Hôm 27/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu của mình đã thông báo nước này “trở thành một cường quốc không gian” khi phóng thành công một tên lửa đạn đạo nội địa lên độ cao 300km để bắn hạ một vệ tinh quay quanh Trái đất.
Thông báo trước thềm cuộc tổng tuyển cử này được đánh giá là nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn đến các đối thủ hạt nhân của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan, cũng như thay đổi tính toán chiến lược ở châu Á khi Ấn Độ có được khả năng bắn hạ vệ tinh của kẻ thù.
Bước phát triển này cho thấy Ấn Độ, từ lâu đã gặp nhiều vấn đề về công nghệ vũ khí lạc hậu và mua sắm quốc phòng, đang tiến gần hơn đến ngưỡng phát triển của Trung Quốc, Nga và Mỹ bằng năng lực cản phá mạng lưới thông tin liên lạc của kẻ thù.
Diễn biến này xuất hiện vài tuần sau khi Ấn Độ trải qua một cuộc đụng độ quân sự với kẻ thù lâu đời Pakistan ở Kashmir, vùng đất tranh chấp mà Trung Quốc cũng có đòi hỏi chủ quyền.
“Về cơ bản, Ấn Độ đang nói rằng chúng tôi là một cường quốc quân sự mạnh, dù không nói cụ về ai, nhưng đó là thông điệp gửi tới tất cả đối thủ của Ấn Độ”, Bloomberg dẫn lời ông Ajey Lele, một sĩ quan không quân Ấn Độ nghỉ hưu đang công tác tại viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
“Nếu ai đó muốn làm gì vệ tinh của chúng tôi, chúng tôi có khả năng làm điều này với vệ tinh của họ”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói trong một tuyên bố rằng New Delhi không tham gia chạy đua vũ trang, nhưng khẳng định “với cuộc thử nghiệm này, Ấn Độ gia nhập nhóm ít ỏi các nước mạnh về công nghệ vũ trụ gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc”.
“Trung Quốc rõ ràng là một phần trong tính toán này”, ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, giám đốc sáng kiến về chính sách vũ trụ và hạt nhân tại Quỹ nghiên cứu quan sát viên tại New Delhi, nhận định.
Ông nói rằng cuộc thử nghiệm tương tự của Trung Quốc vào năm 2007 đã trở thành “hồi chuông cảnh tỉnh lớn” đối với Ấn Độ. “Nó có khả năng răn đe, và rõ ràng là thứ Trung Quốc đi trước mà Ấn Độ muốn đuổi kịp”, ông nói.
Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc căng thẳng từ lâu do nhiều tranh chấp biên giới, và càng căng thẳng hơn trong những năm gần đây khi hai nước cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. Bắc Kinh đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế và quân sự với Islamabad, khiến New Delhi tăng cường quan hệ với Washington.