Dự định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga hiện chẳng khác gì đầu độc mối quan hệ giữa nước này và Mỹ, vốn đều là đồng minh quân sự chiến lược của nhau trong NATO cũng như đều có lợi ích chiến lược thiết thực ở Syria.
Nó hiện là chuyện thời sự nhưng chỉ là một trong nhiều vướng mắc hiện tại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Phi vụ mua sắm vũ khí này cũng chỉ là một trong những tiến triển về hợp tác quân sự và an ninh nói riêng, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nói chung. Thổ Nhĩ Kỳ còn dự định cùng Nga nghiên cứu và chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại hơn nữa với tên gọi là S-500.
Cho nên có thể thấy được ngay là Thổ Nhĩ Kỳ chủ ý vừa tung đòn gió vừa chơi đòn thật để chơi kiểu gì và với Mỹ hay Nga thì cũng đều có lợi.
Vừa đòn gió, vừa đòn thật
Thổ Nhĩ Kỳ dự định mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga. Ảnh: Reuters
Không chỉ có Mỹ mà còn cả các đồng minh quân sự khác của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đều hết sức lo ngại và tìm mọi cách ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hợp đồng mua sắm vũ khí này. Những lý do thật xác đáng và không có gì là khó hiểu.
Vũ khí của Nga đương nhiên không thể tương thích với những hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự được sử dụng chung trong NATO. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí của Nga thì về lý thuyết Nga có thể tiếp cận công nghệ quân sự của NATO.
Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Mỹ bởi trong NATO có quy định chung là các thành viên mua sắm vũ khí của nhau. Mỹ lo ngại về rủi ro khi Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga và rất không muốn quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiến triển tốt đẹp.
Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do không mua vũ khí của Mỹ là giá của Mỹ quá cao và mọi chuyện đã được thoả thuận từ lâu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Phía Mỹ tung chưởng cuối cùng là doạ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu mua S-400 của Nga.
Trên nguyên tắc, NATO có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp thành viên này bị tấn công. Nhưng cam kết này không có nghĩa là chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu là NATO phải đáp ứng.
Hiện tại không thể xác định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ai tấn công để NATO cùng đối phó. Cho nên, việc mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại là một chiêu bài chính trị nhiều hơn là nhu cầu đảm bảo an ninh trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nó là cú đòn gió của nước này đối với Mỹ, EU và NATO nhằm tăng thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Mỹ, EU và NATO. Mối khúc mắc này đâu có nan giải đến mức không thể được giải quyết. Chỉ cần Mỹ, EU và NATO nhượng bộ thoả đáng - trên những phương diện khác nhau - cho Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này sẽ ngay lập tức ngừng mua sắm vũ khí từ Nga mà không ngại quan hệ hợp tác với Nga bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cú đòn gió này khiến ba đối tác kia khó xử trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hay thoái đều được lợi còn Nga cũng chỉ được lợi hoặc cũng chẳng bị hại gì.
Cuộc chơi này trong thực chất do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dắt. Những biện pháp trừng phạt của Mỹ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ bận tâm nhiều, càng không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ chơi cú đòn này bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và Mỹ không thể tách biệt Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ra khỏi mọi mối liên hệ về quân sự và an ninh trong khuôn khổ NATO.
Hơn nữa, Mỹ càng ép Thổ Nhĩ Kỳ thì lại càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nga - trong khi Mỹ tìm mọi cách để phân hoá Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
Đó là cú đòn thật của Thổ Nhĩ Kỳ bởi trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cùng nhau đi được rất xa rồi. Nó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng phải tạo ra sự đã rồi thì Mỹ, EU và NATO mới thật sự ngại và mới chịu thay đổi quan điểm trong khi Nga càng ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào sự hợp tác này càng chặt chẽ càng tốt.
Cũng còn có thể coi đây là sách lược "bắt cá hai tay" của Thổ Nhĩ Kỳ, không cân bằng quan hệ giữa Nga ở một bên và các đối tác kia ở một bên mà thật sự chơi con bài đối trọng thay thế.
Sự thực dụng trong suy tính lợi ích và chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cũng phơi bày sự rạn nứt trong nội bộ NATO cũng như những bất hoà quan điểm và lợi ích mang tính nguyên tắc rất khó khắc phục giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và với EU.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.