Debbie Swales đau thấu tim gan khi thấy người chồng quá cố Gavin vẫn không được yên lành an táng dưới huyệt mộ trong giây phút cuối đời.
Giữa lúc đội mai táng đang nâng cỗ quan tài xuống mộ ở nghĩa trang West Road (Newcastle, Anh), họ đột nhiên trượt tay khiến quan tài vỡ nát, thi thể chồng bà cứ thế mà bại lộ trước tầm mắt của hơn 400 vị khách.
Sau khi gây họa, nhóm người này lại thi nhau bỏ trốn mất dạng. Các con của hai người phải nhảy xuống huyệt để nâng thi thể của bố lên.
“Tôi không sao nén được nước mắt”, góa phụ 52 tuổi nói. “Nắp quan tài vỡ toang, bọn trẻ bèn trèo xuống huyệt mộ để ôm bố lên”.
Cố nén nỗi đau xót đến tê dại trong lòng, bà tiếp tục tổ chức một tang lễ khác để tiễn đưa người yêu dấu.
Sau đám tang của chồng, Debbie rơi vào cảnh u uất cùng cực.
"Nếu người thân của bạn rơi vào tình huống đó, bạn cũng sẽ phản ứng như vậy. Quang cảnh khi ấy không hề riêng tư chút nào, có đến 400 - 500 khách đến viếng đã nhìn thấy thi thể của chồng tôi", bà nghẹn ngào.
Tháng 11/2015, hai ngày sau khi xảy ra thảm họa, gia đình cử hành nghi thức mới cho Gavin với một đơn vị tổ chức tang lễ khác.
Thế nhưng, ký ức ngày hôm đó đã để lại bóng ma tâm lý trong lòng Debbie, bà không thể buộc bản thân mình tha thứ cho Clark Pearson - người đứng đầu dịch vụ tang lễ khiến thi thể chồng bà bị tổn hại.
"Khi tôi chạy đến nhìn Gavin, anh ấy không còn vẹn nguyên như lúc mới được đặt vào quan tài nữa.
Trên mặt anh ấy có vết cắt thật dài do bị mảnh quan tài vỡ cứa trúng. Cảnh tượng ấy vẫn luôn ám ảnh trong đầu, tôi không sao bình tâm lại mỗi khi nhớ đến nỗi đau mất anh", bà nói.
"Tôi biết vụ việc lần này là một tai nạn, ai lại cố ý vứt quan tài người chết bao giờ? Nhưng tại sao họ lại chạy trốn!
Ít ra cũng phải đối mặt với những gì mình đã gây ra chứ, vậy mà họ vô trách nhiệm đến nỗi bắt các con tôi làm luôn phần việc của mình".
Bà ngồi bên mộ người chồng quá cố - Gavin Swales.
Sau thời gian chiến đấu với bệnh bạch cầu và ung thư thận từ năm 2013, Gavin đã nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 55.
Trước đó, em trai ông là Frankie đã hiến tủy cho anh, nhờ đó mà sức khỏe của Gavin bắt đầu cải thiện. Nào ngờ, tình thế lại một lần nữa đảo ngược khi ông mắc bệnh viêm phổi.
Chỉ vài tháng sau khi trải qua ca cấy ghép thứ hai, Gavin đã qua đời, để lại Debbie cùng con cháu trong nỗi đau xót tột cùng.
"Đối với tôi, 4 năm qua chẳng khác nào địa ngục", bà nói. "Mỗi khi nhìn thấy ảnh của Gavin, tôi lại nhớ đến gương mặt bị cứa đứt một đường dài bên má hôm anh ấy ngã ra khỏi quan tài.
Mọi người hoảng loạn chạy khắp nơi, bọn trẻ thì nhảy xuống huyệt để đỡ lấy thi thể bố.
Từ đó đến bây giờ, tôi không dám tham gia bất kỳ tang lễ nào nữa, kể cả khi bạn thân qua đời. Các cháu của tôi không dám đến gần mộ ông vì chúng sợ hãi cảnh tượng hôm ấy".
Vào tháng 8, gia đình bà miễn cưỡng nhận khoản tiền bồi thường trị giá 136.500 £ (gần 4 tỷ VND) từ giám đốc nhà tang lễ đã gây ra sự cố.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí tổ chức tang lễ là 77.000 £ (2,2 tỷ VND) và nhiều khoản phí không tên khác, cả nhà chỉ còn lại 47.000 £ (khoảng 1,4 tỷ VND).
Gavin (giữa) cùng vợ và em trai Frankie.
Đến tận ngày hôm nay, giám đốc nhà tang lễ - tức Clark Pearson - vẫn chưa hề hé răng xin lỗi gia đình Debbie lấy một câu, trong khi công ty của ông ta còn chưa ngừng kinh doanh.
Bà bức xúc: "Thế có nghĩa là tôi và con cháu bị tống cho chừng 5000 £ (xấp xỉ 145 triệu VND) để im miệng.
Đây là một sự xúc phạm nặng nề. Tôi chỉ muốn đòi lại công bằng cho chồng mình, chứ không phải vì tiền.
Gia đình tôi đã phải sống trong nỗi đau đớn dằn vặt suốt 4 năm qua, Clark Pearson phải biết được ông ta đã tổn thương chúng tôi đến mức nào".
Bà mẹ 8 con tiếp tục: "Ai cũng nói thời gian sẽ chữa lành tất cả vết thương, nhưng ký ức ngày tang lễ hôm đó không thể nào xóa mờ trong đầu tôi. Tôi thấy trống vắng và không sao vui vẻ nổi.
Có lẽ nỗi buồn đau này sẽ theo tôi đến khi nhắm mắt xuôi tay".
Hội đồng thành phố Newcastle Newcastle không có động thái nào chống lại ông Clark Pearson, mà chỉ nhắc nhở các nhà điều hành dịch vụ tang lễ phải cẩn trọng khi tổ chức buổi lễ mang tính chất trang trọng như trên.
Luật sư cho biết Pearson rất hối hận vì sai lầm ngày hôm đó, song hiện tại ông không tiện bình luận gì thêm vì hai bên đã hòa giải êm xuôi trước tòa.