Giao thông ách tắc tại thủ phủ Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh do đèn tín hiệu không hoạt động vì mất điện. Ảnh: Weibo
Đứt gãy diễn ra tại thời điểm các nhà sản xuất, vận chuyển đang phải chạy đua với thời gian để đáp ứng các đơn hàng từ quần áo cho tới đồ chơi phục vụ kỳ mua sắm cuối năm. Cùng với đó là những khó khăn đến từ giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, thiếu hụt container xuất khẩu cũng như tình trạng ách tắc tàu tại các cảng biển lớn.
Các nhà chế tạo Trung Quốc cảnh báo những biện pháp nghiêm ngặt về cắt giảm sản lượng điện sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất tại các trung tâm sản xuất lớn như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông – ba tỉnh thành đóng góp tới hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ngờ thiếu hụt điện năng tại Trung Quốc. Nhiều khu vực trên thế giới đang mở cửa trở lại sau khi buộc phải đóng cửa vì COVID-19, làm tăng nhu cầu sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt. Điều này khiến giá than đá dùng cho nhiệt điện leo thang. Nhưng giới chức Trung Quốc không cho phép các nhà máy này tăng giá mạnh đủ để bù mức tăng đầu vào, buộc họ phải cắt giảm thời gian cấp điện từ các nhà máy.
Khan hiếm điện lần này mang đặc điểm riêng của Trung Quốc. Khoảng 2/3 sản lượng điện tại Trung Quốc đến từ nhiệt điện chạy than, lĩnh vực mà Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt mức độ phụ thuộc để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Giá than đá tăng, nhưng vì chính quyền giữ giá điện thấp, nên nhu cầu tiêu thụ của hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp tục tăng.
Đối diện với tình cảnh càng chạy càng thua lỗ vì giá than tăng nhưng giá bán không tăng, một số nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc trong nhiều tuần trở lại đây đã phải đóng cửa, với lý do duy tu, bảo dưỡng để bảo đảm vận hành an toàn. Số khác hoạt động dưới công suất thiết kế.
Thiếu hụt điện năng tại Trung Quốc đang gây ra quan ngại mới đối với chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Reuters
Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) hồi tháng 8 vừa qua cũng ra yêu cầu 20 thành phố lớn cùng nhiều tỉnh thành phải giảm tiêu thụ điện năng đến cuối năm. Nhà điều hành lý giải quyết định này là để đạt mục tiêu của chính phủ về cắt giảm khí carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch.
Tại thành phố Đông Hoản (Dongguan), một trung tâm sản xuất ở Quảng Đông giáp Hong Kong, một nhà máy sản xuất giày với 300 nhân công trong tuần trước đã phải bỏ ra số tiền 10.000 USD để thuê máy phát điện trong một tháng nhằm duy trì hoạt động sản xuất. Giá thuê cộng với khoản tiền chi ra để mua dầu diesel phát điện làm cho chi phí điện năng tăng gấp đôi so với bình thường. “Đây là năm tệ nhất kể từ thời điểm chúng tôi mở cửa vận hành nhà máy 20 năm trước đây”, Jack Tang, giám đốc điều hành nhà máy này, cho biết.
Thiếu hụt năng lượng trên phạm vi cả nước đã khiến giới phân tích kinh tế giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay. Tập đoàn tài chính Nomura cắt giảm tăng trưởng GDP quý 4 của Trung Quốc xuống còn 3% so với mức 4,4% của kỳ dự báo trước. Đứt gãy sản xuất cũng sẽ khiến cho các thị trường ở nhiều nước phương Tây sớm phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, dễ gây ra tình trạng lạm phát tăng cao trong vài tháng tới.
Khan hiếm điện đã làm trầm trọng thêm vấn nạn ách tắc chuỗi cung. So với năm ngoái, tỉ lệ tăng tiêu thụ điện năng tại Trung Quốc năm nay cao gấp đôi. Nguyên do là các nhà máy sản xuất tại đại lục nhận được lượng đơn hàng tăng vọt, về các sản phẩm như điện thoại thông minh, đồ điện gia dụng, thiết bị tập thể thao cùng nhiều mặt hàng chế tạo khác. Thiếu hụt điện tại Trung Quốc vì thế khiến giá hàng hóa tại nhiều thị trường, như ở châu Âu, tăng theo.
Giới phân tích nhận định thiếu hụt điện sẽ tác động mạnh đến các ngành công nghiệp nặng như sản xuất sắt thép và các khu vực hạ nguồn trong ngành dầu khí tại ở Trung Quốc. Tại trung tâm công nghiệp Quảng Đông, Cơ quan điện lực của tỉnh này đã gửi thông báo về quyết định thực thi cắt điện diện rộng.
Theo Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại Nomura Holdings, các thị trường toàn cầu sẽ sớm cảm nhận được mức độ khan hiếm nguồn cung của nhiều sản phẩm, từ dệt may, đồ chơi, cho tới thiết bị, phụ tùng máy móc. “Chủ đề nóng nhất liên quan đến Trung Quốc sẽ sớm dịch chuyển từ câu chuyện của tập đoàn Evergrande sang khan hiếm năng lượng”, chuyên gia này bình luận.