Sau gần nửa năm mới xuất ngoại, "cánh tay phải" của ông Tập cho thấy ảnh hưởng lớn thế nào đến ngoại giao TQ?

An An |

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn được coi là nhà ngoại giao rất có danh tiếng của Bắc Kinh.

Vai trò của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trên chính trường Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, điều này thể hiện ở cách ông hoàn thành vai trò này như thế nào hay cách ông phối hợp với Chủ tịch Tập Cận Bình để giải quyết các vấn đề nổi cộm của nước này.

Mới đây, một thông báo về chuyến công du nước ngoài của ông một lần nữa đã làm dấy lên sự chú ý từ dư luận và truyền thông thế giới.

Vào ngày 24/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn sẽ tiến hành thăm chính thức ba nước Pakistan, Hà Lan và Đức từ ngày 26/5 đến 2/6. Đây là chuyến công du thứ hai của ông trong năm 2019, sau chuyến thăm Thụy Sĩ và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos vào tháng 1 vừa qua.

Theo giới quan sát, dựa vào việc phân tích vị thế của những quốc gia này trong chiến lược ngoại giao Trung Quốc cũng như nội dung những bài phát biểu của Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, chúng ta có thể thấy được vai trò của ông trong nền ngoại giao Trung Quốc.

Sau gần nửa năm mới xuất ngoại, cánh tay phải của ông Tập cho thấy ảnh hưởng lớn thế nào đến ngoại giao TQ? - Ảnh 1.

Ông Vương Kỳ Sơn đang trong chuyến công du ba nước Pakistan, Hà Lan, Đức. Ảnh: PTI

Từ khóa trong bốn chuyến công du đầu tiên

Kể từ chuyến thăm đầu tiên tới Nga và Belarus năm 2018, ông Vương Kỳ Sơn đã tiến hành 5 chuyến công du nước ngoài.

Lần đầu tiên vào tháng 5/2018, ông đến Nga để tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 22 và sau đó đến thăm Belarus.

Lần thứ hai vào tháng 10/2018, ông đến thăm bốn quốc gia ở Trung Đông, Palestine, Israel, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất;

Lần thứ ba vào tháng 11/2018, ông đến Singapore tham dự Diễn đàn kinh tế mới.

Lần thứ tư vào tháng 1/2019, ông đến thăm Thụy Sĩ và tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới Davos.

Ba quốc gia Pakistan, Hà Lan và Đức nằm trong khuôn khổ chuyến thăm thứ năm của Phó Chủ tịch Trung Quốc.

Phân tích nội dung các bài phát biểu và hội đàm trong bốn chuyến thăm trước của ông Vương Kỳ Sơn có thể thấy các từ khóa ngoại giao Trung Quốc được chia thành ba phần sau:

Từ khóa đầu tiên là Vành đai và con đường. Đây là từ khóa gần như xuyên suốt mỗi chuyến thăm của ông Vương Kỳ Sơn, đặc biệt là các quốc gia mang ý nghĩa nút thắt hoặc các quốc gia có đặt các dự án quan trọng của chiến lược Vành đai và con đường như Belarus, Palestine, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trong các diễn đàn đa phương như Diễn đàn kinh tế thế giới Davos ở Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg và Diễn đàn Kinh tế mới ở Singpore, ông Vương cũng giành thời gian giới thiệu và chia sẻ về chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Do đó, có khả năng trong chuyến thăm Pakistan lần này, Vành đai và con đường cũng là nội dung chính của các cuộc đàm phán của ông này.

Từ khóa thứ hai là sự đổi mới. Điều này đặc biệt được phản ánh trong chuyến thăm Israel của Phó Chủ tịch Trung Quốc. Trước chuyến thăm tới Israel, ông đã tham dự Hội nghị lần thứ 4 Ủy ban liên hiệp hợp tác đổi mới Trung Quốc-Israel.

Sau gần nửa năm mới xuất ngoại, cánh tay phải của ông Tập cho thấy ảnh hưởng lớn thế nào đến ngoại giao TQ? - Ảnh 2.

Ông Vương luôn được coi là một trong những trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: NYT

Từ khóa thứ ba là xóa bỏ hiểu lầm. Điều này chủ yếu được thể hiện trong các chuyến thăm phương Tây. Ví dụ, tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, ông Vương đã giới thiệu lịch sử, văn hóa và triết học của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, cởi mở, hòa nhập và tiến bộ".

Khi tham gia Diễn đàn kinh tế mới năm 2018 tại Singapore, ông cũng nói rằng "hiểu lịch sử và văn hóa của Trung Quốc mới có thể hiểu về con đường, lý thuyết, thể chế và văn hóa mà Trung Quốc đã chọn" và khẳng định "văn hóa lịch sử độc đáo đã quyết định về con đường độc đáo mà Trung Quốc đang đi".

Theo giới phân tích, ba từ khóa trên về cơ bản là nội dung chính của chiến lược ngoại giao tổng thể của Trung Quốc hiện nay.

Trợ thủ đắc lực về đối ngoại của ông Tập

Tháng 5/2018, tại Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban đối ngoại trung ương ĐCSTQ - cơ quan quyết sách hàng đầu về các vấn đề đối ngoại, ông Vương Kỳ Sơn ra mắt với vai trò là ủy viên của Ủy ban đối ngoại, trong khi đó Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường lần lượt là Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban.

Bên cạnh đó, do ông Dương Khiết Trì đang đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương - trực thuộc Ủy ban công tác đối ngoại trung ương nên ông Vương Kỳ Sơn sẽ không đảm nhận các vấn đề cụ thể trong công tác ngoại giao nhưng giống như hai ông Tập, Lý, ông Vương sẽ có phân công riêng biệt trong chiến lược tổng thể của ngoại giao Trung Quốc, đương nhiên vai trò của ba ông có sự khác nhau rõ rệt.

Một dấu hiệu khác cho thấy ông Vương có vị thế rất đáng chú ý trong giới ngoại giao Trung Quốc. Ông liên tục đại diện chuyển lời thăm hỏi của hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tới lãnh đạo quốc gia công du. Điều này được coi là tín hiệu thể hiện "vị trí thứ ba" của ông trong nền ngoại giao Trung Quốc hiện nay.

Từ đó có thể thấy, trong bốn chuyến thăm trước, nguyên tắc lớn và phương hướng lớn về hợp tác đa phương của ngoại giao Trung Quốc là nội dung chính trong các vài phát biểu hoặc hội đàm của ông Vương.

Hơn nữa, các quốc gia mà ông này đến thăm đều là những quốc gia quan trọng hoặc các quốc gia có các dự án mang tính bước ngoặt trong sáng kiến Vành đai và con đường.

Ví dụ sự tham dự của Vương Kỳ Sơn tại Hội nghị lần thứ 4 của Ủy ban liên hiệp hợp tác đổi mới Trung Quốc-Israel cho thấy vị thế của quốc gia Trung Đông này đã được nâng tầm trong chiến lược Vành đai và con đường, cho thấy một Israel - vốn là đối tác của phương Tây đã xích lại gần hơn với Trung Quốc về hợp tác kinh tế. Điều này có ý nghĩa tiên phong nhất định cho sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh.

Sự hiện diện của Vương Kỳ Sơn cũng cho thấy, Trung Quốc rất coi trọng vai trò của Israel vì ba hội nghị song phương trước đều do cựu Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông dẫn đầu.

Trong số ba quốc gia mà ông Vương đang đến thăm, Pakistan là đối tác quan trọng trong chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện nhiều chỉ trích về Vành đai và Con đường ở Pakistan nên tại thời điểm này, Bắc Kinh được cho cần phải cử nhà ngoại giao có uy tín để giải quyết bất đồng, thúc đẩy hoạt động.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, do quan hệ Ấn Độ-Pakistan đang căng thẳng, việc ông Tập Cận Bình tới thăm Pakistan sẽ không thích hợp, có thể bị New Delhi hiểu là hành động ủng hộ Pakistan nên ông Vương Kỳ Sơn dường như là một ứng cử viên phù hợp nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại