Trang The Paper đưa tin ngày 17/5, một người đàn ông lớn tuổi sống tại thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã và đang quyết tâm tìm con trai biến mất suốt 8 năm qua.
Trong quãng thời gian dài ấy, ông đã gửi gắm tâm tình người cha trong 78 lá thư và nhờ cộng đồng mạng chia sẻ với hi vọng con trai sẽ đọc được và quay về nhà.
Người cha tội nghiệp ấy tên là Dương Kỳ Phong, đang đi tìm con trai Dương Thanh đã mất tích từ năm 2012.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dương Kỳ Phong kể lại, con trai ông từ nhỏ đã rất thông minh và luôn đạt điểm xuất sắc.
Năm Dương Thanh 10 tuổi đã đi học trung học, đến năm 16 tuổi học đại học.
Dù thành tích học tập nổi bật nhưng tính cách anh lại hướng nội, không thích giao lưu với người khác, vì thế không có bạn bè nào cả. Dương Thanh tuy là một người hướng nội nhưng rất hào phóng với người xung quanh.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Dương Thanh làm việc tại một công ty ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến. Làm được hơn 1 năm thì anh đột ngột từ chức nghỉ việc.
Lúc này, Dương Thanh mới trở về quê nhà và bắt đầu tìm việc làm trên mạng nhưng liên tục gặp trục trặc.
Sáng ngày 30/7/2012, Dương Thanh ra khỏi nhà và không trở về nữa, đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về anh. Ở thời điểm mất tích, Dương Thanh đã 28 tuổi.
Ảnh chụp Dương Thanh trước khi mất tích.
Sau khi Dương Thanh mất tích, viết thư cho con trai trở thành động lực sống lớn nhất của ông Dương Kỳ Phong. Hằng ngày ông luôn đeo kính lão và viết thư, rồi nhờ vả cộng đồng mạng chia sẻ những lá thư đó.
Trước đây, ông đã từng chia sẻ: "Tôi rất muốn liên lạc được với con trai, cứ vài ngày là tôi lại gửi tin nhắn vào tài khoản QQ Chat của nó, cứ gửi như thế tổng cộng đã được 78 lá thư. Tôi rất hi vọng có thể nhận được phản hồi từ nó".
Trong 8 năm qua, gia đình đã tìm kiếm khắp nơi từ Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Giang Tô và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Họ cũng liên lạc với các phương tiện truyền thông và đăng tin tìm người trên các trang web khác nhau nhưng không có thêm manh mối nào cả.
Ông Dương Kỳ Phong chia sẻ, bất cứ lúc nào nghĩ đến việc con trai đang phải đơn độc một mình, ông đều rất đau lòng: "Mặc dù khó khăn trùng trùng nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc, tôi không sợ khổ, không sợ mệt, tôi chỉ sợ không tìm được con trai!".
"Mặc dù cuộc sống khổ cực nhưng con trai từ nhỏ đã đặc biệt thông minh. Nó thi đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, sau đó học tiếp lên thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Thiểm Tây.
Nó luôn là niềm kiêu hãnh của tôi", ông Dương Kỳ Phong tự hào kể lại.
"Tôi và vợ đều là giáo viên trường làng. Lúc Dương Thanh còn nhỏ, chúng tôi thường dạy cho nó nhiều bài thơ và ca khúc thiếu nhi.
Lúc 4 - 5 tuổi, nó đã học chơi cờ tướng, ngay cả các giáo viên trong trường của chúng tôi cũng không phải là đối thủ của nó.
Còn cờ vây là nó tự học vì ở chỗ chúng tôi sống không ai biết chơi môn đó. Nó cứ chơi 1 mình, lần lượt đi cờ trắng rồi tới cờ đen".
"Dương Thanh đã giành được giải thưởng trong cuộc thi hát ở trường tiểu học và trung học ở thị trấn năm 9 tuổi... Khi lớn hơn một chút, nó bắt đầu chơi bóng bàn và bóng rổ".
Tuy nhiên điều mà đôi vợ chồng già tự hào nhất là thành tích học tập của con trai. Trong trường cấp 2 chỉ có 5 người đậu vào trường cấp 3 trọng điểm và Dương Thanh là nam sinh duy nhất trong số đó.
Thời điểm này, Dương Thanh chỉ mới 10 tuổi.
Người cha thường viết trên trang cá nhân thế này: "Con trai có cô đơn không? Có đang bị chèn ép không? Từ nhỏ đến lớn con trai tôi luôn không phải là người hay nói xấu người khác, cũng không phải là người hay than thân trách phận.
Con trai có cao hơn không? Hay có mập mạp hơn trước không? Có tự mua quần áo mới cho mình không? Có quen với cuộc sống ở miền Nam không?
Làm việc có mệt hay không? Mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp có tốt không? Vẫn còn ít nói như xưa sao?".
Trước ngày mất tích, Dương Thanh có ra ngoài một mình giữa khuya. Đến 6 giờ sáng hôm sau, anh trở về nhà. Khi mẹ đang nấu ăn ở bếp thì Dương Thanh đi tắm.
Nhưng sau đó, bà phát hiện con trai sau khi tắm xong đã ra khỏi nhà. Từ thời điểm đó, Dương Thanh đã không trở về nhà nữa. Anh cũng không mang điện thoại di động, giấy tờ tùy thân và tiền bạc.
Ông Dương Kỳ Phong luôn mang nỗi hoang mang trong lòng: "Tôi luôn không hiểu tại sao con trai ra đi không lời từ biệt, thậm chí đến một tin nhắn cũng không có".
Ban đầu, cả gia đình nghĩ anh chỉ đi đâu đó vài ngày như thường lệ. Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không có tin tức gì, họ mới nhận ra anh đã mất tích. Gia đình đã báo cảnh sát khi Dương Thanh rời nhà đi đúng 1 tháng.
Ngày 26/10/2012, 88 ngày sau khi con trai mất tích, ông viết lá thư đầu tiên: "Con ơi, con đang ở đâu, thời tiết nơi con ở như thế nào? Con có lạnh không?
Cha mẹ ngày đêm nhớ con, đau lòng vì con. Chỉ xin con hãy liên lạc với gia đình, để chúng ta gặp lại nhau, để giảm bớt những nhớ nhung về con,..."
Được biết, sau khi Dương Thanh mất tích, người mẹ đã ngã bệnh, rơi vào trạng thái mất ngủ và phải dùng thuốc để có thể có được giấc ngủ ngắn ngủi.
Ngày 29/1/2013, lá thư thứ 59 được đăng tải công khai: "Thanh ơi, bà con dù sức đã già yếu nhưng vẫn lo lắng bố mẹ sẽ không thể kiên trì đến lúc gặp lại con.
Bà nội con năm nay 78 tuổi và đang bị căn bệnh xơ gan hành hạ nhưng bà đã đến nhà mình nhiều lần và nắm lấy tay cha nói: 'Con phải kiên cường hơn, phải quan tâm chăm sóc mẹ thằng Thanh, con gặp chuyện không may thế này, mẹ cũng không thiết sống nữa'".
"Bà ngoại của con thì luôn rơi nước mắt: 'Thằng Dương Thanh đã về nhà chưa? Tại sao lại rơi vào hoàn cảnh thế này?'".
"Mẹ con cả ngày đều không thể rơi một giọt nước mắt, không hối hận, không tự trách, không than vãn, chỉ ngồi lặng thinh.
Còn cha thì luôn cảm thấy bồn chồn bất an, tâm trí rối loạn, không ít lần nghĩ đến việc nhảy từ tầng 3 xuống đất hay có ý muốn đâm đầu vào xe trên đường".
78 lá thư ghi lại những lời bình dị nhất, những lời ông muốn nói với con trai mỗi ngày.
Ngày 10/11/2012, trong lá thư thứ 18 của mình, ông Dương Kỳ Phong viết: "Tại sao con không thích giao tiếp với người khác, lẽ nào là vì không có tiếng nói chung sao? Áo mặc, cơm ăn, chỗ ở và đi lại, tại sao con không quan tâm bất kỳ điều gì?
Tại sao con lại khắt khe với bản thân như thế? Tại sao con không nói đến chuyện yêu đương? Cha mẹ rốt cuộc có điểm nào không tốt hay người nào đã làm tổn thương con vậy?".
Chia sẻ với truyền thông, ông Dương Kỳ Phong cho biết, mình sẽ không từ bỏ hy vọng tìm con bằng những con chữ, mong những người tốt bụng trên mạng sẽ giúp lan tỏa thông tin đến con trai: "Chúng tôi cực kỳ sợ tiếng chuông điện thoại.
Nhưng càng sợ con trai không về được nhà hay bỏ lỡ thông tin về con trai nên chúng tôi không dám tắt máy".
Khi được hỏi ông muốn nói gì với con trai nhất, ông ngập ngừng trả lời: "Thanh à, con luôn là con trai của cha mẹ, cha mẹ sắp không chống đỡ được nữa rồi, con mau về nhà đi.
Bố mẹ nhớ con lắm. Cửa nhà mình sẽ không bao giờ khép lại vì chờ đợi con, nhanh chóng liên lạc với gia đình con nhé".