Sputnik đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 10-6 thông qua quyết định của Quốc hội cho phép bố trí quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ Al-Rayyan ở Qatar đồng nghĩa với việc số lượng binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia vùng Vịnh sẽ tăng lên gấp 4 lần từ 94 lên 400 người.
Theo giới quan sát, việc này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai, nếu Qatar yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lãnh thổ trước áp lực từ Saudi Arabia.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
Cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington Logoglu cho hay: "Trong những tuyên bố của Ankara về cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Yildirim đã không chỉ thể hiện việc muốn hỗ trợ Qatar, mà cả sự chống đối những quốc gia đối đầu."
Thổ Nhĩ Kỳ không thể thờ ơ với cuộc khủng hoảng ngoại giao mà Qatar phải đối mặt, tuy nhiên, Ankara cũng không cần thiết phải thực hiện bất kỳ động thái gay gắt như vậy. Quyết định được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua sẽ chỉ làm mọi thứ phức tạp hơn. " - ông Logoglu nói.
Cựu đại sứ cho rằng, Ankara nên xây dựng chính sách Trung Đông bằng việc dựng quan hệ hữu nghị với thế giới Arab nhưng không can thiệp vào các cuộc xung đột giữa các quốc gia này.
"Sự phát triển tình hình phụ thuộc vào những bước mà bên xung đột sẽ thực hiện, cụ thể là Saudi Arabia, Mỹ và Iran. Căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới tình huống tương tự những gì đã xảy ra ở Iraq" - ông Logoglu nhận định.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-6 đã thông qua dự luật cho phép quân đội nước này đưa lực lượng tới căn cứ quân sự tại Qatar.
Đây được cho là động thái thể hiện sự ủng hộ với Qatar, giữa lúc Doha phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ sự cô lập, RT đưa tin. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đồng minh quan trọng nhất của Qatar trong khu vực.
Hôm 7-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích việc các nước Arab cắt quan hệ với Qatar, khẳng định việc cô lập sẽ không giải quyết được mâu thuẫn. Một số nguồn tin cho rằng Ankara sẵn sàng viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho Doha.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định 2 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ 9 quốc gia, đứng đầu là Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Dự luật được thông qua nhờ sự ủng hộ lớn từ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và đảng Phong trào Quốc gia (MHP) đối lập.
Vùng Vịnh đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất sau khi Saudi Arabia dẫn đầu 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cắt đứt bang giao với Qatar. Đây được coi là sự phân rẽ lớn nhất giữa các quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.