Rút quân "có điều kiện"
Sau 1 tuần "giảm thiểu bạo lực", hôm nay, 29/2, Mỹ và Taliban đã ký kết thỏa thuận lịch sử, tiến tới khả năng rút đáng kể quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, và mở đường cho nỗ lực kết thúc cuộc chiến dài nhất của Washington.
Thỏa thuận đã được ký kết tại Doha, Qatar giữa Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad - nhà thương thảo chính của phía Mỹ trong các cuộc đàm phán với Taliban - và ông Mullah Abdul Ghani Baradar - đại diện đàm phán của Taliban. Lễ ký kết có sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Pompeo cho biết, Mỹ "sẽ theo dõi chặt chẽ mức độ tuân thủ của Taliban đối với những cam kết mà họ đã đưa ra, và điều chỉnh tốc độ rút quân theo hành động của họ".
"Đây là cách (chúng tôi) đảm bảo rằng Aftanistan sẽ không bao giờ tạo điều kiện cho khủng bố quốc tế nữa", ông Pompeo nói.
Hiện chi tiết về thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và phiến quân Taliban chưa được công bố, nhưng nguồn thạo tin tiết lộ cho Guardian rằng: Theo kế hoạch, quân đội Mỹ sẽ giảm xuống 8.600 lính từ số lượng 12.000-13.000 lính hiện tại trong vòng 135 ngày và đóng cửa 5 căn cứ.
Taliban đã đồng ý cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác, chấm nhận ngồi xuống bàn đàm phán với các bên khác của Afghanistan, bao gồm cả chính quyền mà họ luôn chỉ trích là "con rối của Mỹ".
Nếu hai bên giữ vững cam kết, toàn bộ lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan vào mùa xuân năm 2021, ngoại trừ 1 số hoạt động tình báo trên bộ nhằm tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mark Esper có mặt ở Kabul, Afghanistan để ký kết tuyên bố chung với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Theo cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan, ông Hamdullah Mohib, tuyên bố chung Mỹ-NATO-Afghanistan bao gồm cả điều khoản rút quân đội nước ngoài trong vòng 18 tháng.
"Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ. Nếu những điều kiện đó không được đáp ứng thì ngày tháng cũng sẽ thay đổi", ông Mohib nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trong thông cáo: "Nếu Taliban và chính phủ Afghanistan tuân thủ những cam kết này, chúng ta sẽ có 1 con đường tiến tới kết thúc chiến tranh ở Afghanistan và đưa các binh lính của chúng ta về nhà".
"Những cam kết ấy đại diện cho 1 bước đi quan trọng đối với nền hòa bình lâu dài ở 1 Afghanistan mới, không còn bóng dáng Al Qaeda, ISIS hay bất cứ tổ chức khủng bố nào tìm cách làm hại chúng ta", thông cáo nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Mohammad Shafiq Hamdam, cựu cố vấn của NATO ở Afghanistan nhấn mạnh tầm quan trọng ở mức độ cam kết của các bên nếu muốn chấm dứt xung đột: "Hòa bình không tự nhiên mà có. Phải thỏa hiệp một vài thứ để đạt được thỏa thuận".
Được ký kết tại Doha, Qatar, thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Taliban đã được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban trong vòng hơn 1 năm. Việc ký kết thỏa thuận này được xem như động thái hiện thực hóa 1 trong những cam kết mà ông Trump đưa ra khi vận động tranh cử.
Mở đường kết thúc xung đột, tiến tới hòa bình
Cuộc chiến dài nhất của Mỹ có lẽ sắp đi tới hồi kết, AP bình luận.
Hơn 18 năm kể từ khi Tổng thống George W. Bush ra lệnh ném bom nhằm đáp trả lại cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho việc rút bớt lính Mỹ về nước, trong đó có cả những người lính chưa chào đời khi Trung tâm Thương mại Thế giới đổ sập vào buổi sáng tháng 9 - sự kiện làm thay đổi cách người Mỹ nhìn nhận thế giới.
Lễ ký kết lần này là dấu mốc báo hiệu cho khả năng chấm dứt quá trình đầu tư cả máu và của cải của nước Mỹ vào 1 chiến dịch dài hơi ở nước ngoài. Washington đã chi hơn 750 tỉ USD. Tổn thất về người ở tất cả các bên liên quan lên tới con số hàng chục nghìn. Và đây cũng là 1 cuộc xung đột thường xuyên bị chính trị gia Mỹ và công chúng phớt lờ.
Nếu thỏa thuận được thực hiện thì Afghanistan, "nấm mồ của đế quốc", sẽ lại 1 lần nữa thành công trong việc khiến 1 cường quốc thế giới phải rời khỏi biên giới của mình.
Tuy nhiên, triển vọng cho tương lai của Afghanistan vẫn còn mờ nhạt. Thỏa thuận mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình liên quan tới rất nhiều phe phái ở Afghanistan - quá trình được đánh giá là phức tạp.
Nguồn tin của AP cho hay, theo thỏa thuận, 5.000 phiến quân Taliban sẽ được phóng thích từ các trại giam do Afghanistan quản lý, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Afghanistan có làm như vậy hay không. Ngoài ra, cũng chưa rõ liệu các phiến quân Taliban, trung thành với nhiều thủ lĩnh khác nhau, có sẵn sàng buông súng?
"Quan trọng là phải lưu ý rằng thỏa thuận 29/2 giữa Mỹ và Taliban không phải thỏa thuận hòa bình", Andrew Watkins - chuyên gia cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nói với Al Jazeera.
"Thay vào đó, đây là kết quả của một giai đoạn tiền thân trong tiến trình hòa bình Afghanistan, điều cần thiết để khiến Taliban phải ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Afghanistan nhằm tiến hành một cuộc đối thoại quan trọng".
Watkins cho rằng chính quyền Afghanistan và Taliban nên vạch ra những câu hỏi quan trọng về tương lai đất nước trong các cuộc đàm phán của họ, chứ không phải giữa Mỹ và Taliban.
"Thỏa thuận Mỹ-Taliban nên được xem như một cánh cửa, một cơ hội để tiến tới hòa giải chính trị và kết thúc xung đột một cách hòa bình. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm để có thể đi tới kết thúc ấy".