Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây

Thùy Anh |

Là một trong hàng vạn đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hoàng Anh Sướng chưa bao giờ dừng lại trong hành trình lan tỏa “di sản" của Thầy đến với cộng đồng.

Dưới hình thức là một cuộc đối thoại giữa nhà báo Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Hạnh phúc đích thực” đã khắc họa và mang đến cho bạn đọc nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống. Cho đến nay, cuốn sách vẫn là một trong những tác phẩm “gối đầu giường" của nhiều người.

Tính đến nay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tròn 2 năm. Nhưng với những người như nhà báo Hoàng Anh Sướng, thầy vẫn còn đó, trong “Hạnh phúc đích thực" và trong mỗi người…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 1.

PV: Cuốn sách “Hạnh phúc đích thực" của anh đã ra mắt được gần 10 năm. Anh còn nhớ những cảm xúc đầu tiên khi được “theo chân" Thiền sư Thích Nhất Hạnh rong ruổi khắp nước Mỹ không?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Hạnh phúc đích thực” là tên cuốn sách mà tôi là tác giả. Đây là cuộc trò chuyện giữa tôi và Thiền sư Thích Nhất Hạnh xoay quanh chủ đề về hạnh phúc, làm thế nào để chế tác được hạnh phúc đích thực?

Chuyến đi Mỹ kéo dài suốt 2 tháng theo chân Thiền sư hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ đã giúp tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều điều tuyệt vời về Thầy, về những đệ tử xuất sĩ của Thầy và rất, rất nhiều những câu chuyện về sự chuyển hóa kỳ diệu của nỗi khổ, niềm đau trong sau khi họ tham gia những khóa tu do Thầy tổ chức.

Tôi được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm cùng Thầy và 300 quý sư thầy, sư cô. Màn vô minh giống như màn sương mù che lấp bao năm dần tan, tôi nhìn mọi vật, mọi sự đúng hơn. Trái tim dần rộng mở yêu thương. Những sân hận giảm dần. Lòng bao dung hơn, độ lượng hơn với đời. Mặt hồ tâm dần tĩnh lặng để phản chiếu rõ hơn mây bay, gió thổi, hoa nở, tiếng chim ca. Hạnh phúc đến ngày một nhiều.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 2.

Hai tháng sống bên cạnh Thầy là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Chính Thầy, bằng trí tuệ tuyệt vời và trái tim yêu thương của một đấng giác ngộ đã mở cánh cửa kho tàng tuệ giác của Đạo Phật, trao truyền cho tôi những pháp môn thật quý để chế tác khổ đau thành hạnh phúc, chế tác bùn thành sen.

Và vì thế, với tôi, cuộc gặp gỡ với Thầy là một bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời. Tôi biết ơn duyên lành ấy và biết ơn những ngày tháng được thực tập cùng Thầy – những ngày tháng vô cùng bình an và hạnh phúc.

PV: “Hạnh phúc đích thực”, theo anh hiểu từ lời dạy của Thiền sư, thì đó là gì? Anh có thể đưa ví dụ thực tế để công chúng dễ hiểu?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Tôi vẫn nhớ, mở đầu cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi Thiền sư: “Hạnh phúc là gì?”. Thầy đã trả lời: “Hạnh phúc là an lạc. Không có an thì không có lạc. An trong thân và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được. Trong khi đó, tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động. Nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm”.

Câu trả lời ấy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp tôi hiểu, vì sao, rất nhiều người giàu có, rất nhiều người nổi tiếng, rất nhiều người có địa vị, quyền lực cao trong xã hội mà họ vẫn đau khổ... Là bởi vì họ không có bình an ở trong thân và trong tâm. Họ có quá nhiều những căng thẳng, lo âu, sợ hãi, giận dữ, căm hờn, ghen ghét, đố kỵ…, trong đó, có những người luôn cảm thấy cô đơn mặc dầu họ rất nổi tiếng, có hàng triệu người hâm mộ. Bởi họ thiếu tình thương.

Cổ nhân có một câu rất hay: “Nội yên tri phúc”, nghĩa là: khi cái tâm bên trong của chúng ta an yên thì chúng ta sẽ có hạnh phúc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 3.

PV: Đã có hạnh phúc đích thực thì tức là có những hạnh phúc không đích thực phải không anh?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Đúng vậy! Hạnh phúc không đích thực, nói một cách khác, là hạnh phúc ảo, bắt nguồn từ những thứ khiến tâm mình bất an. Nó trái ngược với nền tảng căn cốt của hạnh phúc đích thực, đó là tâm an lạc. An là yên. Lạc là vui.

Hạnh phúc ảo bắt nguồn từ những ham muốn khôn cùng về danh vọng, tiền bạc, quyền bính, sắc dục…, những thứ mà ta cứ tưởng, nó sẽ mang lại cho mình hạnh phúc nhưng sự thực, chỉ là khổ đau. Nhà Phật gọi đó là ‘Tham” – một trong “tam độc”. Đó là tham, sân, si – ba thứ độc hại khiến tâm mình bất an.

Quan sát nhiều năm nay, tôi thấy, ở đời, ai cũng có ít nhiều lòng tham. Người thì tham tiền, danh vọng, quyền lực. Và thực tế, tôi thấy, tham ít thì khổ ít. Tham nhiều thì khổ nhiều. Càng tham càng khổ.

Quán sát kỹ, tôi thấy, từ tham dễ dẫn người ta đến sân (tức giận, hận thù) và si (si mê, mù quáng). Và vì thế, khổ đau chồng chất khổ đau. Hận thù, bạo động, chiến tranh, chết chóc… bắt đầu từ đó.

Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã giảng một bài pháp rất hay về hạnh phúc. Ngài cho rằng, hạnh phúc không phải là sự ham muốn dục lạc. Dục lạc chỉ mang đến cho ta ảo tưởng về hạnh phúc. Nhưng sự thật nó chỉ đem lại khổ đau. Để chứng minh điều đó, Ngài đã kể một câu chuyện.

Chuyện rằng: Người đàn ông nọ mắc bệnh hủi. Thời xa xưa, bệnh hủi là “tứ chứng nan y”. Cả làng kinh sợ, xa lánh, hắt hủi. Người đó phải vào trong tít tận rừng sâu, sống một mình. Mỗi khi lên cơn ngứa, không chịu nổi, ông thường hơ chân tay, mình mẩy đang ngứa đến phát điên phát dại lên trên hố lửa, bên dưới chất đầy củi khô. Ông cảm thấy dễ chịu. Một lúc sau, cơn ngứa tạm dừng. Ngày nào hết củi, không được hơ thân trên lửa, cơn ngứa hành hạ khiến ông vô cùng đau khổ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 4.

Rất may cho ông, vài năm sau, khỏi bệnh. Ông trở về làng đoàn tụ với gia đình. Một hôm, trở lại cánh rừng xưa, ông chợt bắt gặp mấy người bị hủi đang hơ mình trên hố lửa hồng. Tiến lại gần, ông giật nảy mình. Nóng quá. Nóng như thiêu như đốt, không chịu nổi. Ông bỗng ứa nước mắt, thấy xót thương cho những người bệnh hủi vô cùng.

Kể đến đây, Đức Phật dừng lời. Một lát sau, Ngài nói: Tham đắm vào dục lạc cũng giống như nướng mình trên hố than hồng. Hành động này đem lại khổ đau ngay trong hiện tại và cho cả tương lai.

Một đệ tử băn khoăn hỏi: “Thưa Đức Thế Tôn! Nếu đam mê dục lạc không phải là hạnh phúc thì cái gì là hạnh phúc?”. Phật ôn tồn bảo: An trú trong giây phút hiện tại, ý thức được những gì đang xảy ra bên trong và bên ngoài ta, bây giờ và ở đây, ta sẽ tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống: một áng mây trắng, một bông cúc vàng, một bữa cơm ngon, những khuôn mặt của người thương… Ta tận hưởng trọn vẹn những niềm hạnh phúc ấy nhưng không bị ràng buộc, tham đắm vào những thứ ấy.

Muốn vậy, ta phải thấy được vạn pháp là vô thường và vô ngã. Không bị ràng buộc, tham đắm, ta sẽ sống thảnh thơi, không lo âu, không sợ hãi. Nhờ thế, ta cũng không lo âu, sợ hãi ngay cả sự sinh diệt của chính mình. Bởi vậy, niềm hạnh phúc ấy là niềm hạnh phúc chân thật.

Nhiều người trong chúng ta tin rằng, muốn có hạnh phúc trong tương lai thì phải chịu khó chịu khổ trong hiện tại. Vì vậy, chúng ta làm ngày làm đêm, đày đọa thân xác, tâm trí, hy sinh tất thảy mọi thứ những mong mua lấy hạnh phúc trong tương lai. Không! Chúng ta đã lầm.

Đức Phật đã dạy rằng: “Quá khứ đã qua đi. Tương lai thì chưa đến”. Sự sống, hạnh phúc chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Hy sinh hiện tại là giết chết sự sống, giết chết hạnh phúc chân thật.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 5.

PV: Hẳn là trong hiện tại, trong anh vẫn có sự hiện diện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong sách "Hạnh phúc đích thực", anh và Thầy có nhắc tổ tiên và sự tiếp nối. Nay anh có thể giải thích dễ hiểu cho độc giả khái niệm không sinh không diệt, sự tiếp nối đó không?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Không sinh không diệt là một trong những cái thấy vô cùng sâu sắc của nhà Phật. Nó giúp con người vượt thoát khỏi sự sợ hãi khi đối diện với cái chết.

Nếu quan sát tất cả mọi sự vật hiện tượng (nhà Phật gọi là “vạn pháp”) bằng con mắt thường, chúng ta thấy chúng có sinh có diệt. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất của vạn pháp, chúng ta sẽ thấy tự tính “không sinh không diệt” của chúng.

Hãy lấy ví dụ đám mây. Vào một buổi chiều, chúng ta lên núi. Ngẩng lên trời thấy áng mây trắng bềnh bồng trắng tựa bông đẹp quá, ta mải mê ngắm. Một lúc sau, áng mây tan. Ta buồn tiếc thương. Bởi ta nghĩ, áng mây đã chết. Nhưng không. Áng mây không chết. Áng mây hóa thành cơn mưa, rơi xuống sông, suối. Ta múc nước suối pha trà. Vì vậy, trong chén trà ta uống, có mây.

Đó là cách mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường giảng cho các Phật tử khi nói về bản chất không sinh không diệt của vạn pháp. Cái thấy này của nhà Phật rất gần với phát hiện của các nhà khoa học. Ông Lavoisier, nhà khoa học người Pháp đã từng tuyên bố: “Không có gì tự sinh ra, cũng không có gì mất đi”.

Thầy không mất đi. Thầy đang hiện diện, tiếp nối một cách đẹp đẽ trong hàng ngàn đệ tử xuất sĩ và hàng triệu đệ tử ở khắp nơi trên thế giới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 6.Nhà báo Hoàng Anh Sướng

Hiểu và thực chứng được bản chất không sinh không diệt sẽ giúp chúng ta không sợ hãi khi đối diện cái chết. Và sẽ bớt đau khổ khi ông bà, cha mẹ, người thân ra đi. Bởi thực sự họ không có mất. Họ đang được luân hồi trong chính chúng ta. Họ đang được tiếp nối. Sự tiếp nối không chỉ ở hình tướng bên ngoài, các gen di truyền mà còn là sự tiếp nối của những phẩm chất, tính cách, đức hạnh…

Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định: Không có cái gì từ có trở thành không hết. Tất cả đều được tiếp nối dưới hình thức này hay hình thức khác.

Nói về sự tiếp nối, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn thường dùng hình ảnh đám mây, sự tiếp nối của đám mây. Như đã nói ở trên, đám mây luân hồi thành cơn mưa và cơn mưa luân hồi thành nước pha trà. Vì thế, khi uống trà, ta có thể nói, mình đang uống mây. Bởi khi nhìn sâu vào chén trà bằng con mắt Thiền quán, ta thấy mây đang ở trong đó. Nước trà là sự tiếp nối của cơn mưa, cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây và đám mây là sự tiếp nối của sức nóng mặt trời cùng nước ao, hồ, sông, biển. Luôn luôn có sự tiếp nối như vậy.

Từ đó, Thầy khuyên chúng ta đừng chỉ nhìn thấy cái hình tướng bên ngoài rồi kẹt vào. Nếu kẹt vào hình tướng, ta sẽ không nhận diện được sự tiếp nối. Nhìn vào cơn mưa, mình phải thấy đám mây. Đó là nhìn với con mắt vô tướng.

Nhờ thực hành Thiền quán mỗi ngày và thực chứng được tự tính không sinh không diệt, sự luân hồi, tiếp nối của vạn pháp mà khi nghe tin người thầy tâm linh tôn kính của tôi - Thiền sư Thích Nhất Hạnh mất, tôi không thấy đau khổ, chỉ một chút buồn. Bởi tôi thấy một cách sâu sắc, rõ ràng: Thầy không mất đi. Thầy đang hiện diện, tiếp nối một cách đẹp đẽ trong hàng ngàn đệ tử xuất sĩ và hàng triệu đệ tử ở khắp nơi trên thế giới.

PV: Theo triết lý về sự không sinh diệt, thì có thể hiểu và nói là: Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang hiện diện trong anh Hoàng Anh Sướng?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Vâng! Đúng vậy. Và tôi chỉ là một trong muôn vàn sự tiếp nối của Thầy. Bởi như tôi vừa nói, Thầy có hàng ngàn đệ tử xuất gia và hàng triệu đệ tử tại gia trên khắp thế giới nên Thầy có mặt ở khắp mọi nơi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 7.

PV: Một số biểu hiện cụ thể mà anh Hoàng Anh Sướng thấy đó là sự hiện diện, tiếp nối của Thiền sự trong lối sống của anh bây giờ?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Những ai biết tôi, chơi thân với tôi từ mấy chục năm trước, đều thấy một sự thay đổi rất lớn. Những bước chân tôi không còn hấp tấp, vội vàng, hớt hải nữa mà chậm rãi, thong thả, thảnh thơi. Tôi không còn nhanh nhảu nhận xét, đánh giá ai đó mà thường chỉ lặng yên quan sát với cái nhìn sâu và lắng nghe kỹ.

Tình thương trong trái tim tôi không chỉ bó hẹp trong gia đình, người thân, bạn bè mà giờ mở rộng ra mỗi ngày, thương được nhiều người hơn, thậm chí, thương được cả những người không thương mình, trong quá khứ đã từng làm hại mình. Tôi rất hiếm khi hờn giận, trách móc, không bon chen, đố kỵ, hận thù… Tôi dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của mọi người. Ước mơ, giờ không chỉ riêng cho mình, mà cho nhiều người. Sống không chỉ cho mình mà cho mọi người.

Vì thế, hạnh phúc trong tôi ngày càng lớn.

Tất cả những chuyển hóa tích cực trong thân và tâm ấy, không phải đến từ một phép màu nhiệm nào. Đó là kết quả của sự tu tập theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhờ tích cực tu tập mà trí tuệ tôi ngày càng phát triển. Nhờ tích cực tu tập mà tình thương trong tôi ngày càng lớn. Nhờ có hai “báu vật” ấy mà tôi luôn biết chế tác khổ đau thành hạnh phúc, biết chế tác “bùn thành sen”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người khởi xướng phong trào Đạo Phật nhập thế. Suốt cả cuộc đời Thầy đã cống hiến trọn vẹn cho hạnh nguyện mang đạo Phật vào cuộc đời để giúp đời bớt khổ. Là một trong những học trò của Thầy, tôi cũng tiếp nối con đường đi đẹp đẽ ấy.

Tôi may mắn được làm nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau nên tôi có nhiều phương tiện để phụng sự xã hội.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 8.

PV: Vậy anh đã làm những gì để biến những sự chuyển hóa trong thâm tâm thành điều mà tất mà mọi người có thể nhận thấy?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Là một nhà văn, nhà báo, tôi luôn ý thức những trang viết của mình phải là những món ăn tinh thần tươi mát, lành lẽ, tưới tẩm cho bạn đọc tình yêu thương, niềm tin, lý tưởng, khát vọng sống hướng thiện, mang lại nhiều lợi lạc cho cộng đồng, cho xã hội, những tác phẩm chở đầy hiểu và thương.

Là một nghệ nhân trà Việt Nam, tôi tổ chức những buổi thiền trà cho người Việt Nam và các đoàn khách quốc tế đến từ châu Á, châu Âu, châu Úc và châu Mỹ, tôi không chỉ hướng dẫn họ về cách chế tác trà và thưởng trà hết sức độc đáo của tổ tiên mà còn chia sẻ với họ về chánh niệm, về nghệ thuật chế tác hạnh phúc, an lạc, thiết lập tình thương, hóa giải hận thù… bằng việc uống trà.

Từ đó, họ hiểu, tại sao trong vô vàn các thức uống của loài người, lại chỉ có: thiền trà, trà đạo mà không có thiền cà phê, thiền bia, thiền rượu hay bia đạo, rượu đạo? Cũng từ đó, họ hiểu, học trà đạo cũng chính là cách học về thiền, về đạo. Cũng chính là cách giúp họ giải tỏa stress, căng thẳng, tạo dựng cuộc sống an nhiên, tự tại, thiết lập truyền thông, chế tác tình thương với những người thân và bạn bè.

Là một diễn giả, tôi tiếp xúc với nhiều giới, từ các doanh nghiệp, trường học, khóa tu ở các chùa để chia sẻ về lợi lạc của việc ứng dụng chánh niệm, thiền, đạo Phật vào cuộc sống.

Là chủ nhiệm quỹ thiện nguyện Tâm Hiểu Thương, thông qua việc quyên góp xây dựng trường học, cầu cho trẻ em vùng cao, xây chùa, đền thờ liệt sĩ, tôi và các cộng sự muốn đánh thức lòng tốt, nuôi dưỡng tình thương, lòng biết ơn, đồng thời giúp mọi người nhận diện được giá trị của hạnh phúc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây.

Là một Phật tử với hạnh nguyện “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”, ngôi nhà của tôi ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã trở thành nơi trị liệu khổ đau cho mọi người.

Tôi vô cùng hạnh phúc mỗi khi giúp được ai đó trị liệu được vết thương lòng, tìm lại được sự bình an, hàn gắn được những đổ vỡ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 9.

PV: Cuối cùng thì theo anh, những người sống trong cuộc sống bình thường có thể tu tập theo phương pháp của Thiền sư Nhất Hạnh không? Cụ thể đó là những phương pháp nào? Có khó không?

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Phật pháp bất ly thế gian”. Đạo Phật không bao giờ rời xa cuộc sống. Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng phong trào đạo Phật dấn thân, đưa đạo Phật vào cuộc đời nên các phương pháp thực tập của Thầy không hề khó mà lại vô cùng lợi lạc.

Phương pháp đầu tiên, đơn giản nhất, là quan sát hơi thở. Khi hít vào, ta ý thức rằng, đây là một hơi thở vào. Khi thở ra, ta ý thức rằng, đây là một hơi thở ra. Thực tập như vậy vài phút, ta sẽ thấy thân khỏe, tâm nhẹ, bao nhiêu mệt mỏi, căng thẳng tan biến.

Hàng ngày, khi vệ sinh răng miệng, rửa mặt, hay dùng cơm, uống trà, ta tập trung toàn bộ tâm ý vào việc đó, không lăng xăng lo nghĩ việc khác. Ta sẽ nhận diện được bao nhiêu hạnh phúc có mặt trong giây phút ấy. Đó chính là phương pháp thực tập chánh niệm mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy nổi tiếng nhất thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn còn "sống": Không cần tìm ở đâu xa, Thầy hiện diện ở ngay đây- Ảnh 10.

Nhìn sâu, lắng nghe kỹ, dùng ái ngữ cũng là những phương pháp thực tập nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp chúng ta hiểu đúng, hiểu sâu về người khác. Nhờ đó mà kết nối truyền thông, thiết lập tình thân, xóa bỏ những hiểu lầm, trách cứ, rạn nứt, đổ vỡ.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ và lòng từ bi. Tất cả các phương pháp thực tập của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đều hướng đến việc giúp con người có Hiểu và có Thương. Không có hiểu thì không có thương. Vợ yêu chồng mà không hiểu chồng thì chỉ làm chồng khổ. Cha mẹ yêu con mà không hiểu con thì chỉ khiến con đau. Hiểu là nền tảng của thương yêu là vì vậy. 

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại