Thoả thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia: Tia hy vọng dập tắt ngọn lửa hận thù kéo dài

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thoả thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia-Nga là bước đầu tích cực mở ra triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột Nagorno - Karabakh.

Ngày 9/11/2020, sau hơn 30 năm xung đột và sau cuộc chiến kéo dài sáu tuần kể từ ngày 27/9/2020, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở Nagorno-Karabakh.

Đây là thỏa thuận ngừng bắn lần thứ ba kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột vũ trang giữa Azerbaijan và Armenia năm 1992-1994. Để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận này, Liên bang Nga sẽ đưa vào khu vực này một lực lượng giữ gìn hòa bình gồm 1960 binh sỹ được trang bị vũ khí, trong đó có cả xe bọc thép chở lính và nhiều khí tài khác trong thời gian ít nhất 5 năm.

Một số nội dung chính của thỏa thuận

1. Ngừng bắn và chấm dứt tất cả các hành động thù địch từ 00:00 giờ Moscow ngày 10/11/2020.

2. Quân Azerbaijan và Armenia ở lại nguyên các vị trí của mình.

3. Nga triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình của Nga Tại Nagorno - Karabakh và dọc theo hành lang Lachin gồm 1.960 binh sĩ được trang bị vũ khí hạng nhẹ, 90 xe vận tải bọc thép, 380 ô tô và các thiết bị đặc biệt.

4. Thời hạn đóng quân của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga là 5 năm và tự động gia hạn thêm 5 năm tiếp theo, nếu không bên nào tuyên bố trước 6 tháng về ý định ngừng triển khai lực lượng này.

5. Thành lập một trung tâm gìn giữ hòa bình để giám sát việc ngừng bắn.

6. Armenia sẽ trao trả vùng Kelbajar cho Azerbaijan vào ngày 15/11/ 2020, vùng Aghdam trước ngày 20/11/ 2020 và vùng Lachin vào ngày 1/12/2020.

7. Hành lang Lachin (rộng 5 km), đảm bảo kết nối giao thông giữa Nagorno - Karabakh với Armenia, không bao gồm thành phố Shusha, nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

8. Người tị nạn sẽ trở về Nagorno - Karabakh và các khu vực lân cận, quá trình này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của LHQ.

9. Armenia cung cấp các phương tiện giao thông phục vụ việc đi lại của người dân và vận tài hàng hóa giữa các khu vực phía Tây Azerbaijan và Nakhichevan. Việc kiểm soát các hoạt động này sẽ do cơ quan biên phòng Liên bang Nga thực hiện.

Bối cảnh của việc ký kết thỏa thuận

Sau một tháng rưỡi giao tranh ác liệt giữa quân đội Azerbaijan và Armenia, các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn tại Nagorno - Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố quân đội nước ông đã giành lại được quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Fuzuli, Khojaly, Khujand, Gabriel đến Zangilan Gobadli từ tay quân Armenia.

Ngày 7/11/2020, thành phố chiến lược Shusha bị Armenia chiếm đóng 28 năm nay thất thủ, quân Azerbaijan tiếp tục cuộc tấn công chỉ còn cách thủ phủ Stepanakert chừng vài cây số về phía Bắc. Cùng với việc Shusha thất thủ, lực lượng Azerbaijan đã kiểm soát 3 thành phố lớn và khoảng 200 ngôi làng và ngọn đồi chiến lược ở Nagorno - Karabakh.

Trong tình hình như vậy, một chỉ huy quân đội Armenia nói rằng sự sụp đổ của Shusha đồng nghĩa với sự sụp đổ của toàn bộ khu vực Nagorno - Karabakh.

Những người ly khai ở Karabakh thừa nhận rằng hơn một nghìn binh sĩ của họ đã thiệt mạng và hàng trăm dân thường bị chết.

Armenia là thành viên của Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO), thực chất là một liên minh quân sự gồm các nước Uzbekistan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan được thành lập ngày 7/10/2002 tại Tashkent.

Theo Hiệp ước này, nếu một trong các nước thành viên bị tấn công, hoặc trong trường hợp có mối đe dọa thực sự đối với toàn vẹn lãnh thổ, thì CSTO sẽ hỗ trợ quân sự. Trước những khó khăn tại chiến trường, Armenia đã đề nghị các nước thành viên CSTO, đặc biệt là Nga giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Azerbaijan.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin cho biết, CSTO sẽ chỉ can thiệp khi Azerbaijan tấn công vào lãnh thổ Armenia. Trên thực tế, Azerbaijan chỉ tấn công vào Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng được Armenia ủng hộ, đến nay vẫn không được quốc tế công nhận.

Trong khi đó, Azerbaijan lại được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cả về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự. Israel cung cấp vũ khí cho Azerbaijan. Có thể nói quân Azerbaijan chiếm ưu thế tuyệt đối và ở vào thế tiến công. So sánh lực lượng trên chiến trường hoàn toàn bất lợi cho Armenia. Quân Armenia ở vào tình thế hết sức khó khăn.

Thoả thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia: Tia hy vọng dập tắt ngọn lửa hận thù kéo dài - Ảnh 4.

Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ mang thi thể từ một đống đổ nát ở TP Ganja - Azerbaijan hôm 11/10 Ảnh: REUTERS

Armenia buộc phải ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan

Trong tình hình như vậy, chính quyền Armenia không còn con đường nào khác, dưới sự bảo trợ của Nga đã buộc phải ký thỏa thuận đình chiến với Azerbaijan.

Theo thỏa thuận này, phía Armenia sẽ phải trả lại cho Azerbaijan nhiều vùng lãnh thổ hơn so với các kế hoạch trước đây về một giải pháp hòa bình. Trong cuộc chiến năm 1992-1994, phía Armenia không chỉ đã chiếm được Nagorno - Karabakh, mà còn 7 khu vực thuộc lãnh thổ Azerbaijan gồm Jebrail, Fizuli, Lachin, Zangelan, Kelbajar, Aghdam và Kubosystem.

Theo thỏa thuận 9/11/2020, tất cả các khu vực này sẽ được chuyển giao lại cho Azerbaijan. Ngoài ra, thành phố Shusha và một phần lãnh thổ Azerbaijan chiếm sau ngày 27/9/2020, bao gồm Hadrut và Martuni cũng sẽ thuộc quyền kiểm soát của Baku. Khu vực Kelbajar phải được trả lại cho Azerbaijan trước ngày 15/11, Aghdam Gazakh trước ngày 20/11 và Lachin trước ngày 1/12/2020. Phía Armenia có thể giữ lại hành lang Lachin rộng 5 km để đảm bảo kết nối Nagorno - Karabakh với Armenia, nhưng dưới sự giám sát của lực lượng giữ gìn hòa bình Nga.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, tuy không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Armenia, nhưng đây là thỏa thuận tốt nhất trong bối cảnh hiện nay. Ông nói: "Các nhà chỉ huy quân đội Armenia cho biết không thể giải quyết được cuộc xung đột với Azerbaijan bằng quân sự. Trong tình huống này, đơn giản là không có quyết định nào khác. Quyết định này được đưa ra do tình hình quân sự tại mặt trận bất lợi cho Armenia."

Người đứng đầu Cộng hòa Nagorno - Karabakh tự xưng và không được ai công nhận Arayik Harutyunyan cũng thừa nhận: "Không có con đường nào khác, chúng tôi buộc phải đồng ý chấm dứt chiến tranh. Quân Azerbaijan đã tiến đến ngoại ô chỉ còn cách Stepanakert 2-3 km. Nếu tiếp tục chiến đấu, thì chỉ trong vài ngày tới chúng tôi sẽ mất toàn bộ Karabakh, chúng tôi sẽ có nhiều thương vong hơn."

Phản ứng của Azerbaijan, Armenia và Nga

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận đình chiến, người dân Azerbaijan đã đổ ra các đường phố Thủ đô Baku ăn mừng chiến thắng. Tổng thống Ilham Aliyev đã phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, coi đây là một ngày lịch sử đối với đất nước, cuộc xung đột Nagorno - Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đang kết thúc. Ông tin thỏa thuận ba bên vừa ký sẽ trở thành điểm cuối cùng để giải quyết vấn đề.

Trong khi đó, tại thủ đô Yerevan của Armenia, hàng trăm người đã xuống biểu tình phản đối chính phủ. Những người biểu tình gọi việc ký kết thỏa thuận này là "đáng xấu hổ và phản bội" đối với hàng nghìn chiến sỹ Armenia. Họ xông vào tòa nhà Quốc hội, đuổi đánh chủ tịch Ararat Mirzoyan. Dinh thự của Thủ tướng Nikol Pashinyan cũng bị những người biểu tình tấn công, lầy đi nhiều đồ đạc và đòi ông phải từ chức ngay lập tức. Ông N. Pashinyan không có mặt nên không bị hại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ hài lòng đối với thỏa thuận về Nagorno - Karabakh. Ông bày tỏ hy vọng rằng các thỏa thuận đạt được giữa Nga, Armenia và Azerbaijan sẽ tạo điều kiện để giải quyết lâu dài cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.

Thoả thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia: Tia hy vọng dập tắt ngọn lửa hận thù kéo dài - Ảnh 8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Triển vọng thực hiện thỏa thuận đình chiến

Thoả thuận ngừng bắn được ký ngày 9/11/2020 trong bối cảnh hoàn toàn khác so với hai thỏa thuận trước đây. Trong tình hình mới, khả năng thực hiện thỏa thuận lần này có thể trở nên hiện thực hơn.

Thoả thuận ngừng bắn Azerbaijan-Armenia: Tia hy vọng dập tắt ngọn lửa hận thù kéo dài - Ảnh 10.

Thứ nhất, thỏa thuận 9/10/2020 được ký kết trong khi tương quan lực lượng trên chiến trường chưa ngã ngũ. Quân Armenia lúc đó còn giữ được nhiều vị trí và có quyết tâm cao. Chỉ sau hơn một tháng, quân đội Azerbaijan đã làm chủ trên chiến trường, đẩy quân Armenia vào tình thế hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là đứng trước thất bại, tinh thần chiến đấu của binh lính suy sụp, buộc phải chấp nhận ký thỏa thuận ngừng bắn toàn diện theo các điều kiện của Azerbaijan.

Trong tình hình như vậy, Armenia không thể nối lại các hoạt động quân sự và Azerbaijan đang ở thế thắng cũng không muốn làm phức tạp thêm tình hình. Hơn nữa, thỏa thuận 9/10/2020 chỉ được ký ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao.

Thứ hai, thỏa thuận 9/11/2020 được ký ở cấp cao nhất giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh đặc biệt triển khai ngay lực lượng giữ gìn hòa bình tại Nagorno - Karabakh.

Có thể nói, cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia đang bước vào hồi kết, tình hình tại chiến trường là không thể đảo ngược, Nga muốn góp phần giải quyết sớm cuộc xung đột để khôi phục lại an ninh và ổn định ở biên giới phía Nam, nên quyết tâm bằng mọi cách đảm bảo việc thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận này.

Thoả thuận ngừng bắn ngày 9/11/2020 là một bước tích cực mở ra triển vọng nối lại các cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột Nagorno - Karabakh. Phía trước là các cuộc thương lượng không dễ dàng. Bất cứ một giải pháp nào cho cuộc xung đột này cũng phải dựa trên luật pháo quốc tế và đảm bảo được lợi ích của nhân dân Azerbaijan và Armenia, vì hỏa bình và ổn định ở khu vực Caucasus.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại