Hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông quốc tế trong suốt thời gian qua.
Tưởng như vấn đề này hiện tại đã được giải quyết với phần thắng thuộc về Nga và Mỹ là bên thất bại thì những diễn biến mới nhất cho thấy vẫn cực kỳ khó lường.
Ngay từ đầu, Mỹ đã tuyên bố không chấp nhận việc một thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại đi mua sắm vũ khí Nga vì sẽ gây đe dọa nghiêm trọng đến tính thống nhất của khối.
Washington cho biết sẽ loại bỏ Ankara khỏi dây chuyền cung cấp thiết bị cho tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II đồng thời đình chỉ việc bàn giao chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 tối tân này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chịu nhượng bộ, Ankara vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng mua sắm S-400 với Nga, họ đã nhận đủ tổ hợp đầu tiên và đang được bàn giao hệ thống thứ hai.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất được Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính là được tham gia sản xuất các thành phần của S-400 trên đất của mình, mở rộng ra là các loại tiêm kích Nga như Su-35 hay Su-57.
Mặc dù vậy, sau những thuận lợi ban đầu thì sóng gió đã nổi lên giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới hợp đồng mua sắm vũ khí cực kỳ đình đám trên.
Trang Avia cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng không hài lòng với Nga, liên quan đến hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf cho nước này.
Thông tin về chủ đề trên được chính quan chức đứng đầu Ban Thư ký Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir cung cấp cho giới truyền thông.
Vấn đề chính theo Thổ Nhĩ Kỳ chính là sự chậm trễ của Nga đối với việc chuyển giao công nghệ áp dụng trong hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf mà trước đó Moskva đã cam kết với Ankara.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một năm tới. Không giống như đợt giao hàng đầu tiên, có cam kết về việc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ. Sự chậm trế của Nga đã vượt ra ngoài thỏa thuận", ông Ismail Demir nói rõ.
Về phía ngược lại, các chuyên gia lưu ý rằng việc chuyển giao công nghệ lõi của hệ thống phòng không S-400 Triumf là vô cùng khó khăn đối với Nga.
Nếu điều đó diễn ra, các đối tác quan trọng sẽ buộc phải từ chối mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf khi bí mật đã bị lộ cho một quốc gia khác.
"Nếu một thành viên NATO có các công nghệ S-400 thì sẽ không một quốc gia nào muốn mua hệ thống vũ khí này nữa, vì trong trường hợp trên, các biện pháp đối phó sẽ nhanh chóng được đưa ra khiến sự quan tâm đến Triumf sẽ sụt giảm mạnh mẽ".
Thực ra ngay từ đầu khả năng Nga chuyển giao công nghệ S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bị coi là viễn tưởng, bởi ngay cả đối tác số 1 của họ về quân sự là Ấn Độ cũng chẳng dám mơ đến điều này.
Thậm chí có thể kể ra đây trường hợp điển hình là tiêm kích thế hệ 5 FGFA, bất chấp New Delhi là bên cung cấp vốn cho dự án nhưng Nga vẫn không nghiêm chỉnh chuyển giao công nghệ cho họ, đây là một trong các lý do dẫn tới hợp đồng đổ bể.
Thái độ mới của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có liên quan tới "củ cà rốt" vừa được phía Mỹ đưa ra, đó là Washington sẽ cung cấp cho Ankara một gói hỗ trợ kinh tế có giá trị rất lớn, lên tới 100 tỷ USD.
Nhiều khả năng những lời chỉ trích được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra liên quan tới tiến độ chuyển giao công nghệ S-400 cho họ nhằm quy trách nhiệm sang Nga chỉ là lý do để rút chân khỏi thương vụ này một cách êm thấm mà thôi.
Nhưng cũng không thể bỏ qua viễn cảnh đây chỉ là một chiêu thức nữa của ông Tayyip Erdogan, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng biến cả Nga và Mỹ thành "con tin" cho chiến lược của mình.
Diễn biến trước mắt trong bàn cờ địa chính trị khu vực Trung Đông giữa Nga - Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo sẽ còn vô cùng phức tạp và khó lường.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tho-nhi-ky-bat-ngo-chi-trich-nga-du-doi-ve-hop-dong-s400/832962.antd