Lo ngại cuộc chơi Syria thay đổi, Nga "bật đèn xanh" tấn công Idlib "dằn mặt" Thổ Nhĩ Kỳ?

Quốc Vinh |

Bằng việc ủng hộ các cuộc tấn công mới nhất ở Idlib, Moscow dường như tin rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể dẫn đến sự thay đổi quyền lực theo hướng có lợi cho Washington.

Theo Al-Monitor, Moscow đang ngày càng lo ngại trước những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria .

Bằng việc ủng hộ các cuộc tấn công mới nhất ở Idlib của lực lượng Syria, Moscow dường như tin rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể dẫn đến sự thay đổi quyền lực theo hướng có lợi cho Washington.

Sự kiên nhẫn của Điện Kremlin với hành động cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ giữa hai siêu cường đang trở nên mong manh.

Mở đèn xanh

Cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng phiến quân Syria đang diễn ra ở Idlib và Hama. Khu vực này có 3 triệu dân thường và khoảng 50.000 chiến binh Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm nắm quyền kiểm soát các khu vực từ phe đối lập Syria vào tháng 9.

Nga coi HTS và các nhóm đồng minh là khủng bố và tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện của các nhóm này.

Ankara đã khởi xướng hành động ngoại giao và thực sự thuyết phục Nga thiết lập vùng đệm phi quân sự giữa các vùng lãnh thổ do phiến quân nắm giữ và các khu vực do chính quyền kiểm soát theo thỏa thuận tại Sochi ngày 17/9 năm ngoái.

Với lời hứa hẹn đưa HTS rời khỏi khu vực, tình hình Idlib đã xuống thang trong vài tháng qua. Tuy nhiên, lời hứa của Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành hiện thực.

Bất chấp các cuộc oanh tạc trên không của Nga và các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến binh HTS đã từ chối rời bỏ hoặc buông vũ khí để gia nhập Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trên thực tế, HTS thậm chí còn mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực. Nhóm này cũng gia tăng các cuộc tấn công vào căn cứ không quân của Nga tại Khmeimim ở tỉnh Latakia và bắt đầu đe dọa các căn cứ quân sự quan trọng khác của Nga tại đây. Trước diễn biến mới này, không quân Nga và lực lượng Syria bắt đầu hành động.

Trước những thất bại của Ankara trong việc giữ lời hứa theo thỏa thuận ở Sochi, Moscow đang công khai ủng hộ những bước tiến của lực lượng Syria ở Idlib, nói rằng đã đến lúc phải dùng đến giải pháp quân sự.

Tuy nhiên, hai động thái quan trọng đã được Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sau khi chiến dịch trên không ở Idlib bắt đầu. Đầu tiên, cường độ của vụ bắn phá đã giảm đi phần nào sau cuộc họp ngày 8/4 tại Moscow giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Thứ hai, Nga quyết định rút lực lượng khỏi Tel Rifaat, chỉ hai ngày sau cuộc họp Erdogan-Putin. Cả hai động thái này đều được coi là những cử chỉ thiện chí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy Điện Kremlin sẵn sàng thực hiện một số thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Idlib.

Tuy nhiên, tiến trình của các sự kiện cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của Moscow. Rõ ràng, hành động cân bằng chiến lược của Ankara giữa Nga và Mỹ đã không thành.

Lo ngại cuộc chơi Syria thay đổi, Nga bật đèn xanh tấn công Idlib dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Các đợt tấn công lẻ tẻ ở Idlib đã được lực lượng Syria thực hiện.

Là một phần trong chiến lược nhằm giải phóng lực lượng người Kurd ở khu vực kéo dài từ Tel Rifaat đến Manbij, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng duy trì quan hệ nồng ấm với Nga để nỗ lực giảm leo thang ở Idlib và tiếp tục đối thoại với Mỹ ở các khu vực thống trị bởi người Kurd.

Tuy nhiên, chiến lược này rõ ràng vẫn chưa làm hài lòng Mỹ hoặc Nga. Cuộc tấn công Idlib là một tín hiệu rõ ràng về sự thất bại này. Nói một cách ẩn dụ, cuộc tấn công Idlib là cách Nga nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ không cho phép Ankara và Washington thiết lập một trò chơi mới ở Syria mà không có sự đồng ý của mình.

Mặc dù một số người tin rằng Tổng thống Assad đang có kế hoạch phá vỡ các mối quan hệ của Ankara-Moscow thông qua hoạt động của Idlib, tuy nhiên đó có thể không phải là chính xác những gì đang diễn ra, vì một hoạt động như vậy sẽ không bao giờ bắt đầu nếu không có "đèn xanh" từ Nga.

Hiện tại, rất khó để ước tính Tổng thống Putin sẽ phản ứng mạnh mẽ như thế nào khi Ankara có thỏa thuận với Washington, nhưng tin tức đến từ chiến trường đã cho thấy các cuộc đụng độ đã tràn về các khu vực có 12 trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày 5/5, quân đội Syria đã quấy rối đài quan sát số 10 ở thị trấn Zawiya phía tây bắc Hama bằng hỏa lực pháo binh. Bốn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thương trong vụ tấn công.

Vào ngày 12/5, lực lượng Syria đã nổ súng vào một trạm quan sát khác. Damascus vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc liệu họ có vô tình tấn công hay không.

Ngoài các cuộc tấn công vào các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc đụng độ cũng đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng thêm nỗi sợ hãi của Ankara về một làn sóng tị nạn mới.

Tuần trước, Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng số dân thường chạy trốn khỏi các khu vực giao tranh đã lên tới 150.000. Thương vong dân sự trong hai tuần trước vượt quá con số 100.

Nga đang đẩy mạnh chiến lược tích cực hỗ trợ chính quyền Syria. Và trong trường hợp tấn công Idlib toàn diện, một làn sóng tị nạn mới sẽ không phải là vấn đề duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, ông Erdogan đã gọi cho người đồng cấp Putin vào ngày 14/5 để bày tỏ mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình này.

Những bước tiến của quân đội Syria sẽ cho phép Tổng thống Assad giành quyền kiểm soát đường cao tốc Aleppo-Latakia và bao gồm toàn bộ khu vực đặt các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bị vướng vào cuộc xung đột chéo giữa quân đội Syria một bên và một bên là phiến quân đối lập và phiến quân HTS, là mối nguy hiểm thực sự đối với khoảng 200 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang phục vụ tại các tiền đồn này.

Nếu Moscow từ bỏ hoàn toàn Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ buộc phải đi theo một trong hai con đường không mong muốn: từ bỏ ba tiền đồn ở đó hoặc tiếp tục giữ binh lính tại đây mặc dù rủi ro ngày càng tăng.

Nhưng với thỏa thuận S-400 đang diễn ra tình hình sẽ chưa thể sớm định đoạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại