Thỏa thuận được ký ở Doha, Qatar giữa Đặc phái viên Mỹ chuyên trách vấn đề tái hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad - trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ trong các cuộc đối thoại với Taliban - và Mullah Abdul Ghani Baradar - trưởng phái đoàn đàm phán của Taliban. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chứng kiến lễ ký kết.
Thỏa thuận Mang tới Hòa bình cho Afghanistan" đưa ra hàng loạt các cam kết từ Mỹ và Taliban liên quan tới số lượng binh sĩ, chống khủng bố, và đối thoại nội bộ ở Afghanistan nhằm mang tới "một lệnh ngừng bắn toàn diện và vĩnh cửu".
"Đây là khoảnh khắc đầy hy vọng, nhưng nó mới chỉ là khởi đầu" - Ngoại trưởng Pompeo nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại thủ đô của Qatar - "Có rất nhiều công việc khó khăn trên mặt trận ngoại giao còn chờ phía trước".
Taliban "sẽ khởi động các cuộc đàm phán nội bộ với phía chính phủ Afghanistan vào ngày 10/3/2020"; theo thỏa thuận.
Thỏa thuận mới cũng đặt ra khung làm việc kéo dài 14 tháng để thực hiện việc "rút toàn bộ lực lượng của Mỹ, các đồng minh và các đối tác trong liên minh, bao gồm các nhân sự là thường dân phi ngoại giao, các nhà thầu an ninh tư nhân, chuyên gia huấn luyện, cố vấn và các nhân sự hậu cần".
Thỏa thuận xuất hiện vào thời điểm kết thúc một thỏa thuận 7 ngày "giảm tình trạng bạo lực" (Ảnh: Fox News)
Mỹ có thể bắt đầu rút 8.600 binh sĩ khỏi Afghanistan trong vòng 135 ngày đầu tiên sau khi ký thỏa thuận. Giới chức Mỹ trước đây từng nhấn mạnh rằng mọi kế hoạch giảm sự hiện diện quân sự của họ "đều phải có điều kiện".
Phát biểu trong lễ ký kết thỏa thuận ở Doha, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Mỹ "sẽ theo dõi sát sao việc thực thi các cam kết của Taliban, và điều chỉnh nhịp độ rút quân phù hợp với những hành động của họ".
"Đó là cách để chúng tôi đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không bao giờ trở thành một căn cứ cho những kẻ khủng bố quốc tế thêm một lần nữa" - ông Pompeo nói.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc họp báo, nói rằng ông sẽ "gặp gỡ các thủ lĩnh Taliban trong tương lai không xa" sau khi thỏa thuận được ký kết. CNN dẫn một số nguồn tin hiểu về các vòng đàm phán Mỹ-Taliban tiết lộ, các thủ lĩnh Taliban và ông Trump có thể gặp gỡ ngay trong tuần tới.
Thỏa thuận có những cam kết gì?
Binh sĩ My đồn trú tại Afghanistan (Ảnh: NYTimes)
Thỏa thuận dài 4 trang nêu rõ ràng Taliban sẽ có hành động "nhằm ngăn chặn bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, bao gồm cả al-Qa'ida, lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh".
Các biện pháp bao gồm cam kết rằng Taliban sẽ chỉ thị các thành viên "không hợp tác với các nhóm hay cá nhân đang đe dọa an ninh Mỹ và các đồng minh" và rằng họ "sẽ ngăn chặn bất cứ tổ chức hay cá nhân nào ở Afghanistan đe dọa an ninh Mỹ và các đồng minh; ngăn chặn họ chiêu mộ, huấn luyện và gây quỹ; và sẽ không che giấu những đối tượng này theo đúng các cam kết trong thỏa thuận".
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump hồi tuần trước từng thể hiện quan ngại về "mối quan hệ lịch sử giữa Taliban và al-Qa'ida".
"Chúng tôi cho rằng đây là bước đi đầu tiên đầy quyết đoán và mang tính lịch sử, xét về việc họ (Taliban) nhận thức được rằng họ đang cắt đứt quan hệ với al-Qaeda" - quan chức nọ cho hay.
Thỏa thuận cũng kêu gọi trả tự do cho 5.000 tù binh Taliban và 1.000 "tù binh của bên còn lại" ngay trong ngày đầu tiên bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ ở Afghanistan.
"Các bên liên quan hướng đến mục tiêu trả tự do tất cả số tù binh còn lại trong vòng 3 tháng. Mỹ cam kết sẽ hoàn tất mục tiêu này" - thỏa thuận nêu rõ.
Trong một cuộc họp báo sau lễ ký kết thỏa thuận, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng "Nếu Taliban giữ đúng cam kết, ông Trump và đội ngũ của ông sẽ không ngần ngại làm điều mà chúng ta cần làm để bảo vệ sinh mạng công dân Mỹ".
Trong khi ông Pompeo ở Doha, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã ở Kabul, Afghanistan để ký một tuyên bố chung với giới chức Afghanistan và NATO, trong đó có Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg. Ông Esper nói rằng ông có "hy vọng lớn lao" về tương lai của Afghanistan.
Chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng (Ảnh: Business Insider)
Việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban mang tới động lực lớn cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, người từng hứa hẹn sẽ chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc chiến ở nước ngoài.
"Nếu Taliban và chính phủ Afghanistan giữ vững các cam kết, chúng ta sẽ có một con đường hướng tới chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan và mang binh sĩ của chúng ta về nước" - ông Trump nói trong một tuyên bố - "Những cam kết này là một bước đi quan trọng hướng tới hòa bình lâu dài ở Afghanistan mới, không còn al-Qaeda, IS, hay bất kỳ nhóm khủng bố nào khác muốn tìm cách làm hại chúng ta".
Mỹ đã tham gia cuộc chiến ở Afghanistan từ năm 2001. Thỏa thuận ký kết ngày 29/2 ở Doha xuất hiện sau hơn 1 năm đàm phán kéo dài với Taliban. Hai bên từng đạt được "một thỏa thuận về nguyên tắc" vào hồi đầu tháng 9/2-19. Nhưng ngay sau đó, ông Trump bất ngờ hủy các vòng đàm phán và hủy luôn cả cuộc gặp bí mật với giới chức Taliban tại Trại David, sau khi Taliban thực hiện một vụ tấn công đẫm máu ở Kabul khiến 1 binh sĩ mỹ thiệt mạng.
Trong chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan tháng 11/2019, ông Trump tuyên bố rằng các vòng đàm phán với Taliban đã được nối lại. Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố này ngay sau khi Taliban trả tự do cho một công dân Mỹ để đổi lấy việc chính phủ Afghanistan trả tự do cho các tù binh Taliban. Hồi đầu tháng 12/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng đặc phái viên Khalilzad đã tham gia các vòng đàm phán với Taliban ở thủ đô của Qatar.
Vẫn còn nhiều hoài nghi
Nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của Tổng thống Trump, tỏ ý hoài nghi về thỏa thuận (Ảnh: Getty)
Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ và các chuyên gia trong khu vực đã nêu nhiều quan ngại về thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban từ trước khi nó được ký kết.
Hôm thứ Tư tuần này, nghị sĩ Liz Cheney dẫn đầu một nhóm gồm 21 nhà lập pháp đảng Cộng hòa thể hiện "quan ngại sâu sắc" về thỏa thuận sắp được ký kết.
Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Esper, nhóm nghị sĩ kêu gọi công khai đầy đủ thỏa thuận và thêm rằng họ "muốn nhận được sự đảm bảo rằng các ông sẽ không đặt an ninh của người dân Mỹ vào tay của Taliban và làm xói mòn đồng minh của chúng ta, chính phủ hiện tại của Afghanistan".
Một quan chức của chính quyền Trump hồi tuần trước tiết lộ rằng "có nhiều phần của thỏa thuận không được công khai, nhưng những phần đó không chứa bất kỳ cam kết phụ nào của Mỹ" mà có khả năng bao gồm "một số tiến trình bí mật nhằm thực thi và xác nhận thực thi thỏa thuận".
Sau khi thỏa thuận được ký kết, thượng nghị sĩ Lindsey Graham thể hiện sự ủng hộ một cách thận trọng thỏa thuận này, đồng thời cũng tỏ ý ngờ vực.
"Tôi rất nghi ngờ về việc Taliban công nhận chính phủ Afghanistan và tôn trọng quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số và phụ nữ" - ông Graham, một đồng minh của ông Trump, nói - Thời gian sẽ chứng minh liệu tái hòa giải ở Afghanistan có thể trở thành hiện thực hay không. Nhưng sau hơn 18 năm chiến tranh, giờ đã đến lúc để thử".
Văn bản thỏa thuận Mỹ-Taliban không hề có đoạn nào nói về việc bảo vệ xã hội dân sự hay phụ nữ.
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Trump, nói rằng con đương fphias trước không hề "dễ dàng" hay "hoàn hảo".
"Không hẳn là Taliban vĩnh viễn là bên xấu xa, cũng không hẳn thỏa thuận này sẽ mang tới hoa hồng và chim bồ câu chỉ sau một đêm" - vị quan chức nói - "Chúng ta và người dân Afghanistan đã trải qua cuộc chiến này suốt nhiều thập kỷ qua. Có rất nhiều hành vi, quan điểm, và người ta trải qua một sự thay đổi lớn lao".