Ngày 29/2/2020, tại thủ đô Doha của Qatar, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad và phó thủ lĩnh Taliban, người đứng đầu văn phòng chính trị của phong trào Taliban tại Qatar, Mullah Abdullah Ghani Baradar đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử về việc rút quân đội Mỹ và khởi động tiến trình hòa bình ở Afghanistan.
Hơn 30 nước được mời tham dự lễ ký kết, nhưng do dịch Covid-19 lây lan, chỉ có 18 quốc gia cử đoàn tham dự. Các quan khách chính trong buổi lễ ký kết gồm Ngoại trưởng các nước Mỹ Mike Pompeo, Pakistan Shah Mahmood Qureshi và Thổ Nhĩ Kỳ Mawlud Jawish Oglu, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan, Zamir Kabulov.
Đặc biệt, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có mặt trong buổi lễ ký kết.
Nội dung chính của thoả thuận Mỹ-Taliban
Thoả thuận này là kết quả của 8 phiên đàm phán khó khăn giữa Mỹ và Taliban kể từ tháng 10/2018. Hai bên đã thoả thuận:
Mỹ cam kết giảm quân số ở Afghanistan xuống còn 8,6 ngàn trong vòng 135 ngày kể từ ngày ký, sau đó sẽ rút toàn bộ các lực lượng của Mỹ và NATO trong vòng 14 tháng nếu Taliban thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình được ghi trong thỏa thuận.
Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với tất cả các tổ chức mà Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố, trong đó có tổ chức Al-Qaida, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và không cho phép các tổ chức này sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Một ngày sau khi ký kết thoả thuận, chính phủ Afghanistan sẽ thả đợt đầu tiên trong số 5.000 tù nhân của Taliban để đổi lấy 1.000 nhân viên an ninh do Taliban giam giữ, đồng thời Taliban và chính quyền Kabul sẽ khởi động các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp vào ngày 10/3/2020, sau khi hoàn tất việc trao trả những người bị giam giữ của hai bên.
Mỹ cam kết không sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Afghanstan, không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanstan.
Hàng năm Mỹ sẽ tài trợ cho các khoá đào tạo, tư vấn và trang bị cho lực lượng an ninh của Afghanistan.
Chính phủ Afghanistan đàm phán với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để loại bỏ các thành viên Taliban khỏi danh sách trừng phạt vào ngày 29/5/2020. Washington dự định loại bỏ nhóm này khỏi danh sách trừng phạt vào ngày 27/8/2020.
Mỹ cũng sẽ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Taliban trước ngày 27/10/2020.
Vì sao cả Mỹ và Taliban đều "thỏa hiệp"?
Mỹ và các nước NATO đã đưa quân vào Afghanistan sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001. Mục tiêu được Mỹ tuyên bố chính thức là nhằm tiêu diệt tổ chức Al-Qaida và loại bỏ Taliban khỏi cơ cấu quyền lực ở Kabul.
Đến nay đã gần 20 năm trôi qua với chi phí hơn một ngàn tỷ USD, hơn 2.500 binh sĩ bị thiệt mạng, lại được các lực lượng NATO hậu thuẫn, Mỹ đã không những không tiêu diệt được Taliban mà phong trào này đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự quan trọng, kiểm soát hơn 60% lãnh thổ Afghanistan.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông D. Trump đã hứa sẽ giảm bớt sự có mặt về quân sự ở Trung Đông, trong đó có việc rút các lực lượng của Mỹ khỏi Afghanistan.
Việc ký kết thoả thuận với Taliban, chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ đang bước vào cao trào, ông D. Trump muốn thực hiện cam kết của mình, thể hiện mình là người đã nói là làm nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ.
Theo báo cáo của Cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại Afghanistan, số dân thường bị chết ở Afghanistan trong mười năm qua đã lên tới 35.000 và 65.000 người khác bị thương. Trong nửa đầu năm 2019, 717 thường dân đã bị các lực lượng chính phủ, các lực lượng Mỹ và NATO giết, 531 người khác bị các chiến binh của các lực lượng chống chính phủ, trong đó có Taliban và IS giết. Chỉ riêng trong vài tháng gần đây khoảng một trăm người đã bị chết, gồm cả quân đội chính phủ và phiến quân trong các cuộc xung đột cũng như các cuộc tấn công khủng bố.
Về phần mình, Taliban cũng không thể đánh bại được quân đội chính phủ và các lực lượng của Mỹ, NATO để giành chính quyền. Trước những tổn thất to lớn về người và của như vậy, cả Mỹ và Taliban đều nhận thấy rằng, cuộc xung đột Afghanistan chỉ có thể giải quyết được bằng các biện pháp hoà bình.
Tình hình Afghanistan sẽ đi về đâu sau khi Mỹ rút?
Việc ký kết thoả thuận giữa Mỹ và Taliban mới chỉ là sự khởi đầu của tiến trình hoà bình ở Afghanistan. Việc thực hiện thoả thuận này không hề dễ dàng.
Ngay sau khi ký kết thoả thuận, Tổng thống Ashraf Ghani đã tuyên bố, chính phủ của ông không được tham gia đàm phán, ký kết và không hề đưa ra bất cứ cam kết nào về việc thả 5.000 tù nhân của Taliban. Ông nói đã nhiều lần làm rõ vấn đề này với Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad là Mỹ hoàn toàn không có thẩm quyền quyết định việc thả tù nhân của Taliban.
Sau gần 20 năm chiến tranh, Mỹ đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan và làm hòa với Taliban, một tổ chức mà trước đây chính Washington coi là khủng bố.
Không đánh bại được Taliban, thì việc ký kết một hiệp định hoà bình, rút quân Mỹ và NATO khỏi Afghanistan không thể không tăng thêm vị thế và sức mạnh cho phong trào này. Có thể nói, đây là thất bại của Mỹ và thoả thuận này đã cởi trói cho Taliban để họ lấy lại ảnh hưởng của mình ở Afghanistan. Mỹ rút, để lại chính phủ Afghanistan một mình đương đầu với Taliban.
Việc chính phủ Afghanistan không được tham gia đàm phán và ký kết có nghĩa là chính quyền Kabul bị đặt vào tình thế buộc phải hoà giải với "những kẻ khủng bố."
Sau khi Mỹ và NATO rút quân, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không loại trừ việc Taliban sẽ tổ chức lại lực lượng, tăng cường sức mạnh của họ và nối lại các hoạt động quân sự chống chính phủ trung ương.
Có lẽ đó là lý do tại sao Kabul đã tuyên bố rằng người Mỹ đang từ bỏ họ như đã từng từ bỏ người Kurd ở miền Bắc Syria.
Không ai có thể dự đoán được tương lai của Afghanistan sẽ ra sao sau khi quân Mỹ rút quân. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã hết sức khó khăn thì các cuộc đàm phán sắp tới giữa chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều. Đây là chưa tính đến một số nước vì lợi ích riêng đang tìm cách phá hoại thoả thuận Mỹ-Taliban.
Việc thực hiện thoả thuận Doha không đơn giản và cuộc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanstan trong tình hình hiện nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hòa bình cho đất nước Afghanistan có lẽ vẫn còn xa vời.