Trong một bài báo đăng ngày 8/3, Reuters cho biết Ấn Độ là nước lớn thứ 3 trên thế giới về nhập khẩu dầu và Nga đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu sau khi châu Âu từ chối dầu của Nga do lệnh trừng phạt.
“Thương mại dầu mỏ của Ấn Độ sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine là một ví dụ điển hình về việc chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác, có thể bền vững” – Reuters viết.
Theo nguồn tin của hãng thông tấn trên, trong 3 tháng qua, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng và hầu hết số tiền được thanh toán không phải bằng đô la, mà bằng các tiền tệ như đồng dirham của UAE và rúp của Nga – theo hãng tin Gazeta.
Ngày 22/2, Reuters viết rằng trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước G20 tại Bangalore (Karnataka, Ấn Độ), các quan chức không có ý định thảo luận về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Đồng thời, Reuters nhấn mạnh giới chức Ấn Độ chưa bao giờ công khai chỉ trích Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine và kêu gọi các bên đối thoại và ngoại giao để chấm dứt xung đột.
Ngày 11/1, trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, chuyên gia Stanislav Mitrakhovich của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và Đại học Tài chính (Nga), cho biết việc Ấn Độ tham gia áp giá trần dầu Nga do các nước EU và G7 đưa ra là không có lợi.
Ngày 4/12/2022, Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock thông báo Đức kêu gọi Ấn Độ ủng hộ quyết định áp trần giá dầu Nga. Bà Berbok nhấn mạnh Đức nhận thức được các cơ hội kinh tế không bình đẳng giữa các quốc gia khác nhau, nhưng tin tưởng vào sự hỗ trợ của các đối tác trong việc thiết lập giá trần đối với dầu Nga.
Ngày 5/12, lệnh cấm vận dầu mỏ cung cấp bằng đường biển từ Liên bang Nga đến Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Các quốc gia EU đã đặt mức trần có thể điều chỉnh đối với giá dầu Nga được cung cấp bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
Ngày 27/12, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa việc áp trần giá dầu Nga. Theo nghị định này, việc xuất khẩu dầu từ Nga sang các nước bị cấm nếu các hợp đồng cung cấp áp trần giá dầu.
Các quốc gia phương Tây đã gia tăng áp lực trừng phạt đối với Liên bang Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. Quyết định về chiến dịch này do Tổng thống Putin đưa ra sau khi tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn được cho là do các cuộc pháo kích của Ukraine.