông Lukashenko từ chức (Ảnh: AP Photo/Dmitri Lovetsky)

Belarus và Nga có các liên hệ lịch sử lâu dài nhờ sự gắn kết trong ngôn ngữ và văn hóa. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Cộng đồng Nga-Belarus được thành lập tháng 4/1996 và được củng cố vào tháng 4/1997 bằng Hiệp ước về liên minh giữa Belarus và Nga.

Phương hướng chính trị ở Belarus từng rất rõ ràng khi hướng về Nga. Nhưng sau khi các cựu thành viên Khối Warszawa và cả 3 quốc gia vùng Baltic gia nhập NATO, Belarus đã trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa các thế lực. Khi phương Tây - đứng đầu là Mỹ - tìm cách siết chặt không gian chiến lược của Nga, thì sự tập trung đổ về Belarus.

Hoàn Cầu bình luận, nếu Belarus không thể tiến tới thỏa hiệp giữa các bên trong những vấn đề chính trị nội bộ và tự mình giải quyết khủng hoảng, hoặc nếu chia rẽ về chính trị trở nên sâu sắc hơn, thì nước này nhiều khả năng sẽ bị biến thành "chiến trường" giữa Nga và phương Tây.

Ngay cả khi quan điểm ủng hộ Nga không thể chiếm đại đa số ở Belarus thì lập trường ngả về phương Tây cũng khó có khả năng trở nên mạnh mẽ. Khó có thể khiến số đông người dân Belarus quay lưng với Nga về lâu dài và giúp phương Tây "bóp nghẹt" Nga.

Ukraine là ví dụ phù hợp nhất để so sánh với Belarus, khi cả hai nước đều từng thuộc Liên Xô cũ. Cả hai là những nước cộng hòa tương đối phát triển vào thời điểm đó, và Ukraine thậm chí còn lớn mạnh hơn Belarus. Ukraine là một trong những nước đầu tiên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trải qua cách mạng màu, đến nay GDP bình quân đầu người của họ chỉ bằng khoảng một nửa của Belarus - theo Hoàn Cầu.

Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản bóp nghẹt Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn? - Ảnh 3.

(Ảnh: AP)

Nga ủng hộ ý tưởng sửa đổi Hiến pháp Belarus

Trong khi các cuộc biểu tình ở Belarus tiếp diễn, Nga tin rằng tình hình tại nước láng giềng trên thực tế đang bình thường hóa một cách rõ rệt.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/8 nói: "Tôi tin rằng những tín hiệu rõ ràng về tình hình trở nên bình thường là quan trọng. Tôi cũng hiểu rằng không phải ai cũng thích điều đó và có những người muốn diễn biến ôn hòa, bình thường của những sự kiện tại Belarus phát triển thành bạo lực, đổ máu và biến thành một kịch bản Ukraine thứ hai."

Ông Lavrov khẳng định người Belarus có đủ khả năng để tự xử lý tình hình trong nước, và điều quan trọng là ngăn chặn những thách thức.

"Cách tiếp cận của chúng tôi rất đơn giản: Đây là công việc nội bộ của Belarus," ông nói, bổ sung rằng Moskva không phản đối bất kỳ quyết định nào của ban lãnh đạo Belarus trong đối thoại với người dân.

"Nhưng khi phương Tây nói rằng chỉ có sự hòa giải với sự tham gia của các nước phương Tây mới là hiệu quả, thì tất nhiên mọi người vẫn còn những ký ức mới mẻ về chuyện đã diễn ra tại Ukraine khi sự dàn xếp của phương Tây làm cho các đối tác tương ứng của chúng tôi không thể tuân thủ đầy đủ cam kết của họ," Ngoại trưởng Nga nêu.

Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản bóp nghẹt Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn? - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei (Ảnh: Belta)

Hãng thông tấn Belta của Belarus đưa tin, ông Lavrov cũng tỏ thái độ tích cực đối với sáng kiến sửa đổi hiến pháp mà Tổng thống Lukashenko đưa ra. Ông cho rằng con đường này "có nhiều hứa hẹn".

Ngày 24/8, ông Lavrov điện đàm với đồng cấp Belarus Vladimir Makei, trao đổi về quan hệ hợp tác song phương và triển vọng mở cửa lại biên giới hai nước - vốn bị đóng lại do dịch Covid-19 hoành hành.

"Ông Sergei Lavrov kiên quyết lên án những ý định can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Belarus, và bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với chủ quyền và độc lập của Belarus," thông cáo của Bộ ngoại giao Belarus nêu.

Trước đó, Tổng thống Belarus nhấn mạnh ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực và sửa đổi Hiến pháp, cũng như tổ chức bầu cử tổng thống mới sau khi Hiến pháp mới được thông qua. Nhưng ông tuyên bố sẽ không tổ chức bầu cử lại dưới sức ép của người biểu tình.

Thứ trưởng Mỹ gặp thủ lĩnh đối lập Belarus, kịch bản bóp nghẹt Nga tái hiện: Tấn bi kịch mở màn? - Ảnh 5.

Tổng thống Belarus Lukashenko điện đàm với Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Tass/Belta)

Cử chỉ ngầm ủng hộ từ Nga

Cùng ngày 24, ông Lukashenko đã điện đàm với đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo thông cáo của Belta, "hai vị tổng thống trao đổi về tình hình ở nước ta và xung quanh, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây [can thiệp]".

Trong động thái được cho là thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ của ông Lukashenko, Nga đã nhất trí để Belarus trở thành nước đầu tiên được cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 do Nga phát triển.

"Hai lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề về chiến đấu chống dịch Covid-19 lây lan. Hai tổng thống nhất trí rằng các công dân Belarus sẽ tình nguyện tham gia vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 của vắc-xin ngừa Covid-19 do Nga sản xuất. Belarus sẽ là nước đầu tiên được cung cấp vắc-xin này," Belta nêu.

Tính đến ngày 24, giữa ông Putin và ông Lukashenko đã có 4 cuộc điện đàm xoay quanh diễn biến ở Belarus. Chủ đề này cũng được nêu ra trong các cuộc gọi của ông Putin với đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

Bên cạnh trở thành nước đầu tiên được nhận vắc-xin của Nga, một động thái khác cũng được cho là cử chỉ ủng hộ từ Moskva tới Minsk, khi quân đội Belarus cùng doanh nghiệp quốc phòng nhà nước Nga Almaz-Antey ngày 24/8 ký kết bản lịch trình bàn giao các hệ thống phòng không hiện đại cho Belarus đến năm 2025. Thỏa thuận được ký tại Diễn đàn Army-2020 ở Nga.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại