Thổ Nhĩ Kỳ "thấp thỏm" chờ đợi nhưng Mỹ cứ "bình chân như vại": Vì sao ông Trump sẽ không bao giờ đưa "quân cứu viện" đến Idlib?

Mạnh Kiên |

Khi bị quân đội Syria và không quân Nga dồn đến đường cùng ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ mong chờ cánh tay giúp đỡ từ người Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như sẽ không đến.

Đụng độ ở Idlib kéo Nga-Mỹ vào vòng xoáy mới

Các cuộc đụng độ mới nhất giữa quân Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở thành trì Idlib đã một lần nữa kéo Nga-Mỹ rơi vào vòng xoáy xung đột. Về sức mạnh, Ankara đang tỏ ra yếu thế hơn trước các đợt tiến công của quân đội Syria với sự yểm trợ của không quân Nga.

Với diễn biến hiện tại, đã có những quan điểm cho rằng Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường sự ủng hộ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại Nga, đồng thời đưa Ankara trở lại quỹ đạo phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ thấp thỏm chờ đợi nhưng Mỹ cứ bình chân như vại: Vì sao ông Trump sẽ không bao giờ đưa quân cứu viện đến Idlib? - Ảnh 1.

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Idlib.

Tuy nhiên, những gì mà Mỹ mang đến lúc này cho đồng minh NATO của mình ở Syria mới chỉ dừng lại ở lời nói thay vì hành động.

Mặc dù Đặc phái viên Syria của Mỹ James Jeffrey tuyên bố ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng lợi ích của Washington và Ankara ở Syria liên quan mật thiết đến nhau, điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ đáp lại bằng hành động quân sự.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế đã giải thích lý do tại sao chính quyền Donald Trump sẽ không trực tiếp tham gia vào đấu trường hỗn loạn ở Idlib như nhiều người suy đoán.

Vì sao Mỹ sẽ không đến Idlib?

Nhiều người tự hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ theo Điều 5 của NATO trong trường hợp đụng độ ở Idlib giữa Ankara và Damascus gia tăng hay không.

"Rất khó có khả năng Mỹ sẽ trực tiếp tham gia quân sự vào căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria - đơn giản vì đây không phải là cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền Trump", tiến sĩ Bamo Nouri, nhà phân tích chính trị từ Vương quốc Anh, nói với Sputnik.

Ông giải thích rằng trước đây, những lần can thiệp của quân đội của Mỹ thường được thể hiện dưới một loạt các mục tiêu bao gồm "thúc đẩy dân chủ, hòa bình, an ninh quốc gia và khu vực, ổn định và cả lợi ích kinh tế". Trong khi chính quyền Trump hiện tại chỉ "hoạt động dựa trên những lợi ích hẹp hơn nhiều".

"Phải có một lợi ích kinh tế thực sự chắc chắn và rõ ràng để Mỹ can thiệp hoặc đe dọa trực tiếp đến an ninh một quốc gia nào đó. Trong trường hợp cụ thể ở Syria thì không có", ông nói.

Thổ Nhĩ Kỳ thấp thỏm chờ đợi nhưng Mỹ cứ bình chân như vại: Vì sao ông Trump sẽ không bao giờ đưa quân cứu viện đến Idlib? - Ảnh 2.

Sự ưu tiên của Tổng thống Trump sẽ không cho phép ông đến Idlib lúc này.

Theo ông Nouri, những gì Thổ Nhĩ Kỳ có thể mong đợi từ Mỹ lúc này chỉ là những lời ủng hộ về mặt ngoại giao và về cơ bản đã được đáp ứng.

Vẫn còn một lý do nữa khiến Washington khó có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng Idlib.

"Chỉ còn chưa đầy một năm là đến cuộc bầu cử, Tổng thống Trump phải cẩn thận trong các vấn đề chính sách đối ngoại, để không đưa nước Mỹ dính líu vào các cuộc xung đột không mong muốn và không có lợi trên toàn thế giới", học giả Vương quốc Anh nói.

"Sự ưu tiên về lợi ích kinh tế đã tạo ra sự miễn cưỡng rõ ràng đối với sự can thiệp quân sự của chính quyền Trump".

Mỹ sẽ mang đến một số đòn bẩy nhỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Đồng tình với quan điểm trên, Joshua Landis, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cũng khẳng định rất khó có khả năng Mỹ sẽ can thiệp "trực tiếp" ở Idlib.

"Có vẻ như Mỹ đang bị chia rẽ về vấn đề này. Robert C. O'Brien, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) từng nói rằng Mỹ có rất ít lựa chọn ở thời điểm hiện tại ngoài việc đứng ngoài cổ vũ", Landis nhấn mạnh.

"Trong khi Jeffrey – Đặc phái viên Syria của Mỹ lại đích thân đến Ankara để cố gắng thuyết phục người Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một đường lối cứng rắn nhằm khiến cho Nga và Iran không thể thành công ở Syria".

Theo chuyên gia Landis, rất khó đoán xem Mỹ có thể làm gì vào thời điểm này. Đầu tiên, Washington đã rút hầu hết quân đội khỏi khu vực và hiện đang gặp rắc rối với Iraq.

Thứ hai, Mỹ đang yếu thế hơn trong việc giành ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trước Nga, đặc biệt là sau thương vụ S-400.

"Vì vậy, đây là thời điểm rất khó khăn để Mỹ tiếp tục bỏ ra nhiều công sức nhằm hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Washington sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ một đòn bẩy nhỏ bên cạnh sự ủng hộ bằng lời nói, nhằm chống lại Nga", Landis nói thêm.

Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường hỗ trợ Chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Tripoli, Libya và đã có chuyến thăm tới Ukraine. Theo Landis, những hành động này nhằm mục đích "đạt được đòn bẩy chống lại Nga ở Idlib".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại