Thỏa thuận hòa bình Armenia-Azerbaijan: Mũi tên trúng nhiều đích của Nga, đặc biệt hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Đức |

Reuters đăng tải, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình tại vùng Nagorno-Karabakh rất có thể hướng tới mục tiêu là ngăn cản sự hiện diện ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa Azerbaijan và Armenia xung quanh vùng lãnh thổ tranh chấp đã kiểm nghiệm mức độ kiên nhẫn của Nga tại Nam Caucasus – nơi từng được Liên Xô nhìn nhận là yếu tố thiết yếu để bảo vệ sườn phía nam của mình.

Ba lệnh ngừng bắn trước thỏa thuận hòa bình trong đó có một trường hợp cũng do Moscow làm trung gian, đều bị thất bại. Azerbaijan mới đây đã tình cờ bắn rơi một máy bay trực thăng của Nga khiến 2 người thiệt mạng. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ủng hộ cho Azerbaijan về cả mặt quân sự và ngoại giao, đồng thời cố gắng can thiệp vào những nỗ lực hòa giải quốc tế.

Tuy nhiên, cuối cùng Tổng thống Putin đã đạt được giấc mơ kéo dài hơn hai thập kỷ của Moscow, đó là đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của nước Nga tới Nagorno-Karabakh theo thời hạn 5 năm và có thể gia hạn thêm. Điều này vô hình chung sẽ đẩy binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khu vực. Ankara thay vào đó, sẽ chỉ giúp điều hành một trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn.

Thỏa thuận hòa bình mới được cho là sẽ mở rộng hiện diện quân sự của Nga, chấm dứt cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Moscow và Ankara trong khu vực. Ông Putin đã ngăn cản thành công lực lượng Azerbaijan với sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Nagorno-Karabakh. Động thái cũng tái khẳng định ảnh hưởng khu vực của Moscow khi hoàn tất được một thỏa thuận mà không có sự tham gia trực tiếp của Ankara.

"Thỏa thuận ngày hôm nay… theo nhiều cách đã giải quyết các lợi ích cơ bản của Nga trong cuộc xung đột và có lẽ là kết quả tốt nhất mà Nga có thể nhận được (ít nhất là trong ngắn hạn)", học giả cấp cao Alexander Gavuev tại tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Carnegie Moscow nhận định.

Ông Gabuev chỉ ra, "Nga đưa 2.000 lính gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh, điều mà họ muốn làm từ năm 1994 nhưng chưa thể. Quan trọng hơn đối với Moscow là lực lượng gìn giữ hòa bình có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hiện diện tại đó".

Thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara tuyên bố, thỏa thuận ngừng bắn là một "thành công rất quan trọng" đối với đồng minh Azerbaijan. Mặc dù chưa trực tiếp đưa ra bình luận, nhưng trong quá khứ Tổng thống Erdogan từng miêu tả sự ủng hộ Ankara dành cho Azerbaijan là một phần trong hành trình của Thổ Nhĩ Kỳ "nhằm đạt được một vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới".

Theo Giám đốc nhóm nghiên cứu Quỹ Marshall Đức tại Ankara - ông Ozgur Unluhisarcikli, sự hiện diện của Nga trong khu vực là yếu tố tiêu cực cho Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Tuy nhiên, năng lực của lực lượng vũ trang Azerbaijan hiện đã mạnh hơn rất nhiều so với 6 năm trước.

"Phía Azerbaijan đã đạt được những thành công vang dội trên chiến trường và điều này càng được khẳng định thông qua lệnh ngừng bắn", ông Unluhisarcikli nói.

Ông cũng chỉ ra, Ankara không cần phải nhận được sự cho phép để đưa lực lượng tới quan sát lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu Moscow có đồng ý hay không.

Còn tổ chức tư vấn mang tên Nhóm Á-Âu nhận định, Tổng thống Erdogan có lẽ không quá thất vọng trước tình hình hiện tại. "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì một vai trò nào đó mặc dù rõ ràng là không quan trọng bằng Nga", một nghiên cứu của tổ chức đánh giá. "Ông Erdogan gần như chắc chắn không có vấn đề gì. Sự ủng hộ quân sự của ông cho Azerbaijan đã tạo ra một khác biệt rõ ràng trong khi chi phí bỏ ra của Thổ Nhĩ Kỳ lại không đáng bao nhiêu. Nó đem lại cho Ankara một chiến thắng mang tính dân tộc chủ nghĩa cũng như một lợi thế đòn bẩy so với Nga".

Sự hiện diện của các lính gìn giữ hòa bình của Nga – được vũ trang và có sự hỗ trợ của các phương tiện bọc thép, đã "đóng băng" cuộc xung đột và khiến quân đội Azerbaijan hoặc các lực lượng ủy nhiệm do Thổ hậu thuẫn, không thể tiến xa hơn nữa.

Bên cạnh đó, Nga cũng có thể đạt được một lợi thế khác. Mặc dù đã ký kết hiệp ước phòng thủ với Armenia và có một căn cứ quân sự tại đây, nhưng Moscow lại không có mối quan hệ thân thiết với chính phủ Thủ tướng Nikol Pashinyan. Ông Pashinyan lên nắm quyền sau khi một loạt các cuộc biểu tình năm 2018 đã buộc chính quyền lúc đó phải từ chức. Đương kim thủ tướng Armenia bị Moscow đánh giá là ít thân Nga hơn người tiền nhiệm trong một loạt các vấn đề chủ chốt. Ông cũng "khai trừ" một loạt những người trung thành với Điện Kremlin trong chính phủ của mình.

Đối với nhiều người Armenia, thỏa thuận Karabakh đã đi ngược lại các nguyên tắc ban đầu mà nước này theo đuổi, do vậy, nó đang tạo ra không ít áp lực lên Thủ tướng Pashinyan. Các đảng phái chính trị đối lập kêu gọi ông từ chức trong khi những đám đông liên tục biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ qua đêm…

Nhiều khả năng Moscow sẽ không quá tiếc nuối nếu ông Pashinyan phải rời bỏ vị trí hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại