Thổ Nhĩ Kỳ tránh chỉ trích Nga ở Idlib
Tình hình leo thang ở Idlib đã phơi bày các giới hạn trong sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở Syria. Trước nhu cầu duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow, Ankara đã không thể công khai chỉ trích Nga về việc tham gia vào các hoạt động quân sự của chính quyền Syria ở tỉnh Idlib, tờ Al-Monitor nhận định.
Trong một phản ứng thận trọng, Ankara đã từ chối nói về sự liên quan của Nga trong các hoạt động tấn công những ngày qua ở Idlib. Thay vào đó, nước này chỉ hô hào Moscow ngăn chặn chính quyền Syria phát động các cuộc tấn công.
Sau cuộc họp ngày 10/5 với các tướng lĩnh hàng đầu ở tỉnh Hatay, gần biên giới Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã kêu gọi Nga thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hoạt động của chính quyền ở Idlib.
Ông Akar lập luận rằng chính quyền Syria đang cố gắng giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Nam tỉnh Idlib, vi phạm các thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran theo tiến trình Astana.
Tuy nhiên, Moscow tiếp tục phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện nghĩa vụ của mình sau thỏa thuận ngừng bắn vào năm ngoái. Sau cuộc họp tháng 4 của nhóm Astana tại Kazakhstan, đặc phái viên Syria của Nga Alexander Lavrentiev đã công khai sự bất mãn của Moscow về vấn đề này.
"Bạn bè người Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi đã thất bại trong việc loại bỏ những kẻ khủng bố còn lại ở Idlib. Việc HTS giành được quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ đã dẫn đến nhiều câu hỏi và là một sự thất vọng lớn đối với chúng tôi", ông Lavrentiev nói với các phóng viên.
Về cơ bản, Ankara đã kiềm chế không phản ứng với những chỉ trích như vậy của Nga, thay vào đó, quốc gia này đổ lỗi cho chính quyền Syria về tình hình ở Idlib.
Viết trên Hurriyet News, nhà phân tích chính sách đối ngoại kỳ cựu Sedat Ergin cho rằng, có vẻ như các cuộc điện đàm ngoại giao chuyên sâu giữa Ankara và Moscow không thể tác động làm thay đổi tình hình ở Idlib.
Thông báo của quân đội Syria vào tuần trước về việc ngừng bắn 72 giờ ở Idlib đã khiến giới quan sát tin rằng các cuộc gọi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể đã làm dịu đi tình hình một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, thông báo này không đúng với thực tế. Báo cáo từ Idlib chỉ ra rằng các cuộc tấn công của chính quyền Syria dường như vẫn tiếp tục.
Chuyên gia Ergin cũng nhấn mạnh sự mâu thuẫn của Ankara khi phụ thuộc vào Moscow trong việc kiềm chế lực lượng Syria tấn công ở Idlib.
Trên thực tế, tin tức từ hiện trường cho thấy Nga thậm chí còn tích cực tham gia vào các hoạt động này và các cuộc bắn phá của không quân Nga còn đóng một vai trò quan trọng.
"Tình hình đang bước vào giai đoạn đụng độ có kiểm soát giữa các nhóm đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và chính quyền Assad do Nga hỗ trợ", chuyên gia Ergin diễn giải, đồng thời cho rằng nó giống như một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối đầu với Mỹ vì không muốn chọc giận Nga?
Trong bối cảnh này, Tổng thống Erdogan tiếp tục khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hủy bỏ quyết định mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Ankara cũng bày tỏ hy vọng rằng S-400 sẽ được giao sớm hơn dự định trong tháng tới. Trong khi đó, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia sản xuất hệ thống S-500 thậm chí còn tiên tiến hơn, mặc dù Moscow chưa chứng thực đầy đủ tin tức trên.
Với lập trường cứng rắn của mình về S-400, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ có ý định gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ - quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng có sự khác biệt sâu sắc ở Syria. Điều này cũng cho thấy, Ankara dường như không muốn đưa ra lập trường nào sẽ gây phẫn nộ cho Moscow liên quan đến S-400.
Tuy nhiên, sự miễn cưỡng như vậy rồi sẽ làm suy yếu "cánh tay" Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nơi họ hy vọng rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga sẽ cho phép làm đảo lộn các kế hoạch của Mỹ ở phía Đông sông Euphrates trên lãnh thổ của người Kurd – YPG.
Ankara coi YPG là một nhóm khủng bố và muốn loại bỏ nhóm này ở miền Bắc Syria.
Tuy nhiên, những kỳ vọng của Ankara vẫn chưa được thực hiện. Thất bại trong việc đưa YPG ra khỏi Tal Rifaat - nơi nhóm này có sự bảo lãnh tương đối của Nga - cũng phơi bày "cánh tay yếu ớt" của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa ra yêu sách với Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang dựa vào mối quan hệ với Nga để đối trọng với mối quan hệ đã xấu đi với phương Tây, nơi cam kết của họ đối với tư cách thành viên NATO cũng đang bị hoài nghi.
Nhà phân tích an ninh Nihat Ali Ozcan tin rằng mối quan hệ đang phát triển của Ankara với Moscow bao trùm một lĩnh vực rộng lớn, từ hợp tác quân sự và kinh tế đến hợp tác năng lượng, và lập luận rằng điều này ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ công khai chỉ trích Nga về hành động ở Syria.
Hơn cả, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảm thấy bối rối vì đã không thực hiện đúng các cam kết mà họ đã hứa hẹn ở Sochi với Nga trong việc đưa các nhóm khủng bố ra khỏi Idlib, nhà phân tích Ozcan nói với Al-Monitor.
Điểm mấu chốt này trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã giúp Moscow chiếm thế thượng phong trước Ankara, mà phía Nga rõ ràng có ý định sử dụng lợi thế của mình.