Thoả thuận được ký kết giữa lúc giao tranh đang diễn ra dữ dội ở phía Đông Ukraine. Trong một dấu hiệu cho thấy hòa bình vẫn còn xa vời, các đại diện của Nga và Ukraine đã từ chối ngồi cùng bàn và tránh bắt tay tại buổi lễ ký kết thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện Nga và Ukraine ngồi riêng, lần lượt ký với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc những văn bản có nội dung giống nhau. Phía Ukraine giải thích họ không muốn tên của mình xuất hiện trong cùng văn bản với quan chức Nga. Như vậy về mặt hình ảnh, Ukraine chỉ đang ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc chứ không phải với Nga.
Sau lễ ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này sẽ không tận dụng việc các cảng này được mở trở lại cho mục đích khác và sẽ làm đúng như các cam kết ghi trong thỏa thuận. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán dẫn tới thỏa thuận, cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ mở đường cho hòa bình cuối cùng ở Ukraine.
Đại diện Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc ký thỏa thuận mở đường xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Ảnh: Reuters
Về lý thuyết, để hàng hóa có thể rời cảng của Ukraine, các thủy lôi và những chướng ngại vật khác quanh các cảng Ukraine sẽ phải được rà phá, dỡ bỏ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ hy vọng thỏa thuận sẽ giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng mà Nga đã gây ra, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo Nga thực sự tuân theo thỏa thuận.
Trước đó, Moscow đã phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực, thay vào đó đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây làm trì hoãn hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm 22-7 cho biết hiện Ukraine có khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc năm ngoái đang chờ được xuất khẩu, tức trị giá 10 tỉ USD. Ông cũng nói rằng việc ký thỏa thuận mở đường xuất khẩu ngũ cốc sẽ giúp Ukraine có cơ hội bán ngũ cốc mùa vụ năm nay.
Đề cập về cuộc xung đột, ông nói với tờ Wall Street Journal rằng Ukraine không thể ngừng bắn nếu không giành lại được những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Chính quyền Kiev hy vọng rằng việc cung cấp vũ khí số lượng lớn từ phương Tây, chẳng hạn như Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao của Mỹ (HIMARS), sẽ cho phép họ chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất. Bộ Quốc phòng Nga hôm 22-7 cho biết các lực lượng của họ đã phá hủy 4 hệ thống HIMARS trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 20-7. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ đã phủ nhận thông tin của Nga về việc có bất kỳ hệ thống HIMARS nào bị phá hủy.
Nhà Trắng cùng ngày đã công bố gói viện trợ quân sự mới khoảng 270 triệu USD cho Kiev, bao gồm số máy bay không người lái trị giá 100 triệu USD. Mỹ cũng đang thực hiện những công việc sơ bộ về việc liệu có gửi máy bay chiến đấu đền Ukraine hay không dù cho rằng điều đó vẫn chưa diễn ra trong tương lai gần.