Theo CNN, nếu những tuyên bố do Triều Tiên đưa ra trên các phương tiện truyền thông là đúng sự thật và tại một thời điểm nào đó nước này có thể triển khai vũ khí siêu thanh, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh ở châu Á.
Sau vụ thử vũ khí siêu thanh lần đầu tiên vào năm 2021 và lần thứ hai vừa qua của Triều Tiên, các nhà phân tích đã đưa ra những ý kiến thận trọng hơn.
"Một tên lửa siêu thanh có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, kết hợp với đầu đạn hạt nhân sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi", Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết sau khi Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa siêu thanh vào năm 2021.
Triều Tiên phóng thử tên lửa siêu thanh hôm 5/1. Ảnh: KCNA
Sau lần thử vũ khí siêu thanh thứ hai của Triều Tiên, Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong (Hàn Quốc), cho biết sẽ cần thêm thời gian và cải tiến trước khi Bình Nhưỡng có thể triển khai vũ khí siêu thanh.
"Triều Tiên sẽ cần ít nhất 2 hoặc 3 lần phóng thử nữa trong tương lai để hoàn thành tên lửa siêu thanh", ông Cheong Seong-chang nói.
Những nước nào có thể triển khai vũ khí siêu thanh?
Vũ khí siêu thanh hiện có hai loại chính là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh và phương tiện lướt siêu thanh (HGV).
Theo các chuyên gia, về lý thuyết, HGV có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và có thể rất linh hoạt khi bay, khiến chúng gần như không thể bị bắn hạ.
Một báo cáo từ Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS) cho biết, vũ khí này có thể sử dụng các thiết bị định vị bên trong để điều chỉnh hành trình và nhắm trúng mục tiêu khi đang di chuyển với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh.
Chỉ có hai quốc gia là Nga và Trung Quốc được cho là có khả năng triển khai tên lửa siêu thanh.
Tháng 12/2019, Nga cho biết hệ thống tên lửa siêu thanh của họ, được gọi là Avangard, đã đi vào hoạt động. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đã gọi hệ thống Avangard là "thứ bất khả xâm phạm" đối với hệ thống phòng không của phương Tây.
Vào tháng 1/2020, ông Putin đã giám sát các cuộc thử nghiệm hệ thống siêu thanh thứ hai, được gọi là Kinzhal, tại khu vực ngoài khơi Crimea. Đến tháng 11/2021, Nga cho biết đã thử thành công tên lửa siêu thanh Zircon.
Theo quân đội Mỹ, vào tháng 8, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh.
"Họ đã phóng một tên lửa tầm xa. Tên lửa đi vòng quanh thế giới, sau đó thả một phương tiện siêu thanh bay trở lại về tận Trung Quốc, tác động lên mục tiêu ở Trung Quốc", John Hyten, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin cho rằng họ thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, thay vào đó chỉ thực hiện phóng thử thiết bị thông thường.
Theo một báo cáo từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) vào năm 2021, Mỹ đang nghiên cứu 8 loại vũ khí siêu thanh. Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí siêu thanh.
Vì sao Triều Tiên thử tên lửa siêu thanh lại gây lo ngại?
Triều Tiên tuyên bố đã thử một tên lửa siêu thành hôm 5/1 và công bố hình ảnh về vụ thử nghiệm vào ngày 6/1.
"Tên lửa này mang theo một phương tiện tuần tra cơ động, hay còn gọi là MaRV. Triều Tiên gọi nó là ‘siêu thanh’. Điều này không sai, nhưng cần phải nói rõ, điều đó không có nghĩa đây là một loại vũ khí mới", Joshua Pollack, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, cho biết
"Việc chúng ta phân loại nó là HGV hay MaRV vẫn chưa được xác nhận", Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu về phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.
MaRV về cơ bản là một đầu đạn tên lửa có thể thay đổi đường bay sau khi quay trở lại bầu khí quyển và đã tách khỏi tên lửa.
Theo bản tin ngày 6/1 của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, vụ thử nghiệm khẳng định khả năng kiểm soát bay và độ ổn định của tên lửa trong giai đoạn bay chủ động, đánh giá hiệu suất của kỹ thuật chuyển động ngang mới được áp dụng cho đầu đạn lướt siêu vượt âm tách rời.
"Được tách ra sau khi phóng, tên lửa đã di chuyển theo chiều ngang 120km trong cự ly bay của đầu đạn siêu thanh từ phương vị phóng ban đầu đến phương vị mục tiêu và đánh trúng mục tiêu đã định cách đó 700km", KCNA cho biết thêm.
Kim Dong-yub, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng Triều Tiên đã thử nghiệm một đầu đạn có thể "di chuyển lên xuống nhiều lần giống như một chiếc tàu lượn, và bay sang trái và phải trong một khoảng cách đáng kể, nhưng vẫn tiếp cận mục tiêu một cách chính xác".
"Những tuyên bố về khả năng thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Triều Tiên vẫn có ý nghĩa và điều này có thể đặt ra thêm thách thức cho các hệ thống phòng thủ tên lửa", nhà phân tích Dempsey cho hay.
Triều Tiên đang thể hiện họ phải phát triển các biện pháp răn đe quân sự đối với những gì họ coi là động thái gây hấn.
Ông Cheong Seong-chang cho biết, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không trực tiếp quan sát vụ thử nghiệm hôm 5/1 cho thấy, Bình Nhưỡng muốn coi đây là một phần của quá trình phát triển hệ thống phòng thủ quân sự thông thường.
"Vụ thử tên lửa là thử nghiệm được tiến hành theo kế hoạch phát triển quốc phòng 5 năm đã được quyết định tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên", Park Won-gon, giáo sư Nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans, cho biết./.