Thứ quý giá hơn cả áo chống đạn của lính Mỹ trên chiến trường VN

Quyết Thắng |

Ngay cả những thứ liên quan đến tính mạng như áo chống đạn, mặt nạ phòng độc… lính Mỹ cũng sẵn sàng bỏ lại. Song, tấm Poncho luôn là vật "bất ly thân" đối với họ.

Poncho – nét đặc trưng của Bắc Mỹ

Miền Nam Việt Nam là vùng có khí hậu tương đối đặc biệt, có đến nửa năm là nắng cháy như đổ lửa, nửa năm còn lại triền miên những cơn mưa.

Trong khi bộ đội Việt Nam đã quen với khí hậu của đất nước, làm bạn với những chiếc áo tơi bằng lá cọ mỗi khi trời mưa, thì lính Mỹ lại gặp không ít khó khăn.

Để đối phó với gần nửa năm mùa mưa ở miền Nam Việt Nam, áo mưa là vật dụng quan trọng hàng đầu mà lính Mỹ được trang bị. Chúng gồm khá nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau.

Loại thứ nhất là áo mưa bộ, chủ yếu màu rằn-ri, trong đó áo và quần rời nhau. Loại này thường ít được sử dụng bởi mặc dù dễ dàng khi di chuyển nhưng lại bất tiện khi mặc, hơn nữa nó ít công dụng hơn hẳn loại thứ hai.

Lính Mỹ sớm được trang bị áo mưa để đối phó với những cơn mưa triền miên ở miền nam Việt Nam.
Lính Mỹ sớm được trang bị áo mưa để đối phó với những cơn mưa triền miên ở miền nam Việt Nam.

Được dùng chủ yếu chính là áo mưa cánh dơi, bao gồm cả màu oliu và rằn-ri, còn được gọi ngắn gọn là Poncho.

Đây là loại áo mưa được sử dụng đầu tiên trên thế giới vào năm 1850 bởi người Mỹ, nó mang nét đặc trưng của vùng đất Bắc Mỹ. Nhờ sự tiện lợi và chất lượng vượt trội mà chúng còn được sử dụng trong quân đội của rất nhiều nước như Tây Ban Nha, Đức….

Sự cải tiến rõ rệt nhất của những tấm poncho bắt đầu từ chiến tranh thế giới thứ II.

Vào thời điểm này, vật liệu làm poncho đã được nghiên cứu thành công và được thay thế bởi chất liệu hoàn toàn mới, nhẹ và bền hơn nhiều. Từ đó đến nay, hầu như không có sự thay đổi nào nữa.

Về hình dáng chúng khá đơn giản, mỗi chiếc áo mưa là một tấm nylon hình chữ nhật, khoét lỗ tròn ở giữa để chui đầu, có thể có mũ, có thể không.

Dọc hai bên có những khuy bấm để luồn tay. Nhìn chung nó khá giống với áo mưa cánh dơi hiện nay chúng ta thường dùng.

Tất cả được làm bằng nylon loại đặc biệt, siêu bền và không hề thấm nước. Chất liệu này được nhà sản xuất hết sức đầu tư bởi nó cần phải chịu đựng được những cơn mưa nặng hạt kéo dài ngày này qua ngày khác.


Lính Mỹ khoác một tấm poncho trong chiến tranh Việt Nam

Lính Mỹ khoác một tấm poncho trong chiến tranh Việt Nam

Quý hơn cả áo chống đạn

Ngoài nhiệm vụ cơ bản ban đầu là che mưa, những tấm poncho còn được lính Mỹ sử dụng với nhiều mục đích khác được tính toán từ trước, có lẽ chúng ta sẽ không thể ngờ tới.

Đầu tiên phải kể đến tác dụng làm phao. Khi vượt sông, lính Mỹ gói tất cả ba lô, quân trang quân dụng, cột túm lại bởi chiếc áo mưa, vậy là họ có một cái phao an toàn khi vượt sông mà lại bảo vệ được những vật dụng không bị ngấm nước.

Tuy nhiên hiếm khi khi lính Mỹ phải khổ sở vượt sông theo cách này, bởi là đội quân "nhà giàu" thì không thiếu trực thăng, xe lội nước,.. hỗ trợ.

Khi hành quân, những vật dụng được trang bị lính của lính Mỹ rất nặng, tầm trên dưới 20kg, do đó thường bỏ lại những thứ vừa nặng lại vướng víu. Thậm chí những thứ liên quan đến tính mạng như áo chống đạn, mặt nạ phòng độc… họ cũng sẵn sàng bỏ lại.

Song, tấm Poncho luôn là thứ được ưu tiên bởi sự đa năng của nó.

Nếu muốn nghỉ ngơi, lính Mỹ thường cùng nhau dựng những túp lều mini. Họ dùng một tấm poncho trải ra làm chiếu, hai tấm căng lên qua một dây dù ở giữa để làm mái che.

Cứ ba người một nhóm, như vậy đã là rất ổn mỗi khi cần chợp mắt, dù trời mưa hay nắng cũng không hề gì.


Một căn lều dã chiến sử dụng poncho của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Một căn lều dã chiến sử dụng poncho của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Thậm chí trong lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi, mỗi người cũng có thể tự tạo ra một túi ngủ bằng cách nằm nghiêng, trùm kín mũ áo lên đầu. Một cách khác nữa là úp chiếc mũ sắt lên mặt và ngủ mà không lo bị ướt.

Cảm giác nằm trong một chiếc áo mưa vừa ngủ vừa nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên người nơi chiến trường rất khác lạ và đủ nói lên sự khốc liệt của chiến tranh.

Khung cảnh trời mưa tầm tã, tự bản thân nó đã khơi gợi lính Mỹ hoài niệm về nhiều thứ và trong đó có cảnh được ngủ trên những chiếc giường đệm trắng muốt ở nước Mỹ xa xôi.


Khung cảnh mưa tầm tã trong cuộc chiến khốc liệt khiến lính Mỹ nhớ về đất nước xa xôi

Khung cảnh mưa tầm tã trong cuộc chiến khốc liệt khiến lính Mỹ nhớ về đất nước xa xôi

Một cách nghỉ ngơi nữa không thể không kể đến của tấm poncho là chỉ cần hai đoạn dây dù buộc hai đầu, lính Mỹ đã có một chiếc võng êm ái, rất dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Một tác dụng nữa của Poncho để chứng minh rằng người Mỹ rất cẩn trọng tính toán, đó là khi đi vào những vùng khan hiếm hoặc không có nước, người lính sẽ đào một cái hố, phủ Poncho lên trên tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm.

Nếu may mắn có một cơn mưa nhỏ, họ sẽ có được một lượng nước đáng kể vào sáng mai. Ở một nơi xa lạ, không dám tùy tiện uống nước suối đẫm chất hóa học thì đây được coi là một giải pháp cực kỳ hữu ích và quan trọng.

Nói như vậy để thấy Poncho đã trở thành một vật bất ly thân đối với mỗi người lính Mỹ, theo họ trên suốt chặng đường của cuộc chiến tranh.

Trong quân đội Mỹ, tấm poncho vẫn tiếp tục được sử dụng và đóng vai trò quan trọng, kiểu dáng của nó không thay đổi nhiều so với thời chiến tranh Việt Nam bởi đây là một thiết kế khá hoàn hảo.

Bộ đội Việt Nam đôi khi cũng thu được những tấm poncho làm chiến lợi phẩm để sử dụng nhưng không thực sự nhiều.

Ngày nay có khá nhiều nơi rao bán poncho-vật dụng của lính Mỹ tại Việt Nam với lời mời hấp dẫn áo mưa “siêu xịn siêu bền” nhưng hầu như đều rất đắt đỏ, tính ra tiền triệu mới mua được.


Một tấm poncho rằn-ri được rao bán trên mạng giá gần 2 triệu đồng.

Một tấm poncho rằn-ri được rao bán trên mạng giá gần 2 triệu đồng.

Hiện tại bộ đội Việt Nam cũng có loại áo mưa tương tự như Poncho được trang bị và cũng dùng để làm phao, làm lều dã chiến…

Poncho còn là cảm hứng để các nhà thiết kế tạo nên các bộ trang phục thời trang. Rất dễ dàng để tìm kiếm một tấm áo kiểu dáng poncho. Chúng đều dược lấy cảm hứng từ Poncho xưa những với những chất liệu khác như len, sợi…


Bộ đội Việt Nam huấn luyện vượt sông

Bộ đội Việt Nam huấn luyện vượt sông

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại