Trước khi bỏ lại chiến trường Syria, M72 LAW có thể khiến lực lượng khủng bố tại Syria gặp ác mộng dù vũ khí này không thực sự mạnh mẽ như khẩu RPG-7 của Nga.
Súng chống tăng M72 LAW được bắt đầu được sử dụng trong quân đội Mỹ năm 1963, dù hiện nay không còn được sử dụng bởi quân đội Mỹ, nhưng M72 LAW với một vài cải tiến nhỏ vẫn còn được sản xuất bởi công ty Raufoss Nammo AS ở Na Uy.
Súng nặng 2,5 kg, dài chưa đến 1 m lúc mở ra (chỉ 0,67 m lúc gấp lại), đường kính nòng 66 mm. Mỗi quả đạn dùng cho M72 LAW nặng 1,8 kg. Tốc độ đầu nòng của đạn là 145 m/s. So với các loại súng chống tăng khác như SMAW và AT4, thì M72 LAW được đánh giá là dễ dùng hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn nhiều (mỗi quả khoảng 900 USD).
Súng được dùng nhiều trong Chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên đã thể hiện tệ hại trong trận Làng Vây với cả chục quả bắn vào đội xe tăng PT-76 nhưng không hạ được chiếc nào. Hoặc bắn trượt, hoặc trúng vào lớp giáp nghiêng của PT-76 và bật ra.
Tầm bắn hiệu quả của M72 rất thấp chỉ từ 170-220 m. Dù không thực sự ấn tượng nhưng súng M72 LAW vẫn khá hiệu quả trong chiến tranh đô thị tại Afganistan, Iraq và Syria.
Giải thích cho vấn đề này, tờ USNI News nhận định việc M72 có thể làm mưa làm gió tại chiến trường Trung Đông vì lực lượng phiến quân hầu như không có xe tăng thay vào đó là những xe thiết giáp hạng nhẹ.
Cũng giống như AT-4, súng chống tăng M72 đã bị Mỹ cho loại biên toàn bộ, loại vũ khí này chỉ còn trong trang bị của một số nước đồng minh thân cận của Mỹ.
Và dù đã bị loại biên nhưng hồi năm 2015, Mỹ đã quyết định viện trợ cho Ukraine loại súng chống tăng này để phục vụ cho cuộc chiến tại miền Đông với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, Mỹ đã chuyển cho Kiev loại súng này hay chưa đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào.