Dự kiến, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa của Ankara sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2026…
Hợp tác quốc tế
RT dẫn tuyên bố của Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Ankara sẽ được trình làng trước năm 2023 và đưa vào sử dụng trong không quân nước này vào năm 2031.
Mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được ông Fuat Oktay nhắc đến chính là TF-X, đang được Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Trong tương lai, dòng máy bay mới này sẽ thay thế dàn máy bay chiến đấu F-16 đã lỗi thời, được lắp ráp tại Ankara theo giấy phép từ Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ.
Kế hoạch phát triển máy bay cho lực lượng không quân được Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đến vào năm 2013. Theo kế hoạch của Ankara, các máy bay chiến đấu mới sẽ phải phục vụ trong không quân của nước này ít nhất là đến năm 2060.
Defense News trích dẫn một số nguồn tin trong giới công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara có thể chi khoảng 31 đến 33 tỷ USD để phát triển chương trình TF-X. Tháng 6-2013, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận hợp tác công nghệ với Công ty Saab của Thụy Điển.
Sau đó, các nhà thiết kế Thụy Điển đã đưa ra 3 phương án thiết kế máy bay chiến đấu tương lai cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 1-2017, Công ty TAI và Công ty BAE Systems của Anh đã ký một thỏa thuận, theo đó phía Anh cam kết giúp đỡ các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển dự án TF-X.
Trao đổi với RT, chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov nhận định: "Không có gì phải ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với các công ty nước ngoài để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm TF-X. Đây là chuyện khá phổ biến".
Cùng quan điểm với ông Alexey Leonkov, nhà phân tích chính trị, chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov cho biết: "Nhiều quốc gia sản xuất máy bay thông qua việc hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Chỉ có Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Anh có chu trình sản xuất máy bay đầy đủ".Mặc dù có nhiều đối tác nước ngoài tham gia vào dự án TF-X nhưng Ankara dự định sẽ tự thiết kế động cơ, cũng như phát triển vũ khí trang bị cho thế hệ máy bay mới.
Theo thông tin do Công ty TAI đưa ra vào cuối năm 2017, TF-X sẽ có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 27 tấn, sải cánh 12m, tầm bay 1.100km. Ngoài ra, TF-X sẽ có thể tương tác với máy bay ném bom chiến đấu F-35 của Mỹ.
Giảm sự phụ thuộc
Các sự kiện trong những năm gần đây cho thấy Ankara có thể phát sinh những bất đồng với các đối tác nước ngoài, không chỉ trong việc cùng hợp tác phát triển dự án quốc phòng, mà còn về cung cấp vũ khí.
Năm 2006, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua 100 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 do Mỹ sản xuất. Theo kế hoạch, chúng sẽ thay thế những chiếc máy bay F-16 và F-4 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp trở ngại trong việc tiếp nhận F-35 từ Mỹ do Ankara muốn mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Theo các chuyên gia, mong muốn thoát khỏi việc phải đàm phán với Washington về các điều kiện cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự đã thúc đẩy Ankara phát triển vũ khí của riêng mình.
Nhà phân tích chính trị, chuyên gia quân sự Ivan Konovalov cho rằng, dự án TF-X chính là minh chứng cho tham vọng thay thế nhập khẩu trong ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bằng cách triển khai dự án TF-X và các dự án khác, Ankara sẽ chứng minh được sự độc lập trong sản xuất vũ khí của mình. Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm năng lớn để sản xuất máy bay nội địa. Ông lưu ý, Ankara đã thu được nhiều kinh nghiệm khi lắp ráp F-16 theo giấy phép của Mỹ.
Hồi tháng 11-2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố, Ankara cần phải vượt qua sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí trước năm 2023.
Điều đáng chú ý là giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không bị giới hạn trong các tuyên bố đơn thuần về việc thay thế nhập khẩu vũ khí. Bằng việc thúc đẩy quá trình sản xuất vũ khí nhỏ, Ankara đã trở thành nhà xuất khẩu súng trường có tiếng trên thế giới.