Thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh: Tiệc tùng ở Azerbaijan và lửa hận ở Armenia

Xuân Mai |

Quốc hội Armenia hôm 11-11 không thể thảo luận về lời kêu gọi thủ tướng từ chức của hàng ngàn người biểu tình liên quan đến lệnh ngừng bắn với Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Thỏa thuận ngừng bắn được công bố hôm 10-11 kết thúc 6 tuần giao tranh và được xem là chiến thắng cho Azerbaijan. Thỏa thuận hòa bình đã mở ra những cuộc ăn mừng ở Azerbaijan nhưng châm ngòi sự giận dữ ở Armenia, nơi những người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ và yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức.

Hàng ngàn người Armenia biểu tình ở thủ đô Yerevan yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức trong khi vài trăm người tuần hành quanh quốc hội. Một số người hô vang "ông Nikol là một kẻ phản bội" còn những người khác hét lên "ông Nikol, hãy rời đi".

Ông Pashinyan cho biết ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký thỏa thuận để ngăn chặn Nagorno-Karabakh bị thiệt hại thêm. Thủ tướng Pashinyan nói rằng cá nhân ông chịu trách nhiệm về những thất bại này nhưng bác bỏ lời kêu gọi từ chức.

Quốc hội Armenia cho biết dự định tổ chức cuộc họp đặc biệt tối 11-11 (giờ địa phương) để thảo luận về lời kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức nhưng cuộc họp tại quốc hội, nơi chiếm đa số các thành viên ủng hộ ông Pashinyan, đã không thể diễn ra do không đủ số thành viên tối thiểu tham dự.

Thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh: Tiệc tùng ở Azerbaijan và lửa hận ở Armenia  - Ảnh 1.

Thỏa thuận hòa bình gây tranh cãi khiến người dân Armenia nổi giận. Ảnh: Islam Times

Các nhà lãnh đạo đối lập kêu gọi những người biểu tình bên ngoài quốc hội rời đi và cam kết chia sẻ kế hoạch tương lai trong ngày 12-11. 17 đảng phái chính trị đã kêu gọi cuộc biểu tình hôm 11-11 để yêu cầu ông Pashinyan từ chức.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận ngừng bắn trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh có hiệu lực từ ngày 10-11 này có lợi với Azerbaijan. Khu vực Nagorno-Karabakh được cộng đồng quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng có đa số người dân gốc Armenia sinh sống. Theo thỏa thuận, 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai tới khu vực.

Trước đó, Azerbaijan nhiều lần khẳng định sẽ chiến đấu để giành lại lãnh thổ và kêu gọi Armenia rút lực lượng khỏi Nagorno-Karabakh để giải pháp hòa bình được thực thi.

Đối với Nga, việc đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn đã phát đi tín hiệu cho rằng nước này vẫn đóng vai trò quan trọng ở Nam Caucasus, nơi được xem là sân sau của Moscow.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này khi ủng hộ về ngoại giao và cung cấp khí tài cho Azerbaijan. Chính quyền Ankara không tham gia vào quá trình đàm phán và cũng sẽ không gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này và Nga đã ký thỏa thuận thiết lập một trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh và sẽ cùng nhau hợp tác ở đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại