Thông điệp Nga gửi tới Ukraine và phương Tây sau quyết định rút quân khỏi biên giới

Hoàng Phạm |

Tổng thống Nga Putin có thể đã ra lệnh rút các binh sỹ khỏi khu vực biên giới ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng không có gì có thể ngăn Moscow lặp lại chiến thuật này bất cứ khi nào cần thiết.

Lính dù Nga lên máy bay vận tải quân sự ở Taganrog, gần biên giới Ukraine hôm 22/4. Ảnh: Reuters

Lính dù Nga lên máy bay vận tải quân sự ở Taganrog, gần biên giới Ukraine hôm 22/4. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 22/4 tuyên bố các binh sỹ nước này sẽ rút khỏi các vị trí gần biên giới với Ukraine và trở lại căn cứ thường xuyên.

Nếu được thực hiện hoàn toàn, động thái rút binh sỹ này sẽ giúp hạ nhiệt tình hình sau nhiều tuần căng thẳng leo. Trước đó, việc Nga điều động số lượng lớn binh sỹ và khí tài tới gần biên giới với Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về sự leo thang nguy hiểm giữa 2 nước.

Nga đã leo thang tới mức cần thiết và đã đến lúc cần hạ nhiệt

Dù Ukraine và các nước phương Tây có thể “thở phào” với quyết định của Nga, nhưng các nhà quan sát cho rằng, chiến thuật gây sức ép từ Nga nhằm vào Ukraine vẫn chưa kết thúc.

Dù trước mắt, nguy cơ tiềm tàng về một chiến dịch quy mô lớn của Nga đã có thể tránh được, nhưng sự leo thang kịch tính vẫn còn hiện hữu. Crimea và khu vực Donbass ở miền Đông Ukriane vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của Nga.

Hiện vẫn chưa rõ tuyên bố rút quân của Nga có áp dụng với toàn bộ lực lượng đã điều đồng tới biên giới Ukraine hay không.

Phát biểu tại Brussels đầu tuần này, Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell nói rằng Nga triển khai hơn 100.000 binh sỹ cùng với một loạt khí tài quân sự hiện đại tới biên giới Ukraine. Con số này tương tự với những đánh giá chung giữa Mỹ và Ukraine.

Theo ông Alexander Baunov, chuyên gia tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Moscow Center, tuyên bố rút quân được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nga cảnh báo phương Tây không vượt qua “lằn ranh đỏ” cho thấy Điện Kremlin hiểu rằng “họ đã leo thang căng thẳng tới mức cần thiết” và đã đến lúc cần hạ nhiệt để xem xét đề nghị của Mỹ và Ukraine khi lãnh đạo của cả 2 nước này đều bày tỏ muốn có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin.

Ukraine không thể mãi trông chờ vào phương Tây

Ở giai đoạn này, cuộc khủng hoảng có vẻ như đã mang lại một số điểm tích cực cho Ukraine. Với mặt trận trong nước, Tổng thống Zelensky đã có cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều nhất kể từ khi đắc cử cách đây 2 năm.

Ông Zelensky trực tiếp tới tiền tuyến ở miền Đông Ukraine, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông cũng phát đi thông điệp “đừng hoảng sợ” tới các phương tiện truyền thông quốc tế, có bài phát biểu đầy ấn tượng trước người dân Ukraine, bao gồm cả thông điệp đáng chú ý gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Không thể mang lại hòa bình trên một chiếc xe tăng”.

Ukraine cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây. Trong các cuộc điện đàm với cả phía Ukraine và Nga, Mỹ đã bày tỏ ủng hộ chủ quyền của Ukraine và sự sẵn sàng khiến Điện Kremlin phải trả giá. Một loạt nước phương Tây khác cũng lên tiếng cảnh báo về các hành động của Nga.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Nga điều động lực lượng tới biên giới một phần là vì muốn đo lường mức độ cam kết của cộng đồng quốc tế đối với Ukraine.

Theo Nghị sỹ Ukraine Oleksiy Goncharenko, nếu mục đích của Nga là như vậy, “Ông Putin đã nhận được tín hiệu rất rõ ràng rằng cộng đồng quốc tế đứng về phía Ukraine”.

Nói như vậy nhưng Ukraine vẫn ở trong tình thế nguy hiểm về an ninh. Dù nhận được các tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ, nhưng không có bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về hỗ trợ quân sự trực tiếp của phương Tây đối với Kiev. Trong khi đó, những lời kêu gọi ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ của Ukraine về việc để nước sớm trở thành thành viên NATO đã bị phớt lờ.

Cũng chính vì thế, người Ukraine không ảo tưởng về sự hỗ trợ của quốc tế đối với nước này. Thay vào đó, có sự thừa nhận rộng rãi rằng, dù Ukraine có thể sẽ nhận được nhiều vũ khí hơn và có khả năng tiếp cận thông tin tình báo quan trọng trong trường hợp căng thẳng leo thang, thì nước này cuối cùng sẽ vẫn đơn độc khi đối mặt với “gã khổng lồ” như Nga.

Nga mới là bên quyết định “cuộc chơi”?

Những căng thẳng địa chính trị gia tăng gần đây cũng cho phép Nga đạt được một số mục tiêu chiến lược. Nga có thể phô diễn sức mạnh quân sự trên trường quốc tế, trong khi Tổng thống Putin nhận được một lời mời thượng đỉnh từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Những điều này góp phần giúp củng cố thế siêu cường vốn đang mờ nhạt của Moscow.

Quan trọng hơn cả, có lẽ là việc Điện Kremlin đã chứng tỏ khả năng nắm bắt cuộc chơi, có thể làm leo thang hay hạ nhiệt một cuộc chiến hỗn hợp nhằm vào Ukraine theo ý muốn.

Thông điệp gửi đến Ukraine và các đối tác phương Tây của Kiev rất rõ ràng: Nga không loại trừ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và có thể sử dụng vũ lực nếu không có những nhượng bộ cần thiết.

Tổng thống Nga Putin có thể đã ra lệnh rút các binh sỹ khỏi khu vực biên giới ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng không có gì có thể ngăn Moscow lặp lại chiến thuật này bất cứ khi nào cần thiết.

Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các lực lượng ở miền Đông Ukraine và mong đợi chính quyền Ukraine chấp nhận các điều khoản hòa bình.

Sau quyết định rút quân, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ chỉ sẵn sàng thảo luận về hòa bình với người đồng cấp Ukraine nếu ông Zelensky bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với các lực lượng ở miền Đông Ukraine trước tiên.

Tuy nhiên, Kiev hiểu rất rõ rằng, bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy đều sẽ đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa các lực lượng mà Nga hậu thuẫn và đặt một quả bom hẹn giờ dưới chế độ nhà nước Ukraine.

Những căng thẳng gia tăng trong vài tuần qua cũng giống như một lời nhắc nhở rằng căng thẳng Nga-Ukraine vẫn là vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea 7 năm trước, căng thẳng giữa 2 nước từng thuộc Liên Xô đã trở thành yếu tố trung tâm thúc đẩy mối quan hệ quốc tế xấu đi đáng kể mà nhiều người cho là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Với việc các nước phương Tây không muốn bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cách duy nhất để vượt ra khỏi vòng xoáy căng thẳng hiện nay là tăng cường hỏa lực phòng thủ cho Kiev. Điều này sẽ không làm kết thúc căng thẳng Nga-Ukraine, nhưng nó sẽ đưa cuộc đối đầu từ sự khó lường nguy hiểm của giai đoạn nóng hiện nay sang một cuộc xung đột “lạnh” dễ kiểm soát hơn.

Theo nhà phân tích Peter Dickinson của Hội đồng Atlantic, Tổng thống Putin có thể tin rằng sự hội nhập thành công của Ukraine vào thế giới phương Tây sẽ thúc đẩy mong muốn về một quá trình chuyển đổi tương tự bên trong chính nước Nga.

Nhìn từ góc độ này, không có gì ngạc nhiên khi Nga muốn xây dựng một chính sách đối ngoại nhằm gây bất ổn, bất lợi cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại