Thiếu chính sách hỗ trợ xe máy điện

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI |

Ô tô điện được miễn lệ phí trước bạ lần đầu trong 3 năm kể từ ngày 1-3-2022, còn xe máy điện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ này

Đánh giá thị trường xe máy điện của Việt Nam rất tiềm năng, nhiều nhà sản xuất, lắp ráp đã đầu tư lớn, cung cấp đa dạng mẫu xe với mức giá phù hợp nhiều phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, cả nước mới có hơn 2 triệu xe máy điện lưu hành, rất thấp so với khoảng 72 triệu chiếc xe máy chạy xăng.

Nguồn cung sẵn sàng

Thị trường xe máy điện trong nước ghi nhận sự cạnh tranh của hàng chục hãng xe, trong đó có nhiều thương hiệu quốc tế.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho biết mảng sản xuất xe máy điện của tập đoàn mới hoạt động được khoảng 20% công suất. Dẫu vậy, tập đoàn vẫn có kế hoạch đầu tư thêm 300 tỉ đồng để mở rộng nhà máy, nâng công suất lên 300.000 xe/năm.

Trong khi đó, hãng xe máy điện Dat Bike đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại TP HCM với công suất gấp đôi nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Theo ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, người sáng lập kiêm CEO hãng xe máy điện Dat Bike, thị trường xe 2 bánh chạy điện của Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%/năm. "80% xe máy điện sản xuất ở Đông Nam Á là dành cho thị trường Việt Nam. Do đó, nếu nghiêm túc đầu tư thì thị trường xe máy điện Việt Nam có thể vươn lên, đứng ngang các nước đã phát triển lĩnh vực này như Ấn Độ, Trung Quốc" - ông Sơn nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO hãng xe máy điện Selex Motors, xác nhận nếu thị trường phát triển đủ lớn, công ty sẽ gọi vốn xây dựng thêm nhà máy để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tăng cao.

Thiếu chính sách hỗ trợ xe máy điện- Ảnh 1.

Xe máy điện có mặt trên thị trường với nhiều mẫu mã, mức giá, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc

Cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi

Lý giải về việc thị trường xe máy điện chưa phát triển như kỳ vọng, nhiều nhà sản xuất, lắp ráp cho rằng xe máy chạy xăng hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân. Không nhiều người sẵn sàng chuyển đổi từ phương tiện đang sử dụng sang phương tiện mới nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, bởi giá xe máy điện hiện nay tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao so với xe máy chạy xăng. "Nhiều nước trong khu vực đã có chính sách hỗ trợ người dân dễ dàng chuyển đổi sang xe máy điện. Chúng ta cũng cần có chính sách như thế" - ông Hoàng Mạnh Tân nói.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cũng nhấn mạnh với một sản phẩm còn mới mẻ như xe máy điện, cần thiết có chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Ông Nguyên dẫn chứng Indonesia, Thái Lan đã triển khai chính sách hỗ trợ 400 - 500 USD cho mỗi chiếc xe máy điện bán ra. Bên cạnh đó, các nước cũng hỗ trợ về thuế, phí để khuyến khích người dân mua xe máy điện, dần tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông mới hợp với xu thế toàn cầu.

Đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe điện, các chính phủ cũng hỗ trợ về thuế, phí, đất đai và có chính sách bảo hộ để doanh nghiệp phát triển. Còn ở Việt Nam, mức thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất xe điện vẫn còn rất cao, khoảng 20% - 30%. Từ đó, ông Nguyên kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất xe máy điện, góp phần giảm giá thành sản phẩm.

"Nghịch lý hiện nay là ô tô gây ùn tắc giao thông thì lại được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ đối với những dòng thuần điện, còn xe máy điện cũng là phương tiện thân thiện với môi trường thì lại chưa được hỗ trợ. Nếu được ưu đãi thuế, phí, giá thành xe máy điện có thể giảm 20% - 30%" - ông Nguyên tính toán.

Theo các doanh nghiệp, cần có chính sách, lộ trình rõ ràng để tạo niềm tin, cơ sở huy động nguồn lực đầu tư. Chẳng hạn, cần đặt mục tiêu số lượng xe máy điện tiêu thụ trong một giai đoạn nhất định; mục tiêu chuyển đổi dịch vụ xe ôm công nghệ, vận chuyển hàng hóa sang sử dụng 100% xe máy điện... Bên cạnh đó, cần xem xét lại chính sách tín dụng bởi người dân hiện chỉ được vay ngân hàng để mua xe máy chạy xăng mà chưa được vay để mua xe máy điện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại