Đêm giao thừa. Biển thẳm sâu yên tĩnh. Cánh thủy thủ ngồi tụm lại thành từng nhóm nhỏ trên boong tàu. Những câu chuyện về cái tết quê nhà, kỷ niệm một thời hoa phượng cứ râm ran kéo dài tưởng chừng không dứt nổi...
Dưới ánh sáng nhấp nháy đa sắc của chiếc đèn xoay, tiếng ghi ta bập bùng, một giọng hát khàn đục của ai đó cất lên: Tết! tết! tết! tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người...
Vậy là tết đến thật rồi, những kỉ niệm đối với gia đình, bạn bè, đồng đội xa nhà lại ùa về như thước phim hiện ra trong từng câu chuyện kể của các chiến sĩ quanh mâm cỗ đón xuân. Trong đó, chuyến hành trình từ Ba Lan về Việt Nam cách đây gần 1 năm bao giờ cũng được họ tái hiện lại với nhiều kỷ niệm đẹp.
Nói đến tàu buồm, có lẽ ai cũng mường tượng đó là những du thuyền sang trọng với nhiều thiết bị hiện đại phục vụ các chuyến du ngoạn, tham quan danh lam thắng cảnh của những ông chủ giàu có. Quả đúng như vậy, nhưng công việc trên tàu buồm đối với các chiến sĩ Hải quân lại khác xa sự mường tượng ấy.
Trước khi trở thành những cán bộ, chiến sĩ trên các tàu chiến hiện đại. Người chiến sĩ Hải quân phải thành thạo các kĩ năng về thủy nghiệp cơ bản, khả năng chịu đựng sóng gió và kĩ năng đi biển. Điều này tàu buồm là môi trường thực hành tốt nhất.
Tàu buồm Lê Quý Đôn hành trình trên Thái Bình Dương. Ảnh: CTV
Trong chuyến hành trình từ Ba Lan về Việt Nam, kíp thủy thủ Học viện Hải quân cùng đồng nghiệp nước bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện.
Họ điều động tàu vượt quãng đường hơn 18.000 hải lý với 122 ngày lênh đênh trên các đại dương xa thẳm: từ biển Baltic, kênh Anh băng qua Đại Tây Dương, biển Caribe, kênh đào Panama, vượt Thái Bình Dương vào Biển Đông và về Việt Nam an toàn tuyệt đối.
Suốt quãng đường gần ¾ vòng trái đất, con tàu phải đối mặt với nhiều cơn bão mạnh trên khắp các đại dương. Đây là những thử thách ban đầu đối với sức sống tàu, lòng dũng cảm và chịu đựng sóng gió của thủy thủ đoàn. Cuối cùng, họ đã vượt qua tất cả.
Nói về những gian nan mà anh em chiến sĩ gặp phải trong chuyến đi, Thuyền trưởng Lã Văn Tám tâm sự: Chuyện dài lắm, cũng có những lúc biển êm, tàu căng buồm nhẹ nhàng lướt sóng thì chẳng nói làm gì nhưng cũng có nhiều lúc đối mặt với điều kiện khí tượng thủy văn không thuận lợi, anh em trong kíp tàu lại động viên nhau để cùng vượt qua.
Nhất là những cơn bão hình thành nhanh và bất ngờ, giữa đại dương mênh mông sâu thẳm, mây đen ở đâu bỗng kéo đến ùn ùn, gió bắt đầu vần vũ như vắt kiệt cả bầu trời bằng những luồng xoắn ốc đen kịt.
Mưa xiết xuống và con tàu bắt đầu lắc lư, chòng chành, mong manh trước cơn thịnh nộ của thời tiết. Sóng, những con sóng cao vút ập xuống cả mặt bong, đánh ầm ầm vào mạn tàu không dứt. Mọi thứ đều trở nên mặn chát. Vậy mà kíp thủy thủ vẫn bình tĩnh, cẩn thận trong từng thao tác, cùng nhau đưa con tàu xuyên qua từng đợt sóng trong cơn bão biển.
Tàu Lê Qúy Đôn đã vượt qua 4 cơn bão mạnh đến như vậy, 3 cơn trên biển Đại Tây Dương và 1 cơn trên biển Thái Bình Dương. Điều đáng nói, 3 trận bão trên biển Đại Tây Dương với sức gió lên tới cấp 11 liên tiếp hoành hoành trên quãng đường mà con tàu đi qua.
Anh em trên tàu rất mệt mỏi nhưng công việc huấn luyện vẫn được thực hiện đều đặn theo lịch trình, kíp thủy thủ phải căng hết sức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Huấn luyện trên tàu buồm cũng không hề đơn giản, nhất là khi làm việc trên những cột buồm cao tới 40 m trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ thủy thủ bị hất văng ra khỏi tàu rất cao.
Vì thế, với người lính tàu buồm, ngoài sức khỏe dẻo dai, nhanh nhẹn, họ còn phải là những người chịu sóng tốt, cẩn thận, khéo léo và có kĩ năng làm việc nhóm bởi cường độ làm việc ở đây có lúc rất khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến mức nhiều lúc bữa cơm anh em phải ăn tới 4, 5 lần mới xong - Bếp trưởng Nguyễn Thế Anh trải lòng.
Câu chuyện về chuyến hành trình đầu tiên đầy ắp kỷ niệm. Ngoài thử thách bản lĩnh, kinh nghiệm đi biển thì trong mỗi gười lính trên con tàu này đều giữ cho mình những ký ức không thể nào quên.
Bao gian nan, vất vả khi huấn luyện nhưng đọng lại trong câu chuyện kể đầu xuân ấy, ánh mắt các chiến sĩ lại ánh lên niềm tin yêu và tự hào: tin yêu cuộc sống, yêu tàu, yêu biển, đảo. Không yêu sao được khi anh em luôn trìu mến gọi con tàu bằng cái tên quá đỗi thân thương và đầy hình ảnh: "Thiên nga trắng".
Ngay cả thuyền trưởng Lã Văn Tám vẫn rất lãng mạn buông một câu thật... mùi mẫn khi nhận xét sau giờ bảo quản: Thiên nga trắng vẫn luôn được giữ gìn, bảo quản sạch đẹp đến không ngờ trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường đi biển dài ngày.
Lẫn trong gió biển, làn hương xuân quyện vào theo nhè nhẹ. Hít một hơi thật sâu… Vị mặn mòi tinh khiết của đại dương như nguồn năng lượng mới tràn khắp cơ thể. Những đôi mắt thủy thủ trong veo ngước nhìn bầu trời bao la.
Một mùa xuân mới bắt đầu, các học viên Học viện Hải quân lại tiếp tục cùng thiên nga trắng căng buồm kiêu hãnh lướt mình trên biển xanh mênh mông.